Giải mã hiện tượng “nóng” dự án FLC Complex 36 Phạm Hùng
Ngay từ khi nghe tin khu “đất vàng” 36 Phạm Hùng về tay FLC vào giữa năm 2014, giới đầu tư bất động sản đã đặc biệt quan tâm. Bằng chứng là hơn 2.000 nhà đầu tư đã chen chân tham dự Hội thảo giới thiệu về dự án tại tòa nhà Lotte Center Hanoi.
Mặc dù được chủ đầu tư khuyến cáo, nhưng thị trường đã xuất hiện nhiều giao dịch ngầm trước khi dự án được mở bán chính thức. Ngày 28/3/2015, tập đoàn FLC đã chính thức chào bán ra thị trường căn hộ tại dự án này và đã có hàng trăm người đặt cọc đăng ký mua căn hộ, khiến FLC Complex - 36 Phạm Hùng được coi là hiện tượng “nóng” trong bối cảnh thị trường bất động sản chưa hết khó khăn.
Chúng tôi chỉ bán căn hộ khi có đủ giấy tờ
Sau khi trên thị trường xuất hiện thông tin cho rằng dự án FLC Complex (36 Phạm Hùng, Hà Nội) được mở bán khi “chưa có đủ các giấy tờ pháp lý liên quan”, luật sư Trần Thế Anh, Trưởng ban Pháp chế Tập đoàn FLC khẳng định: “Chúng tôi chỉ mở bán các căn hộ thuộc dự án FLC Complex sau khi đã có đủ các giấy tờ pháp lý liên quan, trong đó có giấy phép xây dựng. Giấy phép này cũng đã được công bố công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng, cũng như với các nhà đầu tư, khách hàng”.
Ông Trần Thế Anh nhấn mạnh, không chỉ FLC Complex mà tất cả các dự án bất động sản mang thương hiệu FLC đều sẽ được đảm bảo về mặt pháp lý. FLC có đủ tiềm lực tài chính, năng lực triển khai dự án và hiểu biết pháp lý để bảo vệ uy tín của mình, không để xảy ra các rủi ro, nhất là rủi ro pháp lý cho khách hàng cũng như cho chính mình.
Trước thông tin nói dự án này không được cấp phép căn hộ chung cư để bán? luật sư Trần Thế Anh chỉ rõ: “Thông tin đó là không đúng và người đưa ra thông tin đó đã không tìm hiểu kỹ. FLC Complex là một tòa nhà phức hợp trong đó có hai loại căn hộ gồm căn hộ để bán, ở lâu dài và căn hộ dịch vụ.
Vừa qua, chúng tôi chỉ mở bán các căn hộ được phép bán, và việc mở bán này là hoàn toàn phù hợp với hồ sơ pháp lý và công năng mà chúng tôi được cấp phép”.
Về ý kiến cho rằng FLC Complex mở bán khi chưa hoàn thiện móng, luật sư Trần Thế Anh cho biết: “Chúng tôi chỉ mở bán dự án sau khi đã hoàn tất các thủ tục, điều kiện liên quan. Việc này các khách hàng hoàn toàn có thể kiểm chứng, và thực tế rất nhiều khách trước khi quyết định mua đã tự đi kiểm chứng”.
Lý giải về thông tin nghi ngờ FLC đang “tạo sóng” để bán căn hộ FLC với giá cao?, ông Thế Anh tin tưởng: “Khách hàng giờ đây có đủ thông minh để đánh giá về dự án. Việc thanh khoản của dự án cao là do uy tín của chủ đầu tư và giá trị của bản thân dự án. FLC luôn công khai thông tin về dự án, về giá bán. Và khách hàng là người quyết định việc mua”.
Khối ngoại tiếp tục rót mạnh tiền vào FLC
Trên sàn giao dịch chứng khoán, với việc mua vào hơn 450 nghìn đơn vị, khối ngoại đã duy trì phiên thứ 5 liên tiếp ở cổ phiếu FLC.
Đóng cửa phiên giao dịch ngày 16/4, VN-Index trên sàn TPHCM chốt mức 568,28 điểm, tăng 3,78 điểm, tương đương 0,67%. Khối lượng giao dịch đạt hơn 100 triệu đơn vị, ứng với giá trị giao dịch đạt 1.826 tỷ đồng, tăng hơn 100 tỷ so với hôm qua.
Tâm điểm của thị trường tiếp tục đến từ động thái giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài khi họ vẫn duy trì động thái gom mua mạnh cổ phiếu, nhất là rổ VN30. Trong đó, cổ phiếu FLC của tập đoàn FLC nằm trong Top 10 của nhóm này.
Cụ thể, khối ngoại đã chi gần 5 tỷ để mua vào hơn 456 nghìn đơn vị cổ phiếu FLC. Như vậy khối này đã thực hiện mua vào khối lượng FLC ở mức cao nhất trong vòng gần 1 tháng qua.
Chốt phiên, cổ phiếu FLC tăng giá nhẹ lên mức 10.600 đồng/cổ phiếu. Khối lượng giao dịch ở cổ phiếu này cũng nằm trong nhóm dẫn đầu với hơn 5,1 triệu chứng khoán chuyển nhượng thành công.
PV