Giải ngân ODA và vốn vay ưu đãi chưa đến 50%

(Dân trí) - Mục tiêu của Chính phủ giải ngân ODA và vốn vay ưu đãi trong giai đoạn 2011-2015 khoảng 14-16 tỷ USD trên tổng vốn cam kết khoảng 32-34 tỷ USD, trong đó đã có một nửa vốn giải ngân từ giai đoạn trước chuyển sang.

Giải ngân ODA và vốn vay ưu đãi chưa đến 50% - 1
Một số nhà tài trợ cho rằng mức giải ngân của Việt Nam vẫn còn thấp so với mức bình quân trong khu vực và quốc tế (ảnh minh họa).

Thủ tướng Chính phủ mới đây vừa phê duyệt Đề án “Định hướng thu hút, quản lý và sử dụng nguồn vốn ODA và các khoản vốn vay ưu đãi khác của các nhà tài trợ thời kỳ 2011-2015”.

Trong kế hoạch phát triển 2011-2015, dự kiến tổng nhu cầu vốn đầu tư toàn xã hội khoảng 250 – 266 tỷ USD. Trong đó, nguồn vốn trong nước chiếm khoảng 75-80%, ngoài nước là 20-25%.

Nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi cam kết trong giai đoạn này dự kiến khoảng 32 – 34 tỷ USD, vốn giải ngân khoảng 14 -16 tỷ USD (tương đương khoảng 6% tổng đầu tư xã hội). Trong đó có khoảng 50% vốn giải ngân từ các chương trình và dự án đã ký kết trong giai đoạn 2006-2010 chuyển sang.

Như vậy, bình quân vốn ODA và vốn vay ưu đãi giải ngân sẽ đạt khoảng 2,8 – 3,2 tỷ USD/năm.

Đề án này của Chính phủ được làm căn cứ để các nhà tài trợ sử dụng trong quá trình hoạch định chính sách hợp tác phát triển, xây dựng các chiến lược, chương trình cung cấp vốn ODA và vốn vay ưu đãi cho Việt Nam. Đồng thời cũng là cơ sở để minh bạch hóa chính sách của Chính phủ Việt Nam trong việc thu hút, quản lý và sử dụng các nguồn vốn này trước dư luận.

Trước đó, thông qua 5 Hội nghị thường niên Nhóm tư vấn các nhà tài trợ cho Việt Nam (CG), tổng vốn ODA cam kết của các nhà tài trợ thời kỳ 2006-2010 đạt trên 31,76 tỷ USD, cao hơn 15% so chỉ tiêu đề ra.

Để hợp thức hóa cam kết vốn ODA bằng các văn kiện pháp lý quốc tế, Chính phủ và các nhà tài trợ đã ký kết các điều ước quốc tế cụ thể về ODA trên cơ sở các chương trình và dự án được các bên thông qua.

Thời kỳ 2006-2010, vốn ODA ký kết đạt 20,61 tỷ USD, cao hơn 12,7% so chỉ tiêu đề ra. Tuy nhiên, mức giải ngân chỉ đạt 13,86 tỷ USD, bằng 67,25% vốn ký kết, một số nhà tài trợ cho rằng vẫn còn thấp hơn so với mức bình quân trong khu vực và quốc tế. Mặc dù vậy kết quả đạt được vẫn cao hơn 11% so dự kiến.

Mặc dù sự đóng góp của ODA cho GDP của Việt Nam chỉ ở mức độ khiêm tốn, khoảng 3-4% trong 5 năm 2006-2010, song nguồn vốn này góp phần đảm bảo cân đối tài chính vĩ mô và đóng góp khoảng 15-17% vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước.

Mới đây, tại Hội nghị CG cuối kỳ năm 2011, các đối tác phát triển đã “chốt” con số viện trợ năm tài khóa này cho Việt Nam là 7,386 tỷ USD, có sụt giảm chút ít so năm trước.

Tổng giám đốc điều hành Sri Mulyani Indrawati của Ngân hàng Thế giới (WB) nhấn mạnh, nguồn vốn sụt giảm không phải là mối lo ngại lớn nhất cho Việt Nam hiện nay mà nhiệm vụ của Chính phủ là phải tạo được khung chính sách đảm bảo sự tiến bộ về mặt đường lối cơ cấu, từ đó mới mang lại niềm tin cho các nhà đầu tư trên thế giới.

Bích Diệp