Bình Định:

Nhiều hồ tôm ô nhiễm, nông dân thua lỗ

(Dân trí) - Dù thời vụ nuôi tôm đã trôi qua cả hơn 1 tháng, nhưng nhiều hồ tôm ở các xã Hoài Hải, Hoài Mỹ, Hoài Hương… huyện Hoài Nhơn (tỉnh Bình Định) bỏ giá bởi ô nhiễm nặng.

Hoài Nhơn là huyện có diện tích nuôi tôm lớn thứ 2 tỉnh Bình Định, chỉ sau huyện Tuy Phước. Từ 2012 trở về trước, diện tích nuôi tôm trên địa bàn huyện Hoài Nhơn luôn đạt trên 340 ha thì cuối năm 2014 chỉ còn 240 ha diện tích ao hồ được thả nuôi.

Nhiều hồ tôm “bỏ giá” vì ô nhiễm
Nhiều hồ tôm ở xã Hoài Hải, huyện Hoài Nhơn (tỉnh Bình Định) không thể thả tôm vì bị ô nhiễm nghiêm trọng.
 

Theo kế hoạch, vụ tôm 2015, huyện Hoài Nhơn sẽ thả nuôi 120 ha, nhưng đến hiện tại chỉ có hơn 30 ha được thả nuôi, diện tích giảm mạnh chỉ còn dưới 8,8%. Nguyên nhân cơ bản là do diện tích các vùng nuôi chuyên cạnh bị ô nhiễm nghiêm trọng, khi nghề nuôi tôm ăn nên làm ra, nhiều hộ ồ ạt đầu từ làm hồ nuôi tôm mà không theo quy hoạch, mạnh ai nấy làm. Trong khi đó, trong quá trình nuôi, hầu hết các hồ tôm xả thải trực tiếp ra môi trường phát sinh dịch bệnh.

Ông Võ Thanh Hùng ở thôn Kim Giao Nam, 1 trong những người đi tiên phong trong phong trào nuôi tôm ở xã Hoài Hải, có thâm niên với nghề nuôi tôm cả chục năm nay, cho biết: “Nghề nuôi tôm cũng hên xui, có năm thắng năm thua nhưng là khi diện tích các hồ tôm chưa bị ô nhiễm nặng như hiện nay. Từ tháng 10 năm ngoái đến nay, tôi không còn dám thả nuôi nữa vì dịch bệnh diễn biến phức tạp. Thời gian gần đây nhiều chủ hồ cải tạo hồ thả nuôi đều bị thua lỗ”.

Nhiều hồ tôm “bỏ giá” vì ô nhiễm
Nhiều chủ hồ tôm đầu tư cả trăm triệu đầu tư làm hồ nhưng chỉ nuôi được vài vụ đành bỏ vì bị ô nhiễm tôm dịch bệnh tràn lan

Ông Huỳnh Có, Chủ tịch UBND xã Hoài Hải cho biết: Hoài Hải là địa phương có phong trào nuôi tôm lớn của huyện Hoài Nhơn với 80% dân số tham gia nhưng năm nay chỉ có 13ha được thả nuôi, số diện tích còn lại gần như bị bỏ trống. “Vùng nuôi tập trung của xã đang bị ô nhiễm nặng, tôm dịch bệnh chết, nông dân thua lỗ nặng đành bỏ nghề. Hiện chỉ có khoảng 1/3 chủ hồ có điều kiện nâng đáy làm hồ nổi phủ bạt mới dám thả nuôi, số còn lại không thể phục hồi đành bỏ trống hồ”, ông Có trần tình.

Trong khi đó, ngoài con tôm đang bị dịch bệnh thì người nuôi tôm ở huyện Hoài Nhơn lại đang gặp khó bởi nghịch lý giá tôm. Theo người nuôi tôm phản ánh, trước đây, loại tôm có kích cỡ nhỏ (100 con/kg) luôn có giá thấp hơn tôm có kích cỡ lớn (50-70 con/kg). Do đó, để vừa bán được giá cáo, vừa rút ngắn thời gian tôm nằm trong hồ tránh rủi ro như dịch bệnh, người nuôi tôm cho tôm ăn mạnh chấp nhận chi phí cao để tôm nhanh lớn. Tuy nhiên, hiện nay giá tôm kích cỡ lớn lại bán thấp hơn tôm nhỏ. Đầu tư cao, bán giá thấp khiến người dân thua lỗ.

“Hiện nay, tôm 100 con/kg chỉ có giá hơn 90.000đ/kg. Trong khi đó, chi phí để nuôi đạt 1kg tôm đã lên đến 90.000 đồng nên người nuôi không có lãi. Nghịch lý hơn, tôm có kích cỡ càng lớn giá càng thấp, người nuôi tôm chúng tôi chẳng biến hướng nào mà lần. Đó là chưa tính đến rủi ro, nếu tôm dính dịch bệnh, không chỉ thua lỗ mà còn tốn chi phí, công sức dọn, xử lý hồ”, ông Phan Xuân Lành, người nuôi tôm ở xã Hoài Mỹ nói.

Nhiều hồ tôm “bỏ giá” vì ô nhiễm
Số ít hộ có điều kiện, thậm chí nhiều hộ đâm lao phải theo lao đầu tư nâng cao hồ phủ bạt để nuôi mong gỡ vốn

Theo ông Nguyễn Chí Công, Trưởng phòng Kinh tế huyện Hoài Nhơn, cho biết: Trong diện tích 30ha diện tích mặt nước đã được thả nuôi mới chỉ thời gian đầu đã có gần 3ha hồ tôm bị nhiễm bệnh đốm trắng và hội chứng chết sớm. Để khắc phục tình trạng trên, huyện đã triển khai lập 2 dự án nâng cấp vùng tôm tại 2 xã Hoài Hải và Hoài Mỹ; cũng như phối hợp với Dự án CRSD (Nguồn lợi ven biển vì sự phát triển bền vững) nâng cấp hạ tầng, chuyển giao quy trình nuôi tôm VietGAP ở khu A, thôn Công Lương, xã Hoài Mỹ.

Hiện nay, BQL Dự án đã tổ chức tập huấn, hướng dẫn người nuôi áp dụng các biện pháp thực hành nuôi tốt, nuôi nhiều đối tượng khác trên cùng diện tích; thực hành ghi chép nhật ký kỹ thuật nuôi an toàn sinh học; phương pháp thu mẫu, chẩn đoán, xử lý bệnh trên tôm nuôi và hướng dẫn quản lý sức khỏe thủy sản nuôi theo tiêu chuẩn VietGAP.

Doãn Công

Hà Nội: Tận mục bến xe khách ngầm trên “đất vàng”