1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Giá vàng thế giới giằng co, trong nước "đứng im"

An Chi

(Dân trí) - Giá vàng thế giới tiếp tục giằng co ở ngưỡng 1.818 USD/ounce trong bối cảnh lạm phát Mỹ đang ở mức cao nhất kể từ năm 1982.

Chốt phiên giao dịch hôm qua (14/1), giá vàng miếng SJC tại thị trường Hà Nội phổ biến ở mức 61,05 - 61,72 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra). Tại TPHCM, giá mua vào tương đương Hà Nội nhưng chiều bán ra là 61,7 triệu đồng/lượng.

Trên thị trường thế giới, đóng cửa phiên giao dịch ngày 14/1, giá vàng giao ngay trên trang Kitco giảm 4,1 USD còn 1.818,1 USD/ounce.

Giá vàng thế giới giằng co, trong nước đứng im - 1

Giá vàng thế giới biến động 24 giờ qua theo ghi nhận của Kitco.com (Ảnh: Kitco.com).

Một khảo sát của Đại học Michigan (Mỹ) chỉ ra, thị trường vàng khó có động lực tăng giá ngay cả khi người tiêu dùng Mỹ kỳ vọng áp lực lạm phát sẽ tiếp tục tăng cho đến năm 2022.

Vàng được coi là hàng rào chống lạm phát. Lạm phát tăng, giới đầu tư sẽ đổ xô vào vàng như một kênh trú ẩn an toàn. Vì vậy, một số chuyên gia lại cho rằng, giá vàng sẽ lạc quan hơn khi bước sang tuần thứ ba của năm 2022. 

Lạm phát tại Mỹ đang ở mức cao nhất kể từ năm 1982, với chỉ số giá tiêu dùng (CPI) vào tháng 12/2021 tăng 7% so với cùng kỳ năm 2020.

Hai yếu tố lớn tác động đến giá vàng trong tương lai là đồng USD và lợi suất trái phiếu Mỹ. Giới đầu tư nhận định, đồng USD sẽ giảm mạnh, nhường chỗ cho vàng, trong khi lợi suất trái phiếu sẽ ngắt đà tăng của giá vàng.

Một chuyên gia kim loại quý của hãng OANDA nói với Kitco rằng: "Khả năng Cục dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ tăng lãi suất vào tháng 3. Đây là cơ hội tốt cho vàng trong vài tháng tới. Kim loại quý này khó có thể bật cao nhưng vẫn ở mức tốt".

Hiện tại, vàng đang theo dõi nhất cử nhất động của đồng USD. Sự hồi phục nền kinh tế châu Âu cùng với sức mạnh mới của đồng Euro sẽ đóng  vai trò quan trọng trong việc xác định hướng đi của đồng bạc xanh.

"Có rất nhiều giả định được đưa ra về việc đồng bạc xanh sẽ đi về đâu. Nếu kinh tế toàn cầu phục hồi tốt hơn sẽ thúc đẩy tiềm năng tăng trưởng của châu Âu. Điều này có thể khiến đồng USD suy yếu", vị chuyên gia giải thích thêm.

Theo www.kitco.com