1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Giá xăng, điện... đã công khai, minh bạch?

(Dân trí) - Ông Nguyễn Anh Tuấn - Cục trưởng Cục Quản lý Giá cho rằng trong năm 2013, Bộ Tài chính đã công khai chi tiết tình hình trích lập, sử dụng Quỹ BOG của từng doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối và được dư luận đánh giá cao.

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:

Vào trường “Tây học” trong lòng Triều Tiên bí ẩn

Giá vàng quay đầu giảm khi tiền của các quốc gia mới nổi phục hồi

Cần tạo ra cơ chế mua nợ cho nhà đầu tư ngoại

"Dư luận đánh giá cao công khai, minh bạch trong điều hành giá"

Nói về hoạt động điều hành trong năm vừa qua, Cục trưởng Cục Quản lý Giá (Bộ Tài chính) Nguyễn Anh Tuấn cho biết, cơ quan này đã phối hợp với các Bộ, Ngành, địa phương điều hành giá đối với điện, than, xăng dầu, dịch vụ công theo lộ trình với mức độ và thời gian điều chỉnh phù hợp. Qua đó, góp phần kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và bảo đảm an sinh xã hội.

 

Bộ Tài chính cũng đã từng bước tăng cường tính minh bạch, công khai hóa chi phí, giá sản xuất, tiêu thụ điện, than, xăng dầu, dịch vụ công; tăng cường kiểm soát chặt chẽ các yếu tố hình thành giá đối với các mặt hàng Nhà nước định giá, những mặt hàng sản xuất theo đặt hàng từ ngân sách Nhà nước (NSNN).

 

Cục trưởng Cục Quản lý giá Nguyễn Anh Tuấn.
Cục trưởng Cục Quản lý giá Nguyễn Anh Tuấn.

Theo đó, năm 2013, giá một số mặt hàng quan trọng thiết yếu đã tiếp tục được điều hành theo lộ trình như: giá điện được điều chỉnh tăng 5%; giá than cho sản xuất điện được điều chỉnh tăng bằng với giá thành sản xuất than năm 2013; giá dịch vụ khám chữa bệnh được điều chỉnh tăng tại 17 địa phương; giá dịch vụ giáo dục được điều chỉnh tăng tại 40 địa phương... Tuy nhiên, do có sự phối hợp chặt chẽ giữa các Bộ, ngành nên việc điều chỉnh giá không gây tác động mạnh đến chỉ số giá tiêu dùng (CPI) chung của cả nước năm 2013.

 

Ông Tuấn khẳng định, năm qua, mặc dù giá xăng dầu thế giới diễn biến phức tạp, nhiều thời điểm có xu hướng tăng là chủ yếu và dao động ở mức cao, nhưng giá trong nước đã được điều hành tăng/giảm hoặc giữ ổn định phù hợp với diễn biến giá thế giới và mục tiêu kiềm chế lạm phát.

 

Cơ quan điều hành đã kết hợp hài hòa trong việc tăng hoặc giảm sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu (BOG) hoặc điều chỉnh giảm lợi nhuận định mức trong cơ cấu giá cơ sở, đồng thời các đợt điều hành giá xăng dầu đều được thực hiện công khai. Bộ cũng công khai chi tiết tình hình trích lập, sử dụng Quỹ BOG của từng doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối theo định kỳ hàng quý, việc công khai được thông qua các phương tiện thông tin đại chúng.

 

"Vì vậy đã góp phần để người dân biết, giám sát việc tăng-giảm giá, việc trích lập và sử dụng Quỹ BOG xăng dầu. Qua đó, được dư luận đánh giá cao về sự công khai, minh bạch trong công tác điều hành giá" - Cục trưởng Nguyễn Anh Tuấn nói.

 

Cũng theo ông Tuấn, ngoài việc điều hành giá các mặt hàng cụ thể, trong năm 2013, Bộ Tài chính đã kiểm soát chặt chẽ các phương án giá, mức giá của hàng hóa dịch vụ do Nhà nước đặt hàng, giao kế hoạch thanh toán bằng nguồn ngân sách Nhà nước. Nhờ vậy, góp phần thực hiện việc kiểm soát chi từ Ngân sách Nhà nước trong đầu tư, trong chi tiêu thường xuyên, kiên quyết loại trừ các khoản chi không đúng định mức, tiêu chuẩn, chi sai chế độ chính sách. Công tác kiểm tra, thanh tra giá cũng được tiến hành thường xuyên, kịp thời.

