1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Giải ngân vốn khởi nghiệp: Singapore mất 1 tuần, Việt Nam mất 1 năm

(Dân trí) - Chia sẻ kinh nghiệm về gọi vốn cho khởi nghiệp trong buổi TALKUP "Toàn cảnh gọi vốn Đông Nam Á và câu chuyện của Việt Nam" mới diễn ra tại Hà Nội, hai chuyên gia khởi nghiệp ông Nguyễn Mạnh Dũng và Đỗ Hoài Nam cho rằng: Vốn khởi nghiệp hàng tỷ USD hiện vẫn lẩn trốn khi vào Việt Nam.

Ông Nguyễn Mạnh Dũng – Giám đốc Điều hành CyberAgent Đông Nam Á có trụ sở tại Việt Nam và Thái Lan cho biết: Năm 2016, tổng giá trị đầu tư vào các dự án tại khu vực Đông Nam Á là khoảng 1,5 tỷ USD. Song ở Việt Nam, con số này chỉ là dưới 100 triệu USD, 80% số tiền còn lại đổ vào Indonesia và Singapore.

Hai chuyên gia về hỗ trợ khởi nghiệp nêu ra những điểm nghẽn đang là áp lực lớn cho các khởi nghiệp viên, những cá nhân có ý tưởng kinh doanh táo bạo ở Việt Nam
Hai chuyên gia về hỗ trợ khởi nghiệp nêu ra những điểm nghẽn đang là áp lực lớn cho các khởi nghiệp viên, những cá nhân có ý tưởng kinh doanh táo bạo ở Việt Nam

Ông này lý giải, ở Việt Nam, đã có những công ty gọi vốn được hàng chục triệu USD, nhưng hàng trăm triệu USD thì chưa có. Khác biệt lớn nhất giữa thị trường khởi nghiệp Việt Nam và một số quốc gia trên là họ có chính sách hỗ trợ, gọi vốn tốt hơn chúng ta.

"Thị trường Việt Nam có những bất lợi là rủi ro lớn; nhiều thủ tục đầu tư, giấy phép con; thời gian giải ngân cho một thương vụ đầu tư mất rất nhiều thời gian. Vì thế, chỉ những nhà đầu tư kiên nhẫn nhất mới có thể đầu tư vào thị trường Việt Nam", ông Nam nói.

Ông Dũng ví dụ: "Ở Singapore, chỉ 1 tuần là giải quyết xong các thủ tục và giải ngân vốn đầu tư. Ở Thái Lan là 1 tháng, nhưng ở Việt Nam phải mất từ 8 tháng tới 1 năm".

Ông này giải thích thêm: Để có một bộ hồ sơ được chấp thuận giải ngân vốn, nhà đầu tư phải cung cấp đầy đủ thông tin về nhà đầu tư gồm hộ chiếu của người đại diện pháp luật, giấy đăng kí kinh doanh, điều lệ công ty…Tất cả đều phải được dịch từ tiếng nước ngoài sang tiếng Việt, công chứng. Làm xong bộ hồ sơ trên mất 1 tuần, rồi lại mất thêm vài tháng nữa để xin chữ kí của tất cả các bên liên quan. Đó là với 1 nhà đầu tư, nếu có 3 nhà đầu tư ở 3 nước khác nhau, có lẽ phải chờ tới cả năm.

Theo ông Đỗ Hoài Nam – Đồng sáng lập mô hình không gian làm việc, sáng tạo chung (UP Co-working Space) Việt Nam nói: Vấn đề với nhà đầu tư khởi nghiệp không phải chỉ là đầu tư vào dự án tốt, ý tưởng tốt mà còn là thoái vốn bao nhiêu tiền, thoái vốn bằng cách nào.

Việt Nam có những ý tưởng rất tốt, không thua kém gì so với các nước tại ASEAN, khoảng cách trình độ công nghệ, tư duy toàn cầu, tư duy thực tiễn trong ý tưởng của các ý tưởng viên, người khởi nghiệp Việt Nam không cách xa giới khởi nghiệp ở Thung lũng Silicon (Mỹ) là bao nhiêu. Nhưng để hiện thực chúng, chúng ta phải đi một chặng đường rất dài nữa mới đến được.

"Startup là một sản phẩm, sau khi đầu tư khoảng 3 năm, 5 năm hay 10 năm họ sẽ bán ra để kiếm lời. Nếu không bán được coi như thất bại", ông Nam nói.

Ông này cho biết thêm, ở Việt Nam hiện nay có rất ít lối thoát để nhà đầu tư thoái vốn, càng đầu tư lớn, nhà đầu tư càng gặp nhiều rủi ro. Vậy nên, thay vì đầu tư vào Việt Nam họ sẽ đầu tư vào Indonesia, Malaysia, Singapore vì khả năng thu hồi tiền và lãi cao hơn.

Nếu như các nước, nhận thấy ý tưởng khởi nghiệp tốt, các tập đoàn lớn, quỹ đầu tư mạo hiểm phân tích và đổ tiền vào ngay. Sau đó họ một là phát triển nó thành sản phẩm, ứng dụng hay là bán cho một nhà đầu tư khác, kiếm lời. Ở Việt Nam, chưa hình thành thị trường ý tưởng và đầu tư mạo hiểm như vậy.

Nguyễn Tuyền

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm