1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Quỹ Bình ổn giá xăng dầu lại sắp cạn

(Dân trí) - Theo công bố của Bộ Tài chính, tính đến 30/6, Quỹ Bình ổn giá xăng dầu còn dư hơn 55,4 tỷ đồng, giảm hơn 700 tỷ đồng so với cuối năm 2012.

Nếu không có Quỹ Bình ổn, giá xăng đã tăng cao hơn...

Nếu không có Quỹ Bình ổn, giá xăng đã tăng cao hơn...

Ngày 9/7, Bộ Tài chính đã tiến hành công khai Quỹ Bình ổn giá xăng dầu (BOG). Đây là lần đầu tiên Bộ này công khai những con số liên quan tới Quỹ này và được biết, từ nay vào tháng đầu tiên của hàng quý, Bộ Tài chính sẽ công bố Quỹ BOG.

Theo số liệu từ Bộ Tài chính, tính từ đầu năm 2013 đến ngày 30/6, các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu đã trích được hơn 2.231,4 tỷ đồng vào Quỹ bình ổn giá, trong khi mức sử dụng là gần 2.932,4 tỷ đồng. Cộng với số tồn quỹ đầu năm, tại thời điểm 30/6, Quỹ bình ổn giá xăng dầu dư hơn 55,4 tỷ đồng, giảm hơn 700 tỷ đồng so với cuối năm 2012.

Dù tính đến ngày 30/6, Quỹ còn dư trên 55,4 tỷ đồng nhưng xét từng thời điểm, có lúc Quỹ “âm” khá lớn. Điển hình ngày 20/5, Quỹ bình ổn bị “âm” tới 73,5 tỷ đồng.

Trong số 11 đơn vị đầu mối kinh doanh xăng dầu, 6 doanh nghiệp bị “âm” quỹ (tính đến 20/5) gồm: Tổng Công ty Dầu Việt Nam (PV Oil), Tổng Công ty Kỹ thuật và Đầu tư (Petec), Xăng dầu Đồng Tháp, Hóa dầu Quân đội, Hóa dầu Nam Việt và Xăng dầu Hàng Không. Trong đó, doanh nghiệp có số “âm” quỹ lớn nhất là PVOil (âm 246,760 tỷ đồng), PETEC âm 150,745 tỷ đồng…

Còn Xăng dầu Quân đội có số dư quỹ lớn nhất với 179,996 tỷ đồng, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) với 148,730 tỷ đồng.

Còn theo số liệu thống kê đến 30/6, Petrolimex dẫn đầu hệ thống với số dư quỹ lên tới 201,686 tỷ đồng; Xăng dầu Quân đội dư 179,204 tỷ đồng… Số doanh nghiệp “âm” quỹ lớn nhất là: PVOil âm 218,675 tỷ đồng, Công ty CP lọc hóa dầu Việt Nam âm 37,165 tỷ đồng, Công ty xăng dầu hàng không Việt Nam âm 19,832 tỷ đồng…

Bộ Tài chính cho biết, trong 3 năm gần đây (2010 - 2012), số dư quỹ bình ổn giá cuối năm 2012 ở mức thấp nhất, chỉ đạt hơn 739 tỷ đồng, chưa bằng một nửa mức cao nhất 1.800 tỷ đồng cuối năm 2010.

Còn nhớ, trong Chương trình - Dân hỏi Bộ trưởng trả lời (đã phát sóng ngày 23/6/2013), Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng đã khẳng định: “Quỹ BOG được trích lập vào một khoản tiền cụ thể nằm trong giá cơ sở của giá xăng dầu, nghĩa là được hình thành từ tiền của người sử dụng xăng dầu. Cho nên đòi hỏi phải công khai, minh bạch Quỹ này là một nhu cầu rất chính đáng và Quỹ được hình thành như một van xả để đảm bảo bình ổn giá cả xăng dầu của chúng ta trên thị trường khi giá thế giới có biến động”.

Bộ trưởng cũng cho biết, xăng dầu là mặt hàng rất thiết yếu trong sản xuất và đời sống của nhân dân và doanh nghiệp nên Bộ Tài chính sẽ liên tục cập nhật báo cáo tình hình quản lý và sử dụng Quỹ BOG xăng dầu và sẽ công bố công khai vào tháng đầu quý, qua đó công khai, minh bạch Quỹ BOG.

Theo Bộ Tài chính, doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối chỉ được sử dụng Quỹ Bình ổn giá vào mục đích bình ổn giá xăng dầu trong nước theo chỉ đạo của Liên Bộ Tài chính - Công Thương. Không phải lúc nào doanh nghiệp cũng được sử dụng Quỹ BOG, chỉ khi giá thế giới tăng làm cho giá cơ sở tăng cao hơn giá bán hiện hành và Chính phủ thực hiện kiềm chế mức tăng giá hoặc điều tiết để không tăng giá bán xăng dầu trong nước, Liên Bộ có công văn chỉ đạo doanh nghiệp mới được sử dụng Quỹ BOG.

Mức sử dụng Quỹ BOG không phải một khoản cố định giống nhau với các chủng loại xăng dầu mà phụ thuộc vào mức độ chênh lệch giữa giá cơ sở và giá bán hiện hành.

Bộ Tài chính khẳng định: “Từ năm 2010 đến nay, nếu không có công cụ Quỹ BOG thì giá xăng dầu trong nước đã phải tăng giá cao hơn và tần suất tăng giá cũng nhiều lần hơn”. Bộ nêu ví dụ, nếu không sử dụng Quỹ BOG thì ngay trong thời điểm Tết Nguyên đán năm 2011, năm 2012 và năm 2013 (các thời điểm nhạy cảm thường có chỉ số CPI cao) đã phải điều chỉnh giá xăng dầu và mức giá phải điều chỉnh cao hơn nhiều; mặt khác nếu không có Quỹ BOG trong một số thời điểm sẽ phải nhiều lần liên tiếp điều chỉnh giá xăng dầu trong nước.

Ngay trong những tháng đầu năm 2013, nếu không có công cụ Quỹ BOG thì giá xăng dầu trong nước đã phải tăng ngay từ những ngày đầu năm, đặc biệt trước và sau Tết Nguyên đán đã phải tăng giá xăng dầu ở mức cao (có thể lên mức 2.000 đồng/lít xăng tại thời điểm ngày 26/2/2013...).

An Hạ