Giá xăng trong nước lại sắp tăng?
(Dân trí) - Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam cho biết, doanh nghiệp xăng dầu trong nước tiếp tục lỗ từ 375 đồng/lít đến hơn 1.000 đồng/lít xăng dầu các loại. Trong khi đó, những thông tin liên quan tới cuộc tấn công Syria có thể đẩy giá dầu thô trên thế giới lên mức 150 USD/thùng.
Bảng tính giá cơ sở của Hiệp hội Xăng Dầu Việt Nam cho biết: Tính đến ngày 3/9, giá xăng A92 trên thế giới đã tăng lên mức 118,79 USD/thùng. Sau khi cộng thêm chi phí bảo hiểm, vận chuyển, và các loại thuế, giá cơ sở ngày 3/9 lên tới 24.645 đồng/lít, cao hơn mức giá bán lẻ hiện hành của Petrolimex là 375 đồng/lít.
Đây là mức giá chênh lệch giữa giá bán thực tế trên thị trường và giá đầu vào, chưa tính đến phần lợi nhuận định mức 100 đồng/lít của các doanh nghiệp trong giá cơ sở. Như vậy, so với mức giá ngày 2/9, giá xăng bán lẻ trong nước đang lỗ nhiều hơn.
Tương tự, với giá thế giới từ 1 25,65 USD/thùng - 125,99 USD/thùng - 608,38 USD/thùng, giá cơ sở của các mặt hàng dầu diezel, dầu hỏa và ma zút đang cao hơn giá bán hiện nay là: 520 đồng/lít - 1.099 đồng/lít - 74 đồng/kg.
Trao đổi với phóng viên Dân trí, đại diện một đầu mối xăng dầu (xin giấu tên) cho hay: Doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối đang lỗ là có thật! Không đưa ra mức lỗ nhưng đại diện này cho biết là không có con số lỗ chung cho tất cả các doanh nghiệp đầu mối, bởi nó phụ thuộc vào lượng hàng nhập về trong từng thời điểm.
Trong cuộc họp gần đây nhất của Bộ Công Thương, ông Võ Văn Quyền - Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước - cho biết: Hiện liên Bộ vẫn chưa có phương án tăng giá dù doanh nghiệp xăng dầu đang lỗ. Cũng theo ông Quyền, trong vòng 1 tuần nay, sau thông tin căng thẳng Syria, giá xăng dầu thế giới đã tăng rất mạnh do hoạt động đầu cơ và lo ngại bất ổn.
Dù đại diện Bộ Công Thương đã khẳng định chưa có phương án tăng giá xăng dầu nhưng không thể phủ nhận những dấu hiệu “tiềm ẩn” của một đợt điều chỉnh mới. Đợt điều chỉnh này có thể diễn ra trong tương lai gần, hoặc có thể cơ quan chức năng sử dụng Quỹ Bình ổn giá, giảm thuế nhập khẩu để “kìm” giá.
Theo đánh giá của một số chuyên gia, việc Mỹ tấn công vào Syria có thể sẽ không tác động trực tiếp vào bất kỳ nguồn cung dầu lớn nào nhưng vẫn tạo nên áp lực lớn trên thị trường xăng dầu thế giới.
Syria không phải nước sản xuất dầu quan trọng và cũng chưa chiếm vị trí chiến lược nào trong các tuyến đường vận chuyển dầu mỏ từ Trung Đông. Nhưng giá dầu thô vẫn tăng vọt lên cao nhất 6 tháng (lên tới 115 USD/thùng) trước những lo ngại cuộc tấn công của Mỹ vào nước này có thể gây những hậu quả không mong muốn như: tấn công trả trù ảnh hưởng tới kênh đào Sue, hay cuộc biểu tình của các nước sản xuất dầu mỏ khác từ Trung Đông.
Trước đó, theo một nhận định của ông Michael Wittner, Trưởng bộ phận nghiên cứu thị trường dầu khí của Ngân hàng Societe Generale thì việc Mỹ can thiệp quân sự vào Syria có thể làm gián đoạn nguồn cung dầu từ Trung Đông, khiến giá nhiên liệu này tăng mạnh. Và theo dự báo của ông này, giá dầu có thể tăng tiếp lên 150 USD/thùng nếu việc can thiệp quân sự vào Syria khiến xung đột lan rộng khắp Trung Đông và dẫn đến gián đoạn cung dầu, đặc biệt là Iraq. Khi đó, sản lượng dầu của Trung Đông có thể giảm 500 nghìn thùng đến 2 triệu thùng mỗi ngày.
Lo ngại lạm phát tăng mạnh trong tháng 9
Không chỉ lo ngại về một đợt tăng giá xăng dầu mới mà những chuyển động về giá cả trên thị trường hiện nay cũng đang dự báo lạm phát sẽ tăng mạnh trong tháng 9 này. Theo bản báo cáo về kinh tế vĩ mô - triển vọng thị trường Việt Nam số tháng 9/2013 của Ngân hàng HSBC Việt Nam: Do Việt Nam từng có mức lạm phát cao ngất ngưởng trong các tháng 8 năm 2008 và 2011 lần lượt là 23,8% và 23% nên khi lạm phát tăng từ 7,3% trong tháng 7/2013 lên 7,5% trong tháng 8 vừa qua, những lo ngại về lạm phát tăng vọt lại xuất hiện.
“Phải thừa nhận rằng, những mối lo ngại này không phải là không có căn cứ. Bởi Chính phủ đang tăng các loại chi phí dịch vụ xã hội và năng lượng để giảm những thiếu hụt tài chính trong thời điểm hiện tại khi giá cả hàng hoá tăng nhanh do những căng thẳng tình hình chính trị các khu vực và triển vọng toàn cầu khôi phục mạnh mẽ hơn trong nửa sau năm 2013”, HSBC cho hay.
Theo đánh giá của HSBC, lạm phát tăng vẫn còn là vấn đề lo ngại. Giá cả đầu vào tăng mạnh mặc dù không cùng mức độ như năm 2011. Điều này tiếp tục ép các nhà sản xuất khi khả năng tăng giá xuất xưởng của họ bị giới hạn do cạnh tranh giữa các doanh nghiệp tăng và nhu cầu trong nước và nước ngoài vẫn còn trì trệ.
Trong tháng 8, lạm phát toàn phần tăng từ mức 7,3% lên 7,5% so với cùng kỳ năm ngoái do chi phí chăm sóc sức khoẻ, giáo dục và vận chuyển tăng. HSBC cho rằng: “Sau tháng 9, áp lực lạm phát sẽ xuất phát từ việc chi phí vận chuyển tăng cao hơn và có thể giá cả một số mặt hàng khác sẽ tăng ,kết quả từ việc tăng trưởng toàn cầu nhanh hơn và nguồn cung thiếu ổn định của dầu mỏ toàn cầu do căng thẳng chính trị khu vực vẫn còn đang kiềm nén. Giá dầu Brent trong vài tuần nữa sẽ tăng mạnh do nguồn cung dầu mỏ toàn cầu không ổn định”.
An Hạ