Giá vàng lại tuột dốc

Mỹ Tâm

(Dân trí) - Vàng suy yếu trước số liệu kinh tế không mấy khả quan của Trung Quốc. Các nhà đầu tư đang chờ đợi các dữ liệu lạm phát tới đây để có manh mối rõ ràng hơn về lộ trình thắt chặt của Fed.

Vàng giảm giá

Kết thúc ngày 8/8, giá vàng miếng SJC được các cửa hàng lớn tại Hà Nội niêm yết ở 66,7-67,3 triệu đồng/lượng (mua - bán), giảm 100.000 đồng mỗi chiều so với thời điểm mở cửa phiên. Chênh lệch giữa 2 chiều mua và bán duy trì ở mức 600.000 đồng.

Còn giá vàng nhẫn hiện niêm yết ở mức 56,05-57 triệu đồng/lượng (mua - bán). Chênh lệch 2 chiều mua và bán của vàng miếng là 950.000 đồng.

Mỗi lượng vàng miếng đắt hơn vàng nhẫn 10,3 triệu đồng.

Còn giá vàng thế giới trên Kitco sáng nay đạt 1.924 USD/ounce, giảm 12 USD so với hôm qua. Quy đổi theo tỷ giá USD chưa thuế, phí, giá vàng thế giới đang rẻ hơn giá vàng SJC trong nước khoảng 11,2 triệu đồng/lượng.

Giá vàng lại tuột dốc - 1

Vàng chưa tìm ra động lực tăng giá (Ảnh: Tiến Tuấn).

Vàng chịu áp lực và tiếp tục giảm khi báo cáo mới đây đưa ra các số liệu kinh tế ảm đạm về kinh tế của Trung Quốc. Điều này gây ra lo ngại nhu cầu vàng sẽ giảm khi kinh tế Trung Quốc chậm lại thêm trong quý III/2023.

Số liệu chính thức do Trung Quốc công bố cho thấy, lượng hàng hóa nhập khẩu của nước này trong tháng 7 giảm 12,4% so với cùng kỳ năm ngoái, lớn hơn nhiều so với dự báo và là tháng thứ 9 liên tiếp suy giảm.

Trong khi đó, lượng hàng hóa Trung Quốc bán ra nước ngoài giảm 14,5% so với cùng kỳ năm ngoái, đánh dấu tháng giảm thứ 3 liên tiếp. Con số này giảm mạnh hơn so với mức dự báo là 12,5%. Mức giảm của tháng 6 trước đó là 12,4%. Tốc độ suy giảm xuất khẩu trong tháng 7 là mức nhanh nhất tính từ giai đoạn đầu của dịch Covid-19 vào đầu năm 2020.

Tâm điểm của thị trường trong tuần này là các báo cáo lạm phát chính của Mỹ và Trung Quốc. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 7 của Mỹ sẽ được công bố vào ngày 10/8 và chỉ số giá sản xuất (PPI) sẽ công bố vào ngày 11/8. Cả CPI và PPI dự kiến sẽ chỉ tăng nhẹ so với các báo cáo tháng 6.

Các nhà đầu tư đang chờ đợi các dữ liệu lạm phát tới đây để có manh mối rõ ràng hơn về lộ trình thắt chặt của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Để vàng đảo chiều, dữ liệu công bố tới đây phải cho thấy lạm phát giảm rõ rệt.

USD tăng khi vàng giảm

USD-Index - chỉ số đo sức mạnh của đồng bạc xanh với rổ tiền tệ lớn sáng nay đạt 102,54 điểm, tăng 0,49% so với trước đó.

Kết thúc hôm qua, Ngân hàng Nhà nước giảm tỷ giá trung tâm 13 đồng so với phiên trước đó, về 23.802 đồng. Với biên độ 5%, giá USD tại các ngân hàng thương mại được phép niêm yết mức sàn là 22.602 đồng/USD đồng và mức trần là 25.982 đồng/USD.

Các ngân hàng thương mại giữ nguyên mức niêm yết tỷ giá USD. Cụ thể, giá USD tại các ngân hàng lớn là 23.525-23.895 đồng (mua - bán) và tại nhóm ngân hàng tư nhân là 23.500-23.880 đồng (mua - bán).

Trên thị trường tự do, giá USD ở 23.720-23.800 đồng/USD (mua - bán), giảm 10 đồng chiều mua và giữ nguyên chiều bán so với trước đó. Chênh lệch giữa 2 chiều là 80 đồng.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm