1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ
  3. Tư vấn tài chính cá nhân

Cà Mau:

Giá tôm giảm, dịch bệnh tăng dân lưỡng lự đầu tư vụ mới

(Dân trí) - Giá tôm nguyên liệu những tháng đầu năm liên tục giảm, cùng với đó tình hình dịch bệnh khá phức tạp khiến người nuôi tôm công nghiệp ở Cà Mau ngán ngẩm, lưỡng lự trong đầu tư vụ mới.

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:

Theo ghi nhận của PV, giá tôm thẻ chân trắng hiện đang giữ ở mức thấp nhất tính từ đầu năm. Đặc biệt, thị trường tiêu thụ ở các địa phương trong tỉnh Cà Mau cũng khá trầm lắng, số thương lái đến địa phương thu mua tôm ít, nông dân bị ép không thể nâng giá bán.

Cụ thể, tại Cà Mau giá tôm thẻ chân trắng đã giảm thêm trên dưới 10.000 đồng/kg so với tháng trước. Loại 40 con/kg giá thu mua ở nơi thu hoạch chưa đến 120.000 đồng/kg, loại 50 con giá 110.000 đồng/kg, loại 100 con/kg giá 70.000 đồng/kg.
 
Với giá tôm này, người nuôi thành công cũng méo mặt vì đứng trước nguy cơ trắng tay sau một vụ mùa cực khổ chăm sóc. Vì theo tính toán của người nuôi tôm, giá thành để nuôi được 1 kg tôm thẻ chân trắng đến cỡ 100 con/kg suôn sẻ thì hết khoảng 65.000 đồng/kg, còn tôm cỡ 50-60 con/kg giá thành cao hơn 100.000 đồng/kg.

Vừa thu hoạch một ao nuôi tôm thẻ chân trắng thành công, ông Nguyễn Văn Thoái (ngụ xã Rạch Chèo, huyện Phú Tân) ngao ngán nói: “So với các năm trước, giá tôm thẻ chân trắng hiện nay đã giảm gần 30%. Nếu như năm trước tôi nuôi thành công như vụ này ít cũng phải lời được cả 100 triệu đồng, ai ngờ mới lên tôm 70 con/kg, bán được giá chưa đến 90.000 đồng”.

Theo đánh giá của giới chuyên môn, nguyên nhân khiến giá tôm nguyên liệu giảm mạnh là do thời gian gần đây, sản lượng tôm nuôi ở một số nước trong khu vực như Ấn Ðộ, Thái Lan... đã phục hồi, nguồn cung cho thị trường tăng cao. Ðặc biệt, việc một số nước nhập khẩu tôm của Việt Nam đã đưa ra các rào cản kỹ thuật cũng là trở ngại lớn, ảnh hưởng đến xuất khẩu, làm giá tôm giảm.

Giá tôm giảm khiến nhiều người nuôi tôm ở Cà Mau gặp khó khăn.
Giá tôm giảm khiến nhiều người nuôi tôm ở Cà Mau gặp khó khăn.

Ông Lý Văn Thuận- Tổng Thư ký Hội Chế biến Xuất khẩu Thủy sản Cà Mau (Casep) cho biết: Hiện giá trị xuất khẩu tôm trên địa bàn tỉnh mới được trên 200 triệu USD, chỉ đạt hơn 65% so với cùng kỳ và khoảng 18%  kế hoạch. “Bên cạnh việc nhiều doanh nghiệp xuất khẩu trên địa bàn gặp khó khăn do thị trường tiêu thụ gặp phải những rào cản về kỹ thuật, doanh nghiệp xuất khẩu còn phải cạnh tranh với nhiều doanh nghiệp xuất khẩu nước ngoài, nhất là về giá bán và chất lượng sản phẩm. Vì vậy, theo dự báo, nhu cầu thị trường sẽ tiêu thụ chậm, làm giá tôm giảm”, ông Thuận nói.

Giá tôm đã liên tục giảm nhưng thị trường thuốc, thức ăn cho tôm lại tỷ tệ nghịch. Các yếu tố còn lại để đầu tư nuôi tôm như giá điện tăng cao, càng khiến người dân chán nản. Cụ thể, đợt tăng giá điện vừa qua, hiện người nuôi tôm phải trả tới giá điện 1.600 đồng/kWh (tăng 200 đồng/kWh), đối với các hộ nuôi được áp giá.  Còn các hộ chưa được áp giá thì mỗi kWh tới 4.000 đồng (tăng 1.000 đồng/kWh).

Nỗi khổ tâm của người nuôi tôm công nghiệp hiện nay còn là tình hình dịch bệnh rất phức tạp. Tính trên địa bàn Cà Mau đã có hàng ngàn ha tôm nuôi thiệt hại,  dân nuôi tôm như đứng ngồi trên đống lửa. Sở NN&PTNT tỉnh Cà Mau cho biết, từ đầu năm đến nay, đã có gần 3.000 ha tôm nuôi của bà con trong tỉnh bị dịch bệnh. Trong đó, diện tích tập trung nhiều tại các huyện phát triển nuôi công nghiệp mạnh như: Đầm Dơi, Phú Tân, Cái Nước,… gây thiệt hại hàng chục tỷ đồng. Trước tình hình thiệt đơn thiệt kép trên nhiều người nuôi tôm Đất Mũi đang treo ao, không nuôi. Tuy nhiên, một bộ phận người dân lại phân vân không biết nên nuôi hay không. Thường sau thời gian giá tôm giảm sâu, ít người nuôi giá tôm sẽ tăng mạnh trở lại.

Theo dự báo của ngành nông nghiệp tỉnh, thời gian tới giá tôm sẽ tiếp tục trầm lắng. Ông Châu Công Bằng- Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Cà Mau cho biết: Sở đã phối hợp với các đơn vị liên quan, thu thập thông tin và đánh giá, thời gian từ nay đến quí 3, giá tôm sẽ không tăng, người nuôi tôm không nên thu hoạch trong thời gian này. Khi vào quí 3, các nước sẽ nhập khẩu tôm để trữ hàng cho cuối năm. Thêm vào đó, hiện trạng nuôi tôm của Thái Lan, và Trung Quốc lại đang gặp khó. Vì vậy, giá tôm sẽ tăng trong quí 3. Người nuôi tôm nên có kế hoạch thả nuôi và thu hoạch phù hợp.
 
“Hiện giá tôm thẻ chân trắng có xu hướng giảm mạnh, trong khi giá tôm sú vẫn khá ổn định nên bà con cần cân nhắc trong việc chọn đối tượng nuôi phù hợp trong vụ nuôi mới”, ông Bằng nói thêm 

Khánh Hưng

 

Hà Nội: Tận mục bến xe khách ngầm trên “đất vàng”

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm