1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Giá xăng bất ngờ tăng thêm gần 500 đồng/lít

(Dân trí) - Ngày 17/7, liên Bộ Tài chính - Công Thương đã “bất ngờ” cho phép các doanh nghiệp xăng dầu đầu mối tăng thêm gần 500 đồng/lít đối với các mặt hàng xăng dầu. Thời gian tăng giá có hiệu lực kể từ 20h ngày 17/7.

Xăng A92 (vùng 1) từ mức 24.110 đồng tăng lên 24.570 đồng/lít. (Ảnh minh họa).

Xăng A92 (vùng 1) từ mức 24.110 đồng tăng lên 24.570 đồng/lít. (Ảnh minh họa).

 

Sau một vài ngày giữ giá, cuối giờ chiều ngày 17/7, liên Bộ Tài chính - Công Thương đã “bất ngờ” cho phép các doanh nghiệp xăng dầu đầu mối tăng thêm gần 500 đồng/lít đối với các mặt hàng xăng dầu.

 

Theo văn bản của Bộ Tài chính: Sau khi thực hiện sử dụng Quỹ Bình ổn giá và cắt giảm, chia sẻ lợi nhuận định mức đối với mặt hàng xăng của doanh nghiệp như trên, phần chênh lệch giữa giá cơ sở đang cao hơn giá bán hiện hành từ 426 - 468 đồng/lít. Trong đó, xăng A 92: 468 đồng/lít; Dầu diezel 0,05S: 470 đồng/lít; Dầu hỏa: 426 đồng/lít).

 

Cũng theo yêu cầu của Bộ Tài chính, các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối chủ động rà soát lại phương án giá, cách tính giá theo quy định để quy định điều chỉnh tăng giá bán xăng dầu trong nước phù hợp với diễn biến của giá cơ sở và phù hợp với các quy định tại Nghị định số 84/2009/NĐ-CP để tạo lập mặt bằng giá bán xăng dầu cạnh tranh trong nước, nhưng tối đa không vượt quá mức chênh lệch nêu trên.

 

Riêng mặt hàng dầu ma zút do mức chênh lệch không lớn nên giữ ổn định giá bán như hiện hành.

 

Sau khi có quyết định của cơ quan điều hành, kể từ 20h ngày 17/7, Petrolimex đã điều chỉnh giá xăng tăng thêm tối đa 460 đồng/lít. Với mức giá này, xăng A92 (vùng 1) từ mức 24.110 đồng tăng lên 24.570 đồng/lít.

 

Dầu diezel tăng 470 đồng/lít, theo đó, dầu diezel 0,05S từ 21.840 đồng/lít lên mức 22.310 đồng/lít.

 

Dầu hỏa tăng thêm 420 đồng/lít, từ mức 21.600 đồng lên 22.020 đồng/lít.

 

Mức giá bán lẻ mới được áp dụng tại tất cả hệ thống phân phối trên lãnh thổ Việt Nam, gồm: các cửa hàng xăng dầu Petrolimex và các cửa hàng xăng dầu thuộc đại lý, tổng đại lý của Petrolimex.

 

Ngoài ra, theo văn bản số 9274/BTC-QLG ngày 17/7 của Bộ Tài chính về việc điều hành kinh doanh xăng dầu, mức chi sử dụng Quỹ Bình ổn giá (BOG) áp dụng từ 20 giờ như sau:
 

- Mặt hàng xăng: 300 đồng/lít; giữ nguyên so với hiện hành (300 đồng/lít).

- Mặt hàng diezel: 300 đồng/lít, tăng 100 đồng/lít so với hiện hành (200 đồng/lít).

- Mặt hàng dầu hỏa: 300 đồng/lít, tăng 100 đồng/lít so với hiện hành (200 đồng/lít).

- Mặt hàng mazút: Ngừng sử dụng Quỹ BOG.

 

Trước khi liên Bộ Tài chính - Công Thương “gật đầu” cho các doanh nghiệp điều chỉnh giá xăng dầu, trao đổi với báo giới, đại diện một số doanh nghiệp đầu mối xăng dầu cho biết: Doanh nghiệp đang lỗ khoảng 900 đồng/lít xăng và 600 đồng/lít dầu. Nếu trừ đi 300 đồng/lít được sử dụng từ Quỹ bình ổn giá, doanh nghiệp đang lỗ khoảng 600 đồng/ lít xăng và 100 đồng/lít dầu.

 

Còn theo Bộ Tài chính, Giá xăng dầu trên thị trường thế giới bình quân 30 ngày gần đây (từ ngày 17/6/2013 đến ngày 16/7/2013) biến động chủ yếu theo xu hướng tăng và luôn dao động ở mức cao. Cụ thể: giá xăng RON 92: 117,47 USD/thùng; dầu diezel 0,05S: 121,60 USD/thùng; dầu hỏa: 118,91 USD/thùng, dầu ma zút 3,5S: 612,24 USD/tấn.

 

Với nguyên tắc và các thông số tính toán giá cơ sở các mặt hàng xăng, dầu theo các quy định hiện hành thì giá cơ sở các mặt hàng xăng dầu (trừ dầu ma dút) đang cao hơn so với giá bán hiện hành từ 726 đến 988 đồng/lít (xăng A92: 988 đồng/lít, dầu diezel 0,05S: 770 đồng/lít, dầu hỏa: 726 đồng/lít).

 

Lần tăng giá trước đây, ngày 28/6, Liên Bộ Tài chính - Công Thương đã cho phép tăng giá bán xăng dầu tối đa từ 305 đồng - 370 đồng/lít.

 

Theo số liệu từ Bộ Tài chính, tính từ đầu năm 2013 đến ngày 30/6, các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu đã trích được hơn 2.231,4 tỷ đồng vào Quỹ bình ổn giá (BOG), trong khi mức sử dụng là gần 2.932,4 tỷ đồng. Cộng với số tồn quỹ đầu năm, tại thời điểm 30/6, Quỹ bình ổn giá xăng dầu dư hơn 55,4 tỷ đồng, giảm hơn 700 tỷ đồng so với cuối năm 2012.

 

Dù tính đến ngày 30/6, Quỹ còn dư trên 55,4 tỷ đồng nhưng xét từng thời điểm, có lúc Quỹ “âm” khá lớn. Điển hình ngày 20/5, Quỹ bình ổn bị “âm” tới 73,5 tỷ đồng.

Còn tính đến 10/7/2013, số dư quỹ khoảng 61 tỷ đồng, nhiều doanh nghiệp đang bị âm quỹ.

 

Bộ Tài chính từng khẳng định: “Từ năm 2010 đến nay, nếu không có công cụ Quỹ BOG thì giá xăng dầu trong nước đã phải tăng giá cao hơn và tần suất tăng giá cũng nhiều lần hơn”.

 

Ngay trong những tháng đầu năm 2013, nếu không có công cụ Quỹ BOG thì giá xăng dầu trong nước đã phải tăng ngay từ những ngày đầu năm, đặc biệt trước và sau Tết Nguyên đán đã phải tăng giá xăng dầu ở mức cao (có thể lên mức 2.000 đồng/lít xăng tại thời điểm ngày 26/2/2013...).

 

An Hạ