1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Ngành tôm Việt ở đâu trên bản đồ thế giới?

(Dân trí) - Việt Nam hiện là nhà cung cấp tôm lớn thứ nhất cho Nhật Bản, thứ 3 cho Mỹ, thứ 4 cho EU và đang dẫn đầu thế giới về sản lượng tôm sú, đồng thời dẫn đầu các nước cung cấp tôm trên thế giới về số lượng doanh nghiệp được cấp chứng nhận BAP 4 sao.

Hàn Quốc và ASEAN được đánh giá như những thị trường tiềm năng cho xuất khẩu tôm của Việt Nam
Hàn Quốc và ASEAN được đánh giá như những thị trường tiềm năng cho xuất khẩu tôm của Việt Nam

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep), cho đến nay, Mỹ, Nhật Bản và EU tiếp tục được xác định là 3 thị trường trọng điểm của tôm Việt Nam mặc dù nhiều khó khăn. 

Cụ thể, Việt Nam hiện là nhà cung cấp tôm lớn thứ nhất cho Nhật Bản, thứ 3 cho Mỹ, và thứ 4 cho EU. Năm 2014, Việt Nam tiếp tục là nhà cung cấp tôm số 1 cho Nhật Bản nhờ sản phẩm tôm sú cỡ lớn và các sản phẩm giá trị gia tăng. Tại thị trường Mỹ, Việt Nam có ưu thế  với sản phẩm tôm thịt đông lạnh. Đây cũng là sản phẩm được nhập khẩu vào Mỹ nhiều nhất. Trong khi đó với thị trường EU, sản phẩm xuất khẩu chủ lực của Việt Nam là tôm chín đông lạnh.

Tuy nhiên, Hàn Quốc và ASEAN được đánh giá như những thị trường tiềm năng cho xuất khẩu tôm nhờ Hiệp định thương mại tự do đã được ký kết và sớm có hiệu lực và Cộng đồng kinh tế chung ASEAN sẽ được thành lập.

Vasep cho rằng, Việt Nam cần phải tận dụng những lợi thế khác sẵn có của mình như là nước dẫn đầu thế giới về sản xuất tôm sú cỡ lớn với nguồn cung ổn định, năng lực chế biến tốt, uy tín và chất lượng ngày càng được khẳng định.

Bên cạnh đó, Vasep cũng lưu ý đến sản phẩm tôm chân trắng đang được phát triển mạnh mẽ trên thế giới trong đó có cả Việt Nam. Hiện nay, sản xuất loại tôm này đang chiếm ưu thế vượt trội tại nhiều nước khác như Trung Quốc, Thái Lan, Ấn Độ, Indonesia, Ecuador.

Nhiều nước mở rộng sản xuất tôm chân trắng khiến tổng sản lượng tôm chân trắng của thế giới năm 2014 tăng từ 2,7 triệu tấn lên 3,05 triệu tấn. Trong khi đó, diện tích nuôi tôm sú thu hẹp khiến sản lượng giảm từ 743.000 tấn xuống còn 634.800 tấn.

Tại Việt Nam, tôm chân trắng cũng được phát triển nhanh chóng nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường song, Việt Nam hiện nay vẫn là nước dẫn đầu thế giới về sản lượng tôm sú.

Điểm ưu thế của Việt Nam đó là đang dẫn đầu các nước cung cấp tôm trên thế giới về số lượng doanh nghiệp được cấp chứng nhận BAP 4 sao. Đây là cấp cao nhất của chứng nhận BAP do Liên minh nuôi trồng thủy sản toàn cầu xây dựng và áp dụng với chú trọng tới các tiêu chuẩn về chất lượng sản phẩm, môi trường và nước thải.

Tính đến nay, Việt Nam có 12 doanh nghiệp được cấp chứng nhận BAP 4 sao (chứng nhận Thực hành nuôi trồng thủy sản tốt nhất )trên tổng 67 doanh nghiệp có BAP. Ấn Độ mới chỉ có 2 doanh nghiệp nhận BAP 4 sao/ 73 doanh nhiệp có BAP, Thái Lan: 7/68, Trung Quốc: 2/26, Indonesia: 0/32, Bangladesh: 0/7, và Ecuador: 0/6.

Do vậy, theo Vasep, mặc dù khó khăn nhiều nhưng cơ hội vẫn sẽ có nếu doanh nghiệp Việt Nam linh hoạt và tận dụng tốt các lợi thế hiện có của mình để vượt qua thách