Giá xăng giảm hơn 3.000 đồng, vì sao giá bát phở, bó rau không chịu xuống?

Văn Hưng

(Dân trí) - TS Nguyễn Bích Lâm cho rằng khi giá xăng giảm, người bán luôn có xu hướng miễn cưỡng điều chỉnh giảm giá hàng hóa. Còn doanh nghiệp cần thời gian điều chỉnh chi phí sản xuất, tiền lương.

Giá xăng thời gian qua tăng liên tục lập tức kéo giá các loại hàng hóa khác tăng cao và thiết lập một mặt bằng giá mới. Tuy nhiên, đến ngày 11/7, giá bán lẻ xăng trong nước giảm cực mạnh, mức giảm tương đương 10% nhưng giá thực phẩm thiết yếu vẫn không thay đổi. Giá một bát phở bò vẫn ở mức 40.000 đồng, một bó rau muống vẫn 10.000 đồng…

Về tác động, trao đổi với báo chí, TS Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, nhấn mạnh việc giảm giá xăng dầu sẽ trực tiếp cắt giảm chi phí sản xuất cho doanh nghiệp, đồng thời giúp doanh nghiệp có cơ hội mở rộng sản xuất, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Việc giảm giá xăng dầu cũng làm giảm mức lạm phát của nền kinh tế, ổn định vĩ mô; giảm bớt gánh nặng chi tiêu cho xăng dầu của người dân. Nếu trong tháng này, giá xăng dầu không có biến động nữa, việc giảm giá ngày 11/7 sẽ làm giá xăng dầu giảm 4,31% và CPI giảm 0,16 điểm phần trăm so với tháng trước.

Giá xăng giảm hơn 3.000 đồng, vì sao giá bát phở, bó rau không chịu xuống? - 1

Giá xăng ngày 11/7 giảm mạnh do giá xăng thành phẩm thế giới giảm 12% và thuế bảo vệ môi trường giảm kịch khung còn 1.000 đồng/lít (Ảnh: Mạnh Quân).

Tuy nhiên, theo ông Lâm, tác động tích cực chưa đủ sâu khi giá xăng dầu vẫn neo ở mức cao, đồng thời chưa rõ xu hướng về giá sắp tới có giữ ổn định hay lại tiếp tục tăng "nóng". Thêm nữa, khi giá xăng dầu tăng thì giá các mặt hàng thiết yếu, giá cước vận tải sẽ tăng ngay, nhưng khi giá giảm lại luôn có độ trễ vì cần có thời gian để doanh nghiệp và hộ kinh doanh điều chỉnh chi phí sản xuất, tiền lương.

Bên cạnh đó, mạng lưới phân phối bán lẻ do hệ thống chợ truyền thống chiếm tỷ trọng chi phối chính, các tư thương và người buôn bán nhỏ vì lợi nhuận luôn khẩn trương tăng giá bán hàng hóa, nhưng lại miễn cưỡng điều chỉnh giảm.

Nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho rằng để giá hàng hóa và dịch vụ biến động theo cơ chế thị trường, các cơ quan chức năng cần có tín hiệu và giải pháp giữ cho giá xăng dầu ổn định, không biến động thất thường, hoặc tiếp tục giảm. Có như thế mới mang lại hiệu quả của việc giảm giá xăng dầu.

Bên cạnh đó, Chính phủ giao cho Bộ Công Thương, Bộ Tài chính và các Bộ, ngành liên quan xác định ngưỡng giá xăng dầu đối với nền kinh tế để khi giá xăng dầu thế giới tăng cao, Chính phủ điều hành giá xăng dầu trong nước không vượt ngưỡng này.

"Điều này rất quan trọng để các doanh nghiệp chủ động tính toán chi phí xăng dầu trong giá bán sản phẩm", ông Lâm nhấn mạnh.

Theo vị này, giá xăng dầu đã giảm mạnh sau kỳ điều chỉnh ngày 11/7 nhưng vẫn đứng ở mức rất cao. Vì vậy, Chính phủ cần xây dựng phương án giảm thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế giá trị gia tăng đối với xăng dầu nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, thúc đẩy quá trình phục hồi và phát triển kinh tế sau dịch.

Bên cạnh việc cắt giảm thuế, Bộ Tài chính cần rà soát, tính toán lại chi phí kinh doanh và lợi nhuận định mức của các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trên cơ sở hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu và các đối tượng sử dụng xăng dầu.

"Doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu cần chia sẻ lợi ích, cùng gánh vác khó khăn đối với cộng đồng doanh nghiệp và người dân", TS Nguyễn Bích Lâm nêu quan điểm.