Tăng minh bạch trong sử dụng ODA

Đánh giá cao thành tích giảm nghèo của Việt Nam, song ông Christophe Bahuet, Phó giám đốc Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam cho rằng, Việt Nam cần thu gọn các chương trình giảm nghèo, minh bạch trong sử dụng vốn và thay đổi hình thức giải ngân.

Ông bình luận thế nào về hiệu quả sử dụng vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) trong giảm nghèo ở Việt Nam?

Các cơ quan thuộc Liên hợp quốc và các nhà tài trợ đã đồng hành, hỗ trợ Việt Nam giảm nghèo suốt 20 năm qua.
 
Tăng minh bạch trong sử dụng ODA - 1

Ông Christophe Bahuet, Phó giám đốc UNDP tại Việt Nam

Năm 2011, dù kinh tế thế giới gặp nhiều khó khăn, nhưng các nhà tài trợ vẫn cam kết cho Việt Nam vay tới 7,88 tỷ USD. Điều đó đã khẳng định một phần hiệu quả sử dụng vốn ODA của Việt Nam. Đặc biệt, với việc hoàn thành Các mục tiêu Thiên niên kỷ về giảm nghèo, Việt Nam đã tạo dựng được sự tin tưởng của các nhà tài trợ.

Tuy nhiên, Việt Nam vẫn đang đối mặt với nhiều thách thức trong việc điều hành các chính sách để đảm bảo an sinh xã hội. Những biến động về kinh tế vĩ mô, đặc biệt là tình hình lạm phát cao, đang tạo thêm gánh nặng đối với người nghèo. Dù tỷ lệ hộ nghèo đã giảm đáng kể, nhưng Việt Nam vẫn còn 3 triệu hộ nghèo và 1,6 triệu hộ cận nghèo.

Vậy theo ông, Việt Nam cần làm gì trong thiết kế, điều chỉnh các chính sách giảm nghèo và an sinh xã hội?

Chính phủ Việt Nam đang hoàn thiện Đề án An sinh xã hội giai đoạn 2011 - 2020. Việc thiết kế lưới an sinh xã hội để có thể bao phủ tất cả các đối tượng yếu thế trong xã hội cùng với hệ thống bảo trợ xã hội hiện có là những thách thức lớn, nhưng là việc cần phải làm để hướng đến mục tiêu đạt mức thu nhập bình quân đầu người 3.000 USD/năm vào năm 2020. Tuy nhiên, cần đặc biệt lưu ý nhóm dân tộc thiểu số.

Mới đây, Chính phủ Việt Nam đã ban hành Nghị quyết 80/NQ-CP về định hướng giảm nghèo bền vững thời kỳ 2011 - 2020. Ông bình luận gì về vấn đề này?

Nghị quyết 80/NQ-CP đã thể hiện quyết tâm của Chính phủ trong việc tập trung nguồn lực đầu tư một cách hiệu quả cho các huyện, xã, thôn, bản nghèo nhất, từ các chương trình, chính sách giảm nghèo đặc thù, đến các chương trình mục tiêu quốc gia và các dự án ODA khác. Nghị quyết đã chuyển dần hướng đi từ riêng lẻ, chắp vá sang một hệ thống chính sách giảm nghèo mang tính thường xuyên, toàn diện và có độ bao phủ cao.

Tôi cho rằng, nỗ lực đó đã khắc phục được tình trạng phân tán nguồn lực hỗ trợ giảm nghèo và tăng được trách nhiệm giải trình trong thiết kế, đánh giá hiệu quả thực hiện các chính sách giảm nghèo của từng cơ quan chuyên môn. Tuy nhiên, để đạt hiệu quả cao hơn, cần có những chuyển đổi về năng lực tổ chức thực hiện.

Định hướng của UNDP cũng như của các tổ chức quốc tế khác trong việc hỗ trợ Việt Nam giảm nghèo thời gian tới sẽ như thế nào?

Trong giai đoạn tới, UNDP và các đối tác sẽ tiếp tục đối thoại với các bộ, ngành về định hướng phát triển kinh tế - xã hội và giảm nghèo. Chúng tôi cam kết tiếp tục hỗ trợ việc thiết kế, đánh giá, thực hiện các chương trình giảm nghèo. Tuy nhiên, Việt Nam cần cải thiện các hình thức giải ngân, tăng cường minh bạch, chuyển giao vốn hỗ trợ giảm nghèo đến tận tay người dân và chính quyền thôn, bản.

Theo Phan Long
Đầu tư