1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Giải pháp nào loại bỏ chất cấm trong chăn nuôi?

(Dân trí) - Theo thống kê của Trung tâm chính sách và chiến lược nông nghiệp, nông thôn miền Nam, sản phẩm thịt gia súc, gia cầm vi phạm chỉ tiêu sinh vật sử dụng chất cấm vượt ngưỡng an toàn đến 15,4%, có những cơ sở chăn nuôi sử dụng chất cấm, chất tạo nạc cao gấp 4 lần.

Tại Diễn đàn chính sách quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm trong chăn nuôi vừa được tổ chức tại TP HCM, nhiều đại biểu cho rằng, Nhà nước cần ban hành những quy định cụ thể và nghiêm khắc hơn đối với hành vi vi phạm về lĩnh vực sử dụng chất cấm trong chăn nuôi. Đồng thời, quy định trách nhiệm của chủ cơ sở chăn nuôi, chủ cơ sở giết mổ trong việc thực hiện lưu giữ gia súc khi phát hiện tồn dư chất cấm trong quá trình chờ kết quả xét nghiệm định lượng.

Cụ thể, mức phạt đối với các cơ sở sản xuất buôn bán các chất phụ gia cấm trong chăn nuôi hiện tại còn quá nhẹ, với mức phạt hành chính cao nhất chỉ 100 triệu đồng trong khi lợi nhuận thu được từ việc sử dụng chất cấm thu lại "quá khủng".

Một trong những giải pháp mà TP HCM đang triển khai đó là dán nhãn cho các sản phẩm thông qua phần mềm truy xuất nguồn gốc đây được cho là biện pháp khả thi.

k-1478736976797

Công nhân một cơ sở nuôi heo đang bơm nước để tăng trọng heo.

TS Nguyễn Thị Hồng Minh, đại diện đơn vị cung cấp phần mềm truy xuất nguồn gốc thực phẩm cho biết: “Hiện tại, một số siêu thị đã bắt đầu triển khai thí điểm truy xuất nguồn gốc thịt heo như Coopmart, BigC. Khác hàng khi mua sản phẩm sẽ có mã vạch để biết quy trình chăn nuôi, giết mổ. Tuy nhiên việc áp dụng rộng rãi tại các chợ truyền thống thì cần có thời gian và sự đồng lòng của nhiều nhà cung cấp.”

Đối với người chăn nuôi, các ban ngành, địa phương cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền để họ nhận thức được rằng, việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi là việc làm vi phạm pháp luật, vừa hại người khác, vừa hại chính mình.

Theo ông Nguyễn Thanh Sơn, Viện trưởng Viện chăn nuôi miền Nam, việc lạm dụng kháng sinh trong chăn nuôi hiện tại rất phổ biến như: Clenbuterol và Salbutamol là hai chất thuộc nhóm beta-agonist có tác dụng làm giãn phế quản, được dùng làm thuốc chữa bệnh hen suyễn ở người. Khi dùng các chất này cho heo ăn, sẽ làm cho heo tăng trọng nhanh hơn 25%, nở mông, nở đùi, tăng tỷ lệ thịt nạc, nhiều nạc. Đặc biệt là tiêu biến mỡ, heo ít mỡ và màu sắc thịt đỏ tươi nên được người sử dụng và các công ty chế biến ưa dùng.

Ngoài ra, chất tạo màu vàng O (Auramine), cũng được sử dụng rất nhiều, chất này được sử dụng trong công nghiệp nhuộm sợi, nhuộm giấy, tạo màu in ấn. Tuyệt đối không được sử dụng trong thực phẩm hoặc làm chất phụ gia trộn vào thức ăn cho vật nuôi và cho người.

Thực tế, để kích thích tăng trọng trong chăn nuôi, các hộ chăn nuôi vẫn sử dụng các chất cấm với liều cao nên hàm lượng tồn dư trong sản phẩm thịt là khá lớn. Khi người ăn phải thịt gia súc có chứa nhóm beta-agonist về lâu dài có thể ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, có các biểu hiện như tim đập nhanh, tăng huyết áp, nhức đầu, tay chân run, buồn nôn, rối loạn tiêu hóa. Do nhóm beta-agonist còn gây giãn nở cơ trơn tử cung nên nguy cơ cao trong việc gây sảy thai đối với phụ nữ mang thai. Tồn dư các chất vàng O trong chăn nuôi gây tổn hại sức khỏe con người và làm tăng khả năng nguy cơ ung thư cao.

Theo TS Nguyễn Đức Lộc, do tác động gây hại sức khỏe trên người mà các nước đã cấm sử dụng nhóm beta-agonist để làm chất kích thích tăng trọng trong chăn nuôi. Ở Việt Nam, năm 2002 Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn ra quyết định cấm sử dụng chất tạo nạc trong chăn nuôi.

Chuyên gia về lĩnh vực chăn nuôi cũng khuyến cáo người tiêu dùng không nên chọn mua những sản phẩm thịt có màu đỏ tươi, nhiều nạc và nhão vì đó là những biểu hiện của hàng có sử dụng chất tạo nạc.

Trung Kiên