1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ
  3. Tư vấn tài chính cá nhân

Giá USD tự do tăng nhanh, cán mốc 24.300 đồng

Việt Đức

(Dân trí) - Tỷ giá USD trên thị trường tự do có xu hướng tăng nhanh khi đã cán mốc 24.300 đồng/USD.

Trong ngày 14/7, Ngân hàng Nhà nước công bố tỷ giá trung tâm của đồng Việt Nam so với USD ở mức 23.201 đồng/USD, tăng 3 đồng so với hôm trước. Giá bán ra USD tại Sở giao dịch Ngân hàng Nhà nước ở mức 23.400 đồng/USD, thấp hơn từ 100 đến 300 đồng/USD so với các ngân hàng thương mại như Sacombank, Vietcombank, ACB, MB bank. 

Còn trên thị trường tự do, giá USD tiếp tục tăng khi giá bán ra chạm mốc 24.300 đồng/USD, tăng 70 đồng còn giá mua vào tăng thêm 80 đồng lên 24.250 đồng/USD.

Giá đồng bạc xanh trên thị trường tự do đã liên tục tăng từ đầu tuần này. Ngày 11/7, giá bán ra USD trên thị trường tự do ở mức 24.050 đồng/USD rồi nhích dần và tăng tổng cộng 250 đồng sau 3 ngày.

Giá USD tự do tăng nhanh, cán mốc 24.300 đồng - 1

Tỷ giá USD liên tục nhích lên những ngày qua (Ảnh: Tiến Tuấn).

Trên thị trường quốc tế, chỉ số USD Index đang ở mức cao nhất trong 20 năm qua khi tăng lên 108,86 điểm (cuối ngày 14/7 theo giờ Việt Nam). Từ đầu năm đến nay, USD Index đã tăng hơn 13% trong khi Euro mất giá hơn 12%. 

Cuối ngày 14/7, một số ngân hàng trong nước mua EUR với giá thấp hơn USD. Vietcombank mua vào USD với tỷ giá 23.265 đồng nhưng mua EUR chỉ 23.050 đồng. Sacombank niêm yết giá mua EUR ở mức 23.093 đồng trong khi USD là 23.298 đồng. Tương tự, HDBank mua vào USD với giá 23.320 đồng trong khi niêm yết giá mua EUR là 23.230 đồng. Eximbank cũng mua vào USD với giá 23.320 đồng còn niêm yết giá mua EUR là 23.247 đồng.

Giá USD tự do tăng nhanh, cán mốc 24.300 đồng - 2

Đồng EUR suy yếu, nhiều ngân hàng niêm yết giá mua thấp hơn USD (Ảnh: Tiến Tuấn).

Chia sẻ với Dân trí, TS Nguyễn Quốc Anh, Giảng viên Đại học Kinh tế TPHCM nhận định đồng USD tăng giá do cách điều hành chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Theo nhiều dự báo, Fed dự kiến sẽ tiếp tục tăng mạnh lãi suất để kiểm soát lạm phát tại Mỹ.

Trong các giao dịch thanh toán thương mại quốc tế của Việt Nam, đồng USD vẫn chiếm tỷ trọng lớn. Do đó, TS Quốc Anh cho rằng việc USD tăng giá sẽ khiến nhiều doanh nghiệp nhập khẩu gặp khó khăn, chi phí đội lên. Đặc biệt, các hợp đồng nhập khẩu nhiên liệu xăng dầu cũng thanh toán bằng đồng USD nên việc đồng bạc xanh tăng giá sẽ ảnh hưởng vào giá nhiên liệu, đẩy chỉ số giá tiêu dùng tăng. 

Ngược lại, các doanh nghiệp xuất khẩu sẽ hưởng lợi khi đồng USD tăng giá. Dù vậy, TS Quốc Anh lưu ý nhiều ngành hàng của Việt Nam có kim ngạch xuất khẩu lớn nhưng lại nhập khẩu nhiều nguyên vật liệu từ nước ngoài để sản xuất nên cũng sẽ chịu tác động từ việc giá USD tăng.

Trong khi đó, giá trị EUR suy yếu nhưng thực tế tỷ trọng thanh toán bằng đồng EUR của các doanh nghiệp xuất nhập khẩu Việt Nam nhỏ. Nhiều doanh nghiệp xuất nhập khẩu hàng hóa với đối tác ở châu Âu nhưng vẫn chọn thanh toán bằng USD. Do đó, tác động khi tỷ giá EUR giảm đối với các doanh nghiệp Việt không lớn so với việc USD biến động, theo TS Quốc Anh.

Ông Ngô Đăng Khoa, Giám đốc toàn quốc Khối ngoại hối, thị trường vốn và dịch vụ chứng khoán của Ngân hàng HSBC Việt Nam đánh giá hiện tại tỷ giá USD/đồng từ đầu năm đến nay mới tăng 2% cho thấy sự ổn định của thị trường ngoại tệ trong nước dù thị trường thế giới có nhiều biến động. 

Ông Khoa dự báo trong bối cảnh thị trường diễn biến bất lợi, nhiều áp lực, Ngân hàng Nhà nước với quy mô dự trữ ngoại hối được củng cố mạnh mẽ trong giai đoạn trước sẽ tiếp tục bán ngoại tệ để bình ổn thị trường. Ngân hàng Nhà nước sẽ tăng tần suất bán can thiệp ngoại tệ để sẵn sàng bổ sung nguồn cung ngoại tệ cho thị trường thường xuyên hơn, qua đó tạo điều kiện cho hệ thống ngân hàng đáp ứng đầy đủ, kịp thời các nhu cầu ngoại tệ.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm