Giá xăng dầu sắp tăng, có loại tăng hơn 2.000 đồng/lít?

Văn Hưng

(Dân trí) - Trong kỳ điều hành sắp tới (11/10), giá xăng được dự báo có thể tăng ở mức 290-350 đồng mỗi lít. Dầu cũng có xu hướng tăng, thậm chí có thể tăng hơn 2.100 đồng/lít.

Dữ liệu Bộ Công Thương cập nhật đến ngày 6/10 cho thấy, giá xăng dầu thành phẩm bình quân trên thị trường Singapore đều có xu hướng tăng so với kỳ trước. Cụ thể, bình quân giá xăng RON 92 là 91,84 USD/thùng, RON 95 là 94,67 USD/thùng, còn dầu diesel là 134,38 USD/thùng.

Tại kỳ trước, bình quân giá thành phẩm xăng dầu thế giới là 89,17 USD/thùng xăng RON 92; 92,64 USD/thùng RON 95, còn dầu diesel là 119,68 USD.

Trao đổi với Dân trí, lãnh đạo một doanh nghiệp xăng dầu cho biết, trong kỳ điều hành tới (11/10) giá xăng trong nước có thể tăng khoảng 290-350 đồng mỗi lít, còn dầu tăng mạnh hơn, ở mức quanh 2.100 đồng mỗi lít.

Nếu dự báo này chính xác, giá các mặt hàng xăng dầu trong nước sẽ có lần tăng trở lại sau 4 lần giảm liên tiếp. Tính từ đầu năm đến nay, giá nhiên liệu đã trải qua 26 lần điều chỉnh giá, trong đó có 13 lần tăng, 12 lần giảm và một lần giữ nguyên.

Giá xăng dầu sắp tăng, có loại tăng hơn 2.000 đồng/lít? - 1

Giá xăng dầu được dự báo tăng trong kỳ điều hành sắp tới (Ảnh minh họa: Mạnh Quân).

Tại kỳ gần đây nhất (3/10), mỗi lít xăng RON 95 giảm 1.140 đồng, về mức 21.440 đồng/lít và E5 RON 92 là 20.730 đồng/lít, tức giảm 1.050 đồng mỗi lít.

Dầu diesel giảm ít hơn, với mức 330 đồng một lít, có giá bán tối đa là 22.200 đồng/lít. Mỗi lít dầu hỏa cũng giảm 760 đồng, còn 21.680 đồng/lít. Dầu mazut giảm 650 đồng/kg, chỉ còn 14.090 đồng.

Tại kỳ này, cơ quan điều hành trích lập quỹ bình ổn với xăng là 451-600 đồng/lít, còn dầu là 300-741 đồng/lít hoặc kg.

Ngày 7/10, Bộ Tài chính đã có công văn gửi Bộ Công Thương về việc điều chỉnh premium trong nước và chi phí đưa xăng dầu từ nhà máy lọc dầu trong nước về đến cảng trong giá cơ sở xăng dầu. Bộ này đề nghị Bộ Công Thương có phương án điều hành giá xăng dầu trong nước phù hợp để việc tăng phần chi phí định mức kể trên không tác động làm tăng giá cơ sở tại kỳ điều hành tiếp theo.

2 bộ sẽ tiếp tục phối hợp rà soát, đánh giá các yếu tố chi phí định mức trong giá cơ sở xăng dầu để đảm bảo hài hòa lợi ích giữa người dân, Nhà nước và doanh nghiệp. Trong đó, có tính đến mục tiêu kiểm soát lạm phát Chính phủ đã đề ra.

Bộ này cho biết thêm, hiện nay Nhà nước không quy định chiết khấu trong hệ thống kinh doanh xăng dầu. Yếu tố này chủ yếu phụ thuộc vào cung cầu thị trường, diễn biến giá xăng dầu thế giới, sản lượng tồn kho xăng dầu của các thương nhân đầu mối và phương thức bán hàng của 2 bên.

Chiết khấu xăng dầu có thể còn phụ thuộc vào chính sách bán hàng, năng lực kinh doanh của thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu mà đại lý, tổng đại lý ký hợp đồng trực tiếp, số lượng các kênh trung gian trong hệ thống kinh doanh xăng dầu và sự phân bổ mức chiết khấu trong hệ thống. Vì vậy, cần nghiên cứu rà soát, đánh giá hệ thống phân phối kinh doanh xăng dầu, hệ thống trung gian để có giải pháp phù hợp và tiết kiệm chi phí.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm