1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Giải mã 6 lý do khiến Meta đang đối mặt với tứ bề khó khăn

Nhật Linh

(Dân trí) - Meta, công ty trước đây được gọi là Facebook, đang chịu đợt sụt giảm vốn hóa lớn nhất khi cổ phiếu giảm mạnh 26% xóa sổ hơn 230 tỷ USD giá trị thị trường.

Cú lao dốc này diễn ra sau khi Meta công bố báo cáo thu nhập ảm đạm kể từ khi CEO Mark Zuckerberg công bố chuyển hướng công ty từ mạng xã hội sang cái gọi là thế giới ảo của metaverse.

Giải mã 6 lý do khiến Meta đang đối mặt với tứ bề khó khăn - 1

Meta đang đối mặt với tứ bề khó khăn khiến niềm tin của nhà đầu tư sụt giảm (Ảnh: Reuters).

Dưới đây là 6 lý do khiến Meta rơi vào tình thế khó khăn, theo New York Times.

Tăng trưởng người dùng chạm trần

Theo New York Times, thời kỳ tăng trưởng người dùng một cách mạnh mẽ của Facebook đã qua. Mặc dù Meta vẫn báo cáo lượng người dùng mới trên các ứng dụng Instagram, Messenger và WhatsApp vẫn tăng, nhưng ứng dụng mạng xã hội cốt lõi Facebook mất nửa triệu người dùng trong quý IV vừa qua so với quý trước đó.

Đây là lần sụt giảm đầu tiên trong lịch sử 18 năm của Facebook. Sự sụt giảm này báo hiệu ứng dụng cốt lõi của công ty đã đạt đỉnh về lượng người dùng. Tốc độ tăng trưởng người dùng hàng quý của Meta cũng chạm mức thấp nhất trong ít nhất 3 năm.

Các giám đốc điều hành Meta đã chỉ ra những cơ hội tăng trưởng khác như bật chế độ kiếm tiền ở WhatsApp, nhưng dịch vụ nhắn tin này vẫn chưa tạo ra doanh thu đáng kể.

Các nhà đầu tư có khả năng sắp tới sẽ xem xét liệu các ứng dụng của Meta như Instagram có bắt đầu đạt đến mức cao nhất về tăng trưởng người dùng hay chưa.

Những thay đổi từ Apple

Mùa xuân năm ngoái, Apple đã giới thiệu App Tracking Transparency để cập nhật cho hệ điều hành di động iPhone cho phép chủ sở hữu lựa chọn các ứng dụng như Facebook giám sát các hoạt động trực tuyến của họ hay không. Những động thái về quyền riêng tư đó đang làm tổn hại đến hoạt động kinh doanh của Meta và điều này chắc chắn còn tiếp diễn.

Giờ đây Facebook và những ứng dụng khác phải được người dùng cho phép theo dõi hành vi của họ và nhiều người đã chọn không tham gia. Điều đó có nghĩa lượng người dùng đối với Facebook sẽ ít đi, đồng nghĩa mục tiêu quảng cáo - một trong những cách kiếm tiền chính của Facebook - sẽ trở nên khó khăn hơn.

Điều đau đớn hơn đó là người dùng iPhone lại là thị trường béo bở đối với mảng quảng cáo của Facebook. Thị trường này lớn hơn nhiều so với người dùng ứng dụng Android. Meta cho biết, những thay đổi của Apple sẽ khiến công ty mất khoảng 10 tỷ USD doanh thu trong năm tới.

Đối thủ Google "xén" miếng bánh thị phần quảng cáo trực tuyến

Theo New York Times, những rắc rối của Meta lại chính là vận may của các đối thủ. Mới đây, giám đốc tài chính Meta David Wehner cho biết những thay đổi của Apple sẽ khiến các nhà quảng cáo ít thấy hành vi của người tiêu dùng hơn và chuyển ngân sách sang các nền tảng khác như Google.

Trong tuần qua, Google cũng đã báo cáo doanh thu kỷ lục, đặc biệt trong mảng quảng cáo tìm kiếm thương mại điện tử. Đây cũng là danh mục mà Meta bị hụt thu trong 3 tháng cuối năm 2021.

Không giống như Meta, Google không phụ thuộc nhiều vào Apple về dữ liệu người dùng. Ông Wehner cho biết có khả năng Google có nhiều dữ liệu của bên thứ 3 hơn cho mục đích đo lường và tối ưu hóa hơn so với nền tảng của Meta.

Giải mã 6 lý do khiến Meta đang đối mặt với tứ bề khó khăn - 2

Ứng dụng mạng xã hội cốt lõi Facebook mất nửa triệu người dùng trong quý IV vừa qua so với quý trước đó (Ảnh: Reuters).