 

Năm 2014 tiềm ẩn khả năng lạm phát tăng cao

 

Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khoá XIII đã thông qua mục tiêu tổng quát về phát triển kinh tế xã hội năm 2014 với chỉ tiêu tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng khoảng 5,8%; tốc độ tăng giá tiêu dùng (CPI) khoảng 7%.

 

Ông Tuấn nhìn nhận, năm 2014, với quá trình tái cơ cấu nền kinh tế, các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường và doanh nghiệp sẽ tiếp tục phát huy tác dụng, niềm tin kinh doanh, niềm tin tiêu dùng sẽ được cải thiện... Những yếu tố đó báo hiệu sự phục hồi kinh tế trong nước sẽ rõ rệt hơn.

 

Tuy nhiên, lãnh đạo Cục Quản lý Giá cũng lo ngại, năm 2014 tiềm ẩn khả năng lạm phát tăng cao do tác động theo độ trễ của những chính sách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh năm 2013; tình hình thiên tai, bão lũ, dịch bệnh trên cây trồng vật nuôi còn phức tạp và việc tiếp tục thực hiện chủ trương điều hành giá theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước đối với một số hàng hóa, dịch vụ chiến lược, quan trọng thiết yếu (điện, than cho sản xuất điện, dịch vụ khám chữa bệnh, học phí...).

 

Do vậy, theo ông Tuấn, các Bộ, ngành, Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương vẫn phải cần tiếp tục triển khai quyết liệt các biện pháp kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Đặc biệt, các địa phương cần kiểm soát chặt chẽ tốc độ tăng CPI của địa phương và phải coi đây là một trong những chỉ tiêu kinh tế xã hội quan trọng để quyết liệt chỉ đạo điều hành theo mục tiêu đã đề ra.

 

Đồng thời, lãnh đạo Cục Quản lý Giá cũng khuyến nghị, cần chú trọng theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả thị trường trong nước và quốc tế, làm tốt công tác thu thập, phân tích và dự báo thông tin thị trường để kịp thời đề xuất các giải pháp bình ổn giá, kiềm chế lạm phát theo quy định của Luật Giá. Tiếp tục thực hiện cơ chế giá thị trường, khuyến khích cạnh tranh về giá, áp dụng các biện pháp khuyến mại, giảm giá theo quy định của pháp luật hiện đang áp dụng đối với đại bộ phận hàng hóa dịch vụ trong nền kinh tế.

 

Ông Tuấn cũng nhắc lại phương án điều hành giá điện, giá xăng dầu, giá than cho sản xuất điện, giá dịch vụ công theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước; kiểm soát chặt chẽ giá hàng hóa dịch vụ công ích, dịch vụ sự nghiệp công, hàng dự trữ quốc gia chi từ nguồn Ngân sách Nhà nước góp phần thực hiện theo mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát.

 

Tăng cường kiểm tra, thanh tra việc chấp hành quy định của Luật Giá, chú trọng kiểm tra, thanh tra về đăng ký giá, kê khai giá, niêm yết giá và công khai thông tin về giá, nhất là đối với các mặt hàng nguyên nhiên vật liệu cơ bản và hàng tiêu dùng thiết yếu. Các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật phải được xử lý nghiêm và kiểm soát chặt chẽ giá hàng hoá, dịch vụ do Nhà nước định giá, hàng hóa dịch vụ thuộc diện bình ổn giá; hàng hóa dịch vụ do Nhà nước đặt hàng, giao kế hoạch chi từ ngân sách nhà nước.

 

Song song với đó, ông Tuấn đề nghị, các Bộ, ngành, địa phương cũng phải thực hiện đồng bộ các giải pháp khác góp phần bình ổn thị trường và kiềm chế lạm phát như: chính sách tài khoá chặt chẽ, chính sách tiền tệ linh hoạt. Điều hành lãi suất phù hợp với mục tiêu kiểm soát lạm phát; quản lý chặt chẽ, hiệu quả đầu tư công; tăng cường quản lý thị trường, hoàn thiện hệ thống phân phối lưu thông...

 

Và không kém phần quan trọng là thực hiện tốt công tác thông tin, tuyên truyền về cơ chế, chính sách, pháp luật và chủ trương điều hành giá của Đảng, Nhà nước; công khai thông tin về giá và công tác điều hành giá theo quy định của Luật Giá để tạo sự đồng thuận và giám sát từ công luận - ông Tuấn cho hay.

 

Bích Diệp

VTV được giao vốn như doanh nghiệp Nhà nước

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm