Giá trần cho xăng, dầu, điện: Ổn chưa?

Phương án giá trần nhận được nhiều sự đồng thuận vì đặt quyền lợi người tiêu dùng lên tối ưu nhưng vẫn có ý kiến cho rằng nó chỉ mang tính chất tạm thời.

Phương án giá trần cho xăng, dầu, điện từng được đưa ra bàn luận vào tháng 5/2013, trong dự thảo sửa đổi Nghị định 84/2009. Đến nay, vấn đề chưa có định nghĩa cụ thể và lại được đem ra bàn luận. Pháp Luật TP.HCM có cuộc trao đổi với TS Nguyễn Ngọc Sơn (ĐH Kinh tế - Luật TP.HCM) xoay quanh vấn đề này.
 

Ông đánh giá như thế nào về phương án giá trần lại được đem ra đề xuất? Liệu quyền lợi người tiêu dùng có thực sự được đảm bảo?

 

Giá trần là phương thức truyền thống kiểm soát các doanh nghiệp (DN) độc quyền thị trường, ví như ngành điện. Xăng dầu không phải là độc quyền mà chỉ tồn tại DN chiếm lĩnh thị trường là Petrolimex với hơn 50% thị phần.

 

Thực ra, nếu đọc qua phương án giá trần có lẽ nhiều người được thuyết phục vì nó cho cảm giác quyền lợi của người tiêu dùng được đặt lên cao nhất. Xem kỹ lại thì phương án này chưa tối ưu và đặt ra giá trần chưa hẳn không có nguy cơ.

 

Thứ nhất, xăng dầu là hàng hóa đặc thù, liên quan đến an ninh năng lượng. Đặt giá trần tức là DN phải tự tính được chi phí nhưng nếu có biến động bất thường, DN không chủ động được mức chi phí đó và họ không nhập nữa thì sao? Không thể nhân danh an ninh năng lượng mà bắt DN chịu lỗ. Thứ hai, nếu giá trần được tính bằng giá sàn cộng các khoản về thuế, phí; trong đó giá sàn gồm giá thế giới cộng với các chi phí của DN (giá cứng) đủ để DN không lỗ thì cũng chưa giải quyết được vấn đề. Vì chúng ta chưa kiểm soát được các chi phí của DN. Như DN chỉ cần mua 1 lít xăng với độ chênh lệch là 1 cent thôi mà DN đã bắt người dân mua đắt bao nhiêu rồi?

 

Theo Hiệp hội Xăng dầu Việt
Theo Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam, hiện DN đang lãi gần 500 đồng/lít xăng A92. Ảnh: HTD

 

Cho nên nếu Nhà nước còn can thiệp giá trần, giá sàn, định giá vẫn không giải quyết được gì, còn phát sinh thêm hàng loạt vấn đề. Chúng ta cứ tưởng đó là bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng nhưng đặt ra giá trần mà DN đó vẫn chi phối phần cơ cấu giá của họ thì chẳng bảo vệ được. Chúng ta vẫn loay hoay với cơ chế quản lý mặt hàng này và chưa đưa ra được phương án quản trị văn minh.

 

Như vậy ông vẫn giữ quan điểm để DN tự quyết về giá và Nhà nước kiểm soát DN độc quyền, thống lĩnh thị trường bằng pháp luật?

 

Đúng vậy! Tôi vẫn cho rằng kiểm soát độc quyền phải bằng pháp luật chứ không phải bằng giải pháp hành chính.

 

Mấy năm qua, cơ quan quản lý cứ mãi loay hoay trong việc định giá hay thả nổi với thị trường này. Thời điểm Nghị định 84 ra đời đã khẳng định sẽ trao quyền tự quyết định giá cho DN. Sau đó, Nhà nước thu hồi lại, “ôm” luôn trách nhiệm đó. Thời gian sau, dư luận phàn nàn, DN kêu ca thì Nhà nước lại thả. Bây giờ phương án giá trần được đề xuất cũng là trở lại câu chuyện cũ thôi! Quan trọng là phải xem lại cách thức xử lý và kiểm soát những DN độc quyền chưa sòng phẳng với người tiêu dùng.

 

Giá xăng thế giới những ngày qua giảm mạnh, DN xăng dầu đã có lãi nhưng chưa đề xuất giảm giá bán. Như vậy để cho DN định giá khác nào mạo hiểm?

 

Chúng ta cần nhìn thẳng vào vấn đề. Với xăng dầu lỗi là do đâu, cơ chế định giá hay sự lạm dụng của DN? Nếu là sự lạm dụng của DN có pháp luật cạnh tranh xử lý. Pháp luật cạnh tranh yếu thì cải thiện chứ không thể vì quản lý không được mà cấm, vậy là đi ngược với thị trường.

 

Thế giới đã hướng đến việc kiểm soát độc quyền từ cách đây hơn 100 năm bằng pháp luật. Họ không “giơ cao đánh khẽ” rồi khi không thể quản lý được lại tìm cách tước quyền định giá của DN. Chuyện đối lập lợi ích giữa người tiêu dùng với DN là hoàn toàn có thể xảy ra. Nhà nước phải dự liệu trường hợp mâu thuẫn và phương án quản lý tốt nhất là thực thi pháp luật.

 

Thế nhưng khi cơ quan giám sát chưa đủ mạnh, có khi nào phải chấp nhận để thị trường nửa vời không?

 

Đúng là cơ quan giám sát, Luật Cạnh tranh còn quá yếu để xử lý và kiểm soát DN độc quyền. Trong lúc “giao thời”, trước mắt chúng ta có thể đồng tình với giải pháp giá trần, giá sàn nhưng căn cơ nhất vẫn là đẩy mạnh kiểm soát bằng pháp luật; lộ trình rõ ràng. Có như thế người dân mới tin vào cơ quan quản lý. Còn nếu không, thời gian tới chúng ta cứ mãi loay hoay với bài toán thả nổi hay để DN định giá.

 

Xin cảm ơn ông!

 

Xăng dầu đang lãi gần 500 đồng/lít

 

Theo Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam, giá xăng A92 tại thị trường Singapore ngày 20/8 giao dịch ở mức 112,97 USD/thùng, giảm khoảng 2 USD/thùng so với phiên giao dịch liền trước. Theo đó, bình quân giá xăng trung bình 30 ngày chỉ còn 114,92 USD/thùng. Sau khi trừ thuế, phí thì DN xăng dầu lãi 140 đồng/lít xăng. Các DN đang sử dụng quỹ bình ổn với mức 300 đồng/lít, suy ra họ lãi gần 500 đồng/lít.

 

Theo Mai Phương

Pháp Luật TPHCM

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm