1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

5 năm gom vàng cất két, vợ chồng trẻ quyết bung hàng thắng lớn

Với nhiều người, việc mua vàng cất trữ không lo bị hao hụt về mặt giá trị, lại có thể thanh khoản dễ dàng; chưa kể có thể thắng lớn nếu biết tính toán mua vào lúc giá giảm, bán ra lúc tăng giá mạnh.

Sáng 4/8, thấy vàng vẫn tăng giá và có thể cho khoản lời lớn, chị Nguyễn Thị Nguyệt, 33 tuổi ở Cầu Giấy, Hà Nội quyết định đem 10 lượng vàng của vợ chồng đã mua 5 năm trước đi bán. Hiện giá vàng mua vào là 57,1 triệu đồng/lượng và  bán ra là 57,5 triệu đồng/lượng. Tính ra, sau 5 năm mua vàng cất két để dành, vợ chồng chị Nguyệt thắng đậm.

Chị Nguyệt chia sẻ, vợ chồng chị kết hôn cuối tháng 11/2015. Sau khi cưới, tổng cộng tiền mừng cưới và người thân hai bên cho, tặng, vợ chồng chị Nguyệt có tất cả 300 triệu đồng. Nghe theo lời tư vấn của mẹ chồng, chị quyết định đi mua vàng tích lũy, không gửi ngân hàng.

“Mẹ chồng mình bảo không dùng đến số tiền ấy thì cứ mua vàng cất két sẽ không lo xuống giá. Bà nói vàng tuy giá cả trồi sụt vậy nhưng cuối cùng cũng vẫn tăng. Người Việt mình có thói quen tích vàng đầu tư và dự trữ rất nhiều”, chị Nguyệt tâm sự.

5 năm gom vàng cất két, vợ chồng trẻ quyết bung hàng thắng lớn - 1

Khi giá xuống, nhiều người Việt có thói quen mua vàng để tích trữ (ảnh minh họa)

Nghe lời mẹ chồng, chị mua vàng miếng để đó với ý nghĩ khi nào dành dụm được thêm sẽ mua chung cư nhỏ để ở.

Ngày 4/12/2015, khi xem tivi và báo mạng, nhận thấy giá vàng trong nước giảm sâu kỷ lục còn 32 triệu đồng/lượng, chị Nguyệt quyết định đến một tiệm vàng uy tín ở Hà Nội để mua vào.

“Hôm ấy mình mang đúng 300 triệu đi nên không đủ tiền mua 10 cây vàng. Gọi về nhà chia sẻ vậy thì mẹ chồng cho vay thêm 20 triệu cho đủ. Tháng sau lĩnh lương, vợ chồng mình trả lại bà. Mình thấy thế cũng rất gọn gàng nên vay luôn để mua đủ 10 lượng về cất két”.

Suốt từ đó, dù giá vàng có lên xuống như nào thì vợ chồng chị Nguyệt cũng mải làm ăn không để ý. Chị xác định, có tiền không dùng đến cứ mua để đó.

“Nhiều lúc nói tới số vàng để trong két sắt, cả nhà đều cười. Ai cũng khuyên cứ để đó đầu tư lâu dài mới có lãi. Bởi thực tế, chỉ bán lại vàng với giá cao hơn số tiền đã mua thì mới có lợi nhuận. Có những thời điểm, giá vàng thay đổi nhẹ, nhưng mình xác định cần phải chờ một thời gian dài nếu mong thu về lợi nhuận đáng kể nên không sốt ruột”.

Sau 5 năm mua vàng cất két, khoảng 1 tháng trước, thấy giá vàng bắt đầu tăng, chị Nguyệt rậm rịch lên kế hoạch bán vàng ra.

5 năm gom vàng cất két, vợ chồng trẻ quyết bung hàng thắng lớn - 2

 Không nên mua khi vàng quá tăng giá nhiều

Thấy vàng tăng giá phi mã, liên tục suốt cả tháng nay, hôm 4/8, bố mẹ chồng giục vợ chồng chị bán ra vì nghĩ sau thời gian tăng đỉnh điểm rồi sẽ đến lúc giá vàng sẽ giảm sâu. Vợ chồng mình bán vàng giá 57,5 triệu đồng/lượng.

Với mức giá mua vào khi chỉ 32 triệu đồng/lượng và bán ra 57,5 triệu đồng/lượng, bán tổng 10 lượng vàng chị Nguyệt thu lãi hơn 250 triệu đồng trong 5 năm.

Chia sẻ về việc trữ vàng rồi thắng lớn, chị Nguyệt đúc kết: “Vàng là loại vật chất có trọng lượng nhỏ nhưng giá trị rất cao. Vì thế, khi mua vào chỉ cần chú ý đến thời điểm mua rẻ nhất và bán ra lúc vàng vọt giá cao nhất là thắng đậm. Hơn nữa, việc mua vàng rất phù hợp với những người có tiền nhàn rỗi, mua để dành mà không phải đi vay ngân hàng hoặc rút tiền đầu tư từ lĩnh vực khác”.

Tuy nhiên, chị cũng cho rằng không nên mua khi vàng quá tăng giá nhiều vì sẽ nhiều rủi ro, rất nguy hiểm, có thể gây thua lỗ. Ngoài ra, chú ý thêm khâu lưu trữ và bảo quản ở két sắt hoặc nơi an toàn nhất trong nhà nhằm hạn chế rủi ro trộm cắp.

Vợ chồng chị Nguyệt dự định sẽ mua một căn nhà chung cư. “5 năm qua vợ chồng mình cũng tích lũy được một số tiền gửi ngân hàng và mua đô la. Giờ là lúc mình sẽ rút hết ra để dồn với tiền bán vàng tìm mua căn chung cư cho ổn định”, chị cho hay.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm