1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

Giải mã hiện tượng cổ phiếu BMC lên 733.000đ

Ngày 16/5, cổ phiếu của Công ty cổ phần Khoáng sản Bình Định (mã chứng khoán BMC) đã lập kỷ lục cổ phiếu cao giá nhất của thị trường chứng khoán Việt Nam (tính cả thị trường OTC) với mốc 733.000 đồng/cổ phiếu.

Cổ phiếu BMC lên tới 733.000 đồng, gấp 73,3 lần mệnh giá, hơn cả SJS lúc chưa chia tách cũng chỉ đạt 728.000 đồng/cổ phiếu. Vì sao một doanh nghiệp không lớn, hoạt động trong lĩnh vực không hề thời thượng  mà giá cổ phiếu lại cao đến mức như vậy?

BMC chỉ mới biết đến nhiều khi lên sàn vào ngày 26/12/2006 với giá chào chỉ 50.000 đồng/cổ phiếu, nhưng hiện nay chưa có “ông lớn” nào đọ nổi giá cổ phiếu BMC. Nếu lấy những phiên giao dịch gần đây làm dẫn chứng sẽ thấy phần nào uy lực của BMC: trong khi nhiều ông lớn khác giảm giá hoặc tăng khiêm tốn thì BMC leo với mức trần gần như liên tục.

Không chỉ vậy, giới đầu tư càng ngạc nhiên hơn BMC chỉ có vốn điều lệ 13,1 tỷ đồng (đang chuẩn bị tăng lên 39,3 tỷ đồng) và cũng vỏn vẹn 1,31 triệu cổ phiếu được niêm yết trên sàn TPHCM.

Năm 2006, BMC lãi hơn 19 tỷ đồng; quý 1/2007 BMC tiếp tục đạt lợi nhuận sau thuế 11,5 tỷ đồng. So với vốn thì đây là công ty niêm yết lãi lớn nhất. Mặc cho VN-Index lên xuống hay thị trường nóng lạnh, từ sau cuối tháng 3/2007 đến nay, BMC luôn đứng ở mức giá cao nhất. Nhưng từ khi BMC công bố chia cổ phiếu thưởng theo tỷ lệ thưởng 200% vốn điều lệ (tương đương với tỷ lệ 1:2, cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu tại thời điểm chốt danh sách sẽ được nhận 2 cổ phiếu mới) thì giá lên vùn vụt.

Từ nay đến ngày giao dịch không hưởng quyền 22/5/2007, giới đầu tư đánh giá BMC có thể vượt qua ngưỡng 800.000 đồng/cổ phiếu. Tuy mức lãi trên vốn của BMC quá ấn tượng và mức chia cổ phiếu khá cao nhưng vẫn còn không ít lời “bàn ra tán vào” vì sao giá cổ phiếu  BMC lại quá cao và có tương xứng với giá trị thực?

BMC tiền thân là Công ty Khoáng sản Bình Định được thành lập năm 1985. Công ty đã chuyển đổi thành công ty cổ phần vào năm 2001, hoạt động trong các lĩnh vực như khai thác, chế biến và mua bán khoáng sản từ quặng sa khoáng titan và các loại quặng, khoáng sản khác; các hoạt động hỗ trợ khai thác khoáng sản... Tuy nhiên sản phẩm chính của BMC vẫn là khai thác quặng titan, một tài nguyên được đánh giá có mức lợi nhuận còn hấp dẫn và khai thác dễ dàng hơn gỗ.

Tại Bình Định, trong 2 năm 2005 - 2006, UBND tỉnh đã cho nhiều công ty thuê hàng trăm hécta đất ven biển tại các huyện Phù Cát, Phù Mỹ để khai thác titan, nhưng do lợi nhuận quá lớn và quản lý lỏng lẻo, các doanh nghiệp này đã phá hơn 221 ha rừng phòng hộ ven biển để khai thác titan.

BMC cũng góp phần phá hơn 57 ha. Tình trạng trên buộc UBND tỉnh Bình Định thu hồi hầu hết giấy phép khai thác titan. Và thế là BMC vẫn là công ty khai thác titan hàng đầu tại tỉnh này và họ không cần đầu tư nhiều, vốn lớn vẫn có lợi nhuận hấp dẫn.

Ngoài lý do chính trên, do cơ cấu cổ đông BMC hiện nay là cổ đông Nhà nước 51%, cổ đông ngoài công ty chiếm 31,36%, còn lại là cổ đông trong công ty nên thực chất cổ phiếu BMC giao dịch trên thị trường chỉ khoảng hơn 600.000 cổ phiếu.

Cùng với việc cổ đông của BMC không bán ra nên cổ phiếu này ngày càng khan hiếm, thậm chí có ngày chỉ giao dịch 100 cổ phiếu. Trong những ngày BMC tăng giá mạnh vừa qua thì hầu như chẳng có ai chịu bán ra mà chỉ toàn lùng mua vào.

Nhà phân tích chứng khoán Trần Ngọc Nam cho rằng: “Với tình hình trên thì BMC không tăng giá mới là điều bất thường, nhưng với quy mô doanh nghiệp này tôi cho rằng giá của BMC đang bị đẩy quá cao so với giá trị thực”.

Theo Hà Phan
Báo Tiền phong