Giảm tác hại thuốc lá: Mục tiêu được WHO thiết lập ngay từ ngày đầu thành lập FCTC
(Dân trí) - Công ước khung của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) về Kiểm soát thuốc lá (FCTC) là hiệp ước quốc tế đầu tiên được đàm phán dưới sự bảo trợ của WHO. Công ước này được Đại hội đồng Y tế Thế giới thông qua vào ngày 21/5/2003, có hiệu lực từ ngày 27/2/2005.
Kể từ đó, FCTC trở thành một trong những hiệp ước được chấp nhận rộng rã và nhanh chóng nhất trong lịch sử Liên Hợp Quốc (UN).
Theo đó, Điều 1 (d) của FCTC nêu rõ: "Kiểm soát thuốc lá bao gồm một loạt các chiến lược về cung, cầu và giảm tác hại, nhằm cải thiện sức khỏe của con người thông qua việc loại bỏ hoặc giảm tiêu thụ các sản phẩm thuốc lá và giảm phơi nhiễm với khói thuốc".
Quá trình FCTC xem xét về tác động của các sản phẩm không khói
Năm 2003, Ủy ban Cố vấn Khoa học của WHO về Quy định Sản phẩm Thuốc lá nhấn mạnh: "Lý do chính được chấp nhận về mặt y tế công cộng đối với việc phát triển các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới là khả năng giảm tác hại do các sản phẩm thuốc lá hiện có (thuốc lá truyền thống) gây ra. Chỉ những người chuyển sang sử dụng một sản phẩm ít gây hại hơn mới có thể giảm được tác hại."
Không dừng lại ở đó, tài liệu báo cáo kỹ thuật của WHO số 945 phát hành năm 2007 cũng nêu rõ: Mặc dù không thể loại bỏ tất cả chất gây hại hoặc không thể ước tính một cách cụ thể, đáng tin cậy về mức độ giảm nguy cơ do giảm hàm lượng của một chất gây hại duy nhất, tuy nhiên việc giảm hàm lượng chất gây hại trong khói đến mức cao nhất có thể là mục tiêu quản lý hợp lý và có giá trị.
Cách tiếp cận này tương tự như cách giảm mức độ nhiễm bẩn trong sản phẩm thực phẩm, ngay cả khi không có bằng chứng rõ ràng rằng việc giảm nhiễm bẩn có thể làm thay đổi đáng kể nguy cơ bệnh tật.
Do vậy, kết luận trong báo cáo cũng nhấn mạnh, từ góc độ sức khỏe cộng đồng, rất khó để biện minh cho việc cho phép chất gây ung thư ở hàm lượng rất cao trong một số loại thuốc lá truyền thống, trong khi lại không chấp nhận các loại thuốc lá thế hệ mới khác chỉ chứa một phần nhỏ hàm lượng các chất gây hại này, ngay cả khi không chắc chắn về mức độ lợi ích của việc giảm một thành phần nào đó.
Một kết luận khác trong năm 2015 của WHO cũng nhấn mạnh: "Việc phát triển các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới ít gây hại hoặc ít gây nghiện hơn có thể là một phần của cách tiếp cận toàn diện nhằm giảm tử vong và bệnh tật liên quan đến thuốc lá, đặc biệt là ở những người hút thuốc không thể hoặc không muốn cai thuốc lá."
Sự thay đổi của người dùng
Sau gần 20 năm thiết lập FCTC và công nhận vai trò của các sản phẩm giảm tác hại thuốc lá, cho đến nay các sản phẩm thuốc lá không khói không chỉ hiện diện phổ biến trên toàn cầu mà còn ngày càng đa dạng về chủng loại để phù hợp với "khẩu vị" của người tiêu dùng từng quốc gia.
Sự đa dạng hóa này cũng được chính phủ các nước chấp nhận để đáp ứng nhu cầu sử dụng khác nhau của người dân từng nước, với mục tiêu cuối cùng là xóa bỏ hoàn toàn việc hút thuốc lá điếu, dù đó là cai hoàn toàn hay chuyển đổi sang các sản phẩm không khói khác.
Theo dữ liệu nghiên cứu thị trường thế giới, năm 2023, doanh thu toàn cầu của các sản phẩm công nghệ mới thay thế thuốc lá điếu (còn gọi là thuốc lá không khói) này đang đạt 22,5 tỷ USD.
Với tốc độ này, dự đoán trước năm 2032, con số này sẽ đạt 57,9 tỷ USD. Điều đó cũng phản ánh tốc độ tăng trưởng kép hàng năm của ngành hàng này ở mức 11,1%. Mức tăng trưởng ấn tượng này đến từ nhu cầu đang thay đổi của người sử dụng thuốc lá.
Để thay đổi và cập nhật kịp thời với những tiến bộ khoa học về các sản phẩm thuốc lá không khói có tiềm năng giảm tác hại, chính phủ các nước không ngừng điều chỉnh quy định để nhằm đưa các sản phẩm hợp pháp vào thị trường và loại bỏ những sản phẩm biến tướng, trá hình bất hợp pháp thâm nhập vào nội địa.
Cụ thể tại Mỹ, Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) cung cấp Cơ sở dữ liệu cho phép tìm kiếm công khai các sản phẩm thuốc lá hợp pháp được lưu hành tại quốc gia này để giúp người dùng, nhà bán lẻ, nhà phân phối lựa chọn các sản phẩm được cung cấp hợp pháp. Cơ sở dữ liệu này cũng đồng thời cho thấy số lượng của các sản phẩm không khói được FDA xem xét ngày càng mở rộng.
Chính phủ Anh đã công bố, từ năm 2021 đến năm 2022, 68 triệu bảng Anh đã được phân bổ để tiếp tục và tăng cường các biện pháp nhằm đạt được các mục tiêu giúp người dân cai hút thuốc lá điếu truyền thống thông qua việc tuyên truyền và hỗ trợ cung cấp miễn phí các sản phẩm không khói. Theo báo cáo, chính sách này đã giúp hơn 100.000 người hút thuốc lá điếu tại Anh cai vĩnh viễn, từ đó giảm bớt gánh nặng chăm sóc y tế cho Cơ quan Y tế Quốc gia Anh.