Giá vật liệu tăng, nhà thầu cầu Vĩnh Tuy kêu trời!
(Dân trí) - Giá vật liệu tăng đột biến thời gian gần đây đã đẩy các nhà thầu vào tình trạng càng làm càng lỗ...thậm chí không dám nghĩ đến tiến độ để bàn giao công trình.
Theo thống kê của các nhà thầu, giá thép tăng khoảng 50%, giá xi măng tăng khoảng 30%, giá gạch tăng khoảng 300%...trung bình tăng khoảng 40%.
Thi công cầm chừng vì chưa được điều chỉnh giá.
Một năm trôi qua theo dự kiến ban đầu cầu Vĩnh Tuy sẽ được thông xe vào ngày 1/5/2007. Ghi nhận những ngày gần đây cho thấy, hiện tại nhiều hạng mục công trình vẫn còn dang dở, các nhà thầu thi công một cách cầm chừng, hoặc thi công những hạng mục khác, ít sử dụng đến vật liệu có giá tăng cao như thép do chủ đầu tư vẫn chưa điều chỉnh về giá.
Trao đổi với Dân trí, phó Giám đốc ban điều hành gói thầu số 9 (thuộc Tổng Cty XDCTGT 4), ông Đàm Xuân Toan cho biết, trong thời gian thi công vừa qua, chỉ tính riêng khoản bù trượt giá thì thiệt hại của Cty đã lên đến 12 tỷ đồng. Đó là chưa kể các khoản phải trả lãi ngân hàng.
Cũng theo ông Toan: “Để thi công xong gói thầu số 9 này ngoài việc đẩy nhanh tiến độ bàn giao công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) ra, chỉ tính riêng số lượng thép chúng tôi phải cần ít nhất trên 820 tấn thép. Thế nhưng theo đơn giá ban đầu chúng tôi chỉ được tính có 7,6 nghìn đồng/1kg, trong khi đó giá thép hiện nay tăng gấp hơn 2 lần (khoảng 17 nghìn đồng/1kg).”
Như vậy nếu cứ tiếp tục tiến hành thi công bình thường thì chỉ tính riêng việc phải bù lỗ giá thép nhà thầu này sẽ còn phải chịu thiệt hại tiếp khoảng hơn 7 tỉ đồng. Nếu tính tổng thể về các loại vật liệu xây dựng khác thì con số thiệt hại cho nhà thầu này có thể lên đến vài chục tỉ đồng. Và chuyện nhà thầu bị phá sản là cầm chắc trong tay nếu không được điều chỉnh về giá.
“Hiện tại chúng tôi chỉ dám thi công theo kiểu cầm chừng hoặc tiến hành thi công những hạng mục nào ít bị thua lỗ, chứ càng thi công mạnh, thì càng thua lỗ nặng, trong khi đó chủ đầu tư vẫn chưa thể điều chỉnh về giá.” Ông Toan nói.
Theo tìm hiểu, thực hiện dự án cầu Vĩnh Tuy có tới 6 nhà thầu, thì hiện nay do sợ lỗ nặng khi chưa được điều chỉnh giá, hầu hết các nhà thầu chỉ dám thi công theo kiểu cầm chừng vì sợ thua lỗ.
Ông Đào Xuân Dụ, Chánh văn phòng Tổng Cty XD CTGT1, đơn vị đang thực hiện 3 gói thầu (11,14,16) tại cầu Vĩnh Tuy thẳng thắn nói “Việc chủ đầu tư chưa tiến hành điều chỉnh giá thì các nhà thầu không ai dám mạnh tay thi công cả. Trong thời điểm giá vật liệu xây dựng tăng cao, ngay nhà thầu chúng tôi cũng không dám nghĩ tới đảm bảo tiến độ bàn giao công trình. Nếu tình trạng này cứ kéo dài thì cả chủ đầu tư và nhà thầu càng ngày cang lỗ nặng”
Chủ đầu tư, nhà thầu đều lúng túng khi điều chỉnh giá.