Đối thủ đáng gườm từ TikTok

Trong hơn một năm qua, chính tỷ phú Zuckerberg đã chỉ ra rằng TikTok là một kẻ thù đáng gườm ra sao. Ứng dụng của Trung Quốc này đã nhanh chóng phát triển lên hơn 1 tỷ người dùng nhờ những video ngắn có khả năng chia sẻ cao và gây nghiện. Ứng dụng này đang cạnh tranh khốc liệt với Instagram của Meta.

Meta cũng có một phiên bản TikTok với tính năng chia sẻ video có tên Instagram Reels. Theo ông chủ Facebook, Reels được đặt nổi bật trên các feeds của Instagram. Đây được coi là động lực số 1 về mức độ tương tác của ứng dụng này.

Nhưng vấn đề là mặc dù Reels có thể thu hút người dùng nhưng nó lại không kiếm tiền hiệu quả như các tính năng khác của Instagram. Đó là vì kiếm tiền từ quảng cáo trên video sẽ chậm hơn và mọi người thường có xu hướng lướt qua. Điều đó có nghĩa nếu Instagram càng thúc đẩy người dùng Reels thì càng kiếm được ít tiền từ người dùng.

Chính Zuckerberg đã so sánh tình hình tương tự này trong nhiều năm trước khi Instagram giới thiệu tính năng Stories, một bản sao của Snapchat. Sản phẩm đó cũng không kiếm được nhiều tiền cho công ty khi ra mắt, dù cuối cùng tiền quảng cáo cũng tăng lên. Tuy nhiên, không có gì đảm bảo là Reels sẽ lặp lại kỳ tích đó.

Cuộc chơi tốn kém - Metaverse

Tỷ phú Zuckerberg tin tưởng rất mãnh liệt rằng thế hệ tiếp theo của internet là metaverse. Dù khái niệm này vẫn còn mờ nhạt nhưng vị CEO này vẫn sẵn sàng chi lớn cho cuộc chơi này. Và chỉ riêng năm ngoái, số tiền mà Zuckerberg đổ vào metaverse đã lên tới hơn 10 tỷ USD. Trong tương lai, vị tỷ phú 37 tuổi này dự kiến còn chi nhiều hơn cho thực tế ảo này.

Giải mã 6 lý do khiến Meta đang đối mặt với tứ bề khó khăn - 3

Tỷ phú Zuckerberg tin tưởng rất mãnh liệt rằng thế hệ tiếp theo của internet là metaverse (Ảnh: Reuters).

Tuy nhiên, đáng ngại là chưa có bằng chứng nào cho thấy vụ đặt cược này sẽ thành công.

Bởi không giống như cú chuyển hướng của Facebook sang các thiết bị di động hồi năm 2012, việc sử dụng thực tế ảo vẫn là lĩnh vực của một số người, chưa thực sự trở thành xu hướng chính. Sản phẩm tai nghe thực tế tăng cường cũng phải mất vài tháng, thậm chí vài năm, mới ra mắt.

Với cuộc chơi này, thực chất, Zuckerberg đang yêu cầu nhân viên, người dùng và nhà đầu tư đặt niềm tin vào anh và tầm nhìn của anh. Và yêu cầu này đang khiến công ty tiêu tốn hàng tỷ USD vào năm tới.

"Bóng ma" chống độc quyền

Mối đe dọa từ các cơ quan quản lý ở Washington đối với công ty của Zuckerberg cũng là một vấn đề đau đầu trong thời gian tới.

Meta sẽ phải đối mặt với nhiều cuộc điều tra về việc liệu công ty có hành động phi cạnh tranh hay không. Các nhà lập pháp cũng đang nỗ lực để Quốc hội Mỹ thông qua các dự luật chống độc quyền.

Zuckerberg đã lập luận Meta không phải là một mạng xã hội độc quyền và cho biết họ đang phải chịu áp lực cạnh tranh chưa từng có từ TikTok, Apple, Google và các đối thủ khác trong tương lai. Nhưng mối đe dọa về hành động chống độc quyền có thể khiến Meta gặp nhiều rắc rối hơn trong việc tiếp cận các xu hướng mạng xã hội mới.

Trước đây, Facebook đã mua Instagram và WhatsApp mà không chịu sự giám sát kỹ lưỡng vì những dịch vụ này đã thu hút hàng tỷ người dùng. Nhưng giờ đây, ngay cả một số vụ mua lại ít gây tranh cãi hơn của Meta trong lĩnh vực thực tế ảo và ảnh GIF cũng gặp khó khăn bởi các cơ quan quản lý trên toàn cầu.

Với việc ít có khả năng mua lại, Meta buộc phải đổi mới hơn để thoát khỏi khó khăn. Trong quá khứ, Zuckerberg đã gặt hái được thành công nhờ nhưng cú đặt cược của giới đầu tư. Nhưng hiện nay, ít nhất là phố Wall đang thiếu niềm tin từ vị CEO này.

Theo New York Times

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm