1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

"Giám đốc đối ngoại Formosa Hà Tĩnh có phần coi thường người Việt Nam"

(Dân trí) - Phát biểu của Giám đốc đối ngoại Formosa Hà Tĩnh hôm qua (25/4) với ý: (Việt Nam) hoặc là chọn bắt tôm, cá, hoặc là chọn nhà máy thép, vẫn tiếp tục gây nên bất bình lớn không chỉ với người dân mà cả giới chuyên gia kinh tế Việt Nam.


Chuyên gia Đỗ Thiên Anh Tuấn: Tôi tự hỏi, liệu phát biểu của đại diện Formosa có phải là lời “tự thú” rằng chính dự án Formosa là thủ phạm gây ô nhiễm làm cá chết hàng loạt mà dư luận đang hoang mang không?

Chuyên gia Đỗ Thiên Anh Tuấn: "Tôi tự hỏi, liệu phát biểu của đại diện Formosa có phải là lời “tự thú” rằng chính dự án Formosa là thủ phạm gây ô nhiễm làm cá chết hàng loạt mà dư luận đang hoang mang không?"

Chuyên gia Đỗ Thiên Anh Tuấn, giảng viên Chương trình giảng dạy kinh tế Fullbright Việt Nam đã gửi tới Dân trí bài viết, thể hiện quan điểm của ông về vấn đề: Chọn tôm,cá hay chọn nhà máy thép mà ông Chu Xuân Phàm, Giám đốc đối ngoại Formosa Hà Tĩnh đặt ra. Dưới đây là nội dung bài viết:

Chọn cá hay Formosa? Tôi tự hỏi, liệu phát biểu của đại diện Formosa có phải là lời “tự thú” rằng chính dự án Formosa là thủ phạm gây ô nhiễm làm cá chết hàng loạt mà dư luận đang hoang mang không? Tôi mong là Chính phủ sẽ sớm có kết luận điều tra chính thức về vấn đề này.

Trở lại với câu hỏi của đại diện Formosa, tôi nghĩ rằng nó có phần coi thường người Việt Nam. Nếu thực sự có một ai đó đáng bị coi thường thì câu hỏi của đại diện Formosa nên đặt ra cho chính người đó. Trong khi nhiều người dân Việt Nam, ít nhất là những ngư dân đang bị ảnh hưởng, không có quyền được trả lời câu hỏi đó, càng không có quyền quyết định có chấp nhận dự án Formosa hay không. Chính các lãnh đạo một số bộ ngành và địa phương mới là những người đã quyết định chọn dự án Formosa và chính họ phải chịu trách nhiệm giải trình với dân về những lợi ích mà họ đại diện.


Dự án Formosa Hà Tĩnh được nhiều chuyên gia kinh tế cho là một dự án tiêu biểu về thất bại trong chính sách thu hút FDI thiếu cân nhắc của Việt Nam.

Dự án Formosa Hà Tĩnh được nhiều chuyên gia kinh tế cho là một dự án tiêu biểu về thất bại trong chính sách thu hút FDI thiếu cân nhắc của Việt Nam.

Cho đến nay, dù chưa thể kết luận nhưng vẫn có thể cho phép chúng ta củng cố thêm giả thuyết bấy lâu về cái giá quá đắt của dự án Formosa mà nền kinh tế đang phải gánh chịu. Cái giá đó không chỉ là những vụ lúa bị mất đi trên chính mảnh đất nay được thay bằng dự án mà còn có khả năng là nguồn lợi hải sản ở một vùng biển rộng lớn bị hủy diệt, ẩn sau đó là sinh kế của ngư dân, và hơn nữa là sức khỏe, tính mạng và nòi giống của người Việt Nam cũng có nguy cơ bị suy kiệt.