Có thể nói “cơn bão giá” vật liệu xây dựng đã làm cho nhiều nhà thầu điêu đứng, các công trình đang thi công bị đình trệ hoặc thi công cầm chừng. Không phải các cơ quan chức năng liên quan và chủ đầu tư không có những biện pháp điều chỉnh giá. Tuy nhiên khi bắt tay vào việc điều chỉnh giá thì cả chủ đầu tư và nhà thầu đều cảm thấy lúng túng.
Ông Đào Xuân Dụ cho biết, hiện nay chủ đầu tư và nhà thầu đang tiến hành điều chỉnh giá theo thông tư 09 của Bộ Xây dựng. Nhưng bất cập đầu tiên là khi điều chỉnh giá, chủ đầu tư yêu cầu phải có mức giá thống nhất giữa các nhà thầu, nhưng thực tế mức giá ghi trong hóa đơn giữa các nhà thầu có chênh lệch, nên không biết lấy mức nào làm chuẩn. Do đó việc thống nhất giá giữa các nhà thầu là điều không thể vì nếu căn cứ theo giá của nhà sản xuất thì chi phí vận chuyển khác nhau, còn các đại lý thì giá có chênh lệch, nên càng không thể lấy của một đại lý nào làm chuẩn.
Ông Đàm Xuân Toan cũng cho rằng, việc điều chỉnh giá đối với các loại vật tư không có thông báo giá phải căn cứ theo hóa đơn của nhà sản xuất. Nhưng hóa đơn trên thị trường Việt Nam rất phức tạp, nên việc xác định thế nào là hóa đơn hợp lệ thì chưa ai đứng ra làm, kể cả Bộ giao thông hay các chủ đầu tư”.
Mặt khác, trong thời điểm giá cả thị trường biến động hàng ngày như hiện, Liên Sở Tài chính và Xây dựng Hà Nội, một năm mới đưa ra được 3 lần báo giá (2007) và 1 lần từ đầu 2008 tới nay, thì khi áp dụng điều chỉnh về giá cũng khó xác định thời điểm.
Ông Toan cho rằng, ngay cả các nhà thầu hiện tại khi bắt tay vào tiến hành làm các thủ tục cũng còn nhiều vướng mắc và chưa xong. Đồng thời do đường đi của các thủ tục này phải qua nhiều cấp xét duyệt, nên thời gian vì thế cũng kéo dài.
Trả lời câu hỏi: trong thời điểm hiện tại việc các nhà thầu xuất trình hóa đơn đỏ thì có được xem là cơ sở về mặt pháp lí để được thanh toán hay không?
Ông Dụ cho rằng: “Theo nguyên tắc, hóa đơn đỏ của Bộ tài chính là cơ sở để xác định giá, nhưng do sự sơ hở của công tác quản lý, nên không ít hóa đơn đã bị “biến tấu”. Vì vậy nếu có dùng hóa đơn đỏ để thanh toán thì các cơ quan chức năng cũng cần phải kiểm tra, xem xét hết sức cụ thể từ nhà cung cấp vật liệu xây dựng”.
Theo ông Dụ, đối với các công trình trọng điểm như cầu Vĩnh Tuy, Nhà nước nên có những cơ chế đặc biệt dành cho các nhà thầu. Trong đó có việc áp dụng chỉ định cho các nhà thầu khi mua vật liệu xây dựng phải chọn những nhà cung cấp lớn có thương hiệu và uy tín trên thị trường.
Cầu Vĩnh Tuy là một trong những công trình xây dựng trọng điểm của Hà Nội hướng tới kỷ niệm 1000 năm Thăng Long.
Được khởi công xây dựng từ tháng 3/2005, với số vốn đầu tư là 3.580 tỉ đồng, dự kiến ban đầu cầu sẽ thông xe vào tháng 5/2007.
Đơn vị chủ đầu tư là Ban Quản lý dự án hạ tầng Tả Ngạn (thuộc UBND TP Hà Nội). |
Tuấn Hợp - Hồng Kỹ