Giảm 200 triệu đồng/chiếc, “cuộc chiến” giá ô tô thêm kịch tính
(Dân trí) - Hàng loạt mẫu xe mới được các liên doanh, lắp ráp trong nước đưa ra thị trường, xe nhập cũng tăng tốc đưa về nhiều mẫu xe mới, đa chủng loại và giá rẻ. Điều này khiến các doanh nghiệp (DN) xe hơi không thể đứng yên mà tìm mọi cách giảm giá. Với hạn chót năm 2018 thuế nhập xe tại ASEAN về Việt Nam được xoá bỏ, liệu thị trường có thêm những cuộc chiến giá kịch tính?
Trên thị trường, chỉ riêng 3 tháng (từ tháng 5 đến tháng 7), nhiều chủng loại xe đã giảm giá rất mạnh. Số xe đời mới gia nhập thị trường cũng xác lập ngay mức giá bằng hoặc chỉ tăng hơn không nhiều so với loại xe đời cũ trong khi các thiết kế và tiện ích đều tiên tiến hơn trước.
Các hãng đều bước vào "cuộc chiến"
Gây choáng ngợp cho thị trường xe 3 tháng qua chính là 3 dòng xe giảm giá cực mạnh: Suzuki Grand Vitara được giảm đến 170 triệu đồng/chiếc; Honda Odyssey được giảm tới 200 triệu đồng/chiếc, Mitsubishi Pajero 3.0 giảm tới 164 triệu đồng/chiếc.
Ngoài những mẫu xe giảm "siêu nhanh", các hãng ô tô Việt cũng tham gia sâu vào cuộc chơi giảm giá xe. Trong tháng 6, Honda giảm giá mạnh nhất xe đa dụng CRV lắp ráp trong nước với 150 triệu đồng/xe; mẫu xe Civic Turbo nhập Thái cũng được giảm 50 triệu đồng/chiếc.
Thaco cũng không đứng ngoài cuộc chơi, khi giảm cho mẫu Mazda CX5 từ 30 - 40 triệu đồng trong tháng 6. Thành Công giảm cho các dòng xe là Hyundai Elantra (40-50 triệu đồng), SantaFe (giảm 50-70 triệu đồng)...
Thương hiệu xe Toyota Land Cruiser cũng giảm 130 triệu đồng cho xe đời 2016 để đẩy hàng. Phiên bản Land Cruiser năm 2017 chỉ giảm 20 triệu đồng theo đại lý, nhưng giá hãng vẫn giữ nguyên từ hồi tháng 6/2017.
Đặc biệt, dù là người mới nhưng nhà phân phối chính thức của Volkswagen tại Việt Nam cũng xông xáo nhập cuộc chơi giảm giá hai mẫu xe, trong đó mẫu sedan Polo (giảm 50 triệu đồng) và nhiều nhất là mẫu đa dụng Touareg (260 triệu đồng).
Mitsubishi Việt Nam cũng giảm giá 50 - 106 triệu đồng cho hai mẫu Pajero Sport, và 90 triệu đồng cho mẫu Outlander; 60 triệu đồng cho dòng bán tải Triton và 50 triệu đồng cho dòng xe nhỏ Mirage. Ngoài ra còn có các dòng xe khác như Nissan X-Trail; Cruze và Colorado của GM Việt Nam... cũng giảm giá rất mạnh nhiều dòng xe.
Giá xe đã xuống đáy hay còn giảm nữa?
Trong tháng 6/2017, một số DN lắp ráp xe trong nước cho rằng, với mức giá xe đã và đang giảm nhanh trong thời gian gần đây, nhiều mẫu xe đã giảm giá đến đáy, khó có thể giảm sâu thêm. Tuy nhiên, ngay đầu tháng 7, chính một số DN xe trong nước lại giảm giá nhiều loại xe chiến lược của mình.
Giải thích về điều này, một DN xe cho rằng: Việc giảm giá thêm thực chất là cắt giảm chi phí, giảm sâu hơn lợi nhuận của DN, của đại lý để lấy lấy doanh số. Còn thực chất, giá xe hiện tại đã giảm khá nhanh, không còn cắt, giảm chi phí ở đâu để giảm nữa.
Tuy nhiên, cũng có ý kiến khác cho rằng, giá xe từ nay đến cuối năm sẽ còn giảm nữa, năm 2018 có thể sẽ giảm sâu hơn. "Nếu trong trường hợp thuế nhập giảm 30%, các loại thuế phí khác không thay đổi, giá xe nhập sẽ giảm thêm hàng trăm triệu đồng/chiếc", một đại lý phân phối xe hơi tại Phạm Hùng, Hà Nội cho biết.
Thực tế, thời gian qua có hai xu hướng giảm giá xe hơi tại Việt Nam, "châm ngòi" là các hãng xe liên doanh trong nước. Tuy nhiên, gần đây là các hãng xe nhập khẩu xe hơi, trong đó có nhiều thương hiệu xe không có nhà máy tại Việt Nam.
Theo lý giải của chuyên gia Ngô Trí Long, nếu các yếu tố khác không đổi (lệ phí trước bạ, thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB)... và việc bỏ nốt 30% thuế nhập đối với xe nguyên chiếc từ ASEAN, giá xe trong nước hoàn toàn có điều kiện cần và đủ để giảm giá.
Thực tế, trong năm 2017, khi loại thuế trên đối với xe từ ASEAN giảm từ 40% xuống còn 30%, các hãng xe cả trong nước và ngoài nước đã giảm giá rất mạnh, nếu bỏ thuế nhập khẩu, sẽ càng có cơ hội để giá xe giảm mạnh hơn.
Một số DN kinh doanh xe phân tích quy luật giảm giá và đưa ra nhận định các liên doanh lắp ráp, vừa nhập khẩu xe hơi tại Việt Nam đang chiếm thị phần rất lớn, họ hiểu hơn ai hết việc tham gia vào cuộc chiến giảm giá xe sẽ gây bất lợi cho họ. Vì vậy, các liên doanh sẽ "nhìn nhau", hoặc có động thái bắt tay nhau để ổn định giá xe, tránh ảnh hưởng kết quả kinh doanh.
Cụ thể, với các thương hiệu xe có nhà máy lắp ráp tại Việt Nam, có cả bộ phận nhập khẩu như Toyota, Honda, Ford... họ có sẵn hệ thống phân phối, bảo hành, nhận diện thương hiệu và đặc biệt là niềm tin khách hàng, chắc chắn sẽ giảm giá ít hơn. Bên cạnh đó, nếu giá xe nhập giảm mạnh, khiến xe trong nước cùng hãng không thể cạnh tranh được, các tập đoàn đa quốc gia đều có tính toán để giữ giá sao cho an toàn, phù hợp cho các bên và theo đúng cam kết với các nước.
Tuy nhiên, đối với các xe thuần nhập khẩu về Việt Nam như: BMW, Mitsubishi, Audi, Volkswagen, Lexus... chắc chắn họ sẽ làm mọi cách để giảm giá, gia tăng thị phần, thị trường để cạnh tranh với các hãng xe trong nước. Đây sẽ là xu thế chính đi đầu trong cuộc chiến giảm giá xe hơi tại Việt Nam hậu 2018.
Nguyễn Tuyền