Nếu xét ở góc độ thuần túy kinh tế, dẫu sao cũng phải thừa nhận rằng đại diện Formosa đặt vấn đề lựa chọn như vậy cũng có một phần đúng. Tức là trong việc hoạch định chính sách phát triển cũng như quyết định dự án đầu tư chúng ta luôn phải đặt mình vào sự lựa chọn và nhiều khi là sự đánh đổi. Nói khác đi, chúng ta luôn phải cân nhắc chi phí cơ hội trước mỗi lựa chọn của mình. Chi phí cơ hội tức là lợi ích lớn nhất của lựa chọn bị bỏ qua một khi chúng ta dành nguồn lực cho dự án khác.

Tuy nhiên, đại diện Formosa đã đánh tráo khái niệm về chi phí cơ hội đồng thời mặc nhiên cho rằng dự án Formosa là phương án hiệu quả nhất. Thứ nhất, mảnh đất mà hiện nay là dự án Formosa không phải chỉ có thể sử dụng cho một trong hai mục đích là trồng lúa hoặc xây nhà máy thép. Do đó, chi phí cơ hội của việc xây nhà máy thép không hẳn là lợi ích từ trồng lúa. Thứ hai, xét về hiệu quả kinh tế, nếu được thẩm định nghiêm túc thì dự án thép Formosa chắc chắn không phải là dự án mang lại hiệu quả kinh tế nhất, đặc biệt khi tính đến các tác hại tiềm năng về môi trường.

Nói khác đi, chúng ta không nhất thiết phải chọn giữa cá, lúa hay Formosa. Chúng ta có nhiều sự lựa chọn khác. Lựa chọn Formosa chắc chắn là lựa chọn của một vài cá nhân có lợi ích gắn với Formosa nhưng đó nhất quyết không phải là lựa chọn của nhiều người dân Việt Nam. Không những vậy, lựa chọn của chúng ta không phải chỉ là kinh tế. Có những thứ vốn không đánh đổi.

Nhân câu chuyện của Formosa, thêm một lần nữa, phơi bày sự thật chua chát trong chính sách thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam thời gian qua. Để thu hút bằng được nhà đầu tư nước ngoài, Việt Nam không chỉ dành nhiều ưu đãi (về thuế, tiền thuê đất…) cho họ mà còn “bảo kê” cho các chính sách lỏng lẻo về môi trường. Dù các quy định về môi trường của Việt Nam tỏ ra rất chặt chẽ và nghiêm ngặt trên giấy và mọi thứ đều đảm bảo “đúng quy trình” nhưng thực tế lại hết sức lỏng lẻo như chúng ta đã thấy.

Đối với dự án thép như Formosa, chắc chắn không dễ đầu tư sang các nước có những tiêu chuẩn cao về môi trường. Chẳng hạn như đối với Úc (nước có nguồn quặng sắt lớn nhất thế giới và do đó phù hợp với công nghệ lò cao của Formosa, nhưng chủ yếu lại xuất khẩu quặng, không như Việt Nam có chủ trương tận dụng nguồn quặng sắt vốn dĩ không có nhiều tiềm năng và lợi thế so sánh để sản xuất thép bằng công nghệ lò cao, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng), nước này không khuyến khích và chào đón những dự án thâm dụng tài nguyên, gây ô nhiễm môi trường.

Việc phải tuân thủ nghiêm ngặt các tiêu chuẩn môi trường và chuẩn xả thải đi cùng với nhiều loại thuế và phí môi trường cao ngất, các hoạt động sản xuất kinh doanh gây ô nhiễm sẽ không thể hiệu quả và buộc đóng cửa hoặc di dời ra nước khác. Với những tiêu chuẩn môi trường lỏng lẻo, Việt Nam có lẽ như đang rất thành công để trở thành “thiên đường” của những dự án ô nhiễm. Câu hỏi của tôi là “nghèo” thì có nhất thiết là phải “ăn bẩn” giống như câu chuyện vệ sinh an toàn thực phẩm không?

Mạnh Quân (ghi)

"Giám đốc đối ngoại Formosa Hà Tĩnh có phần coi thường người Việt Nam" - 3

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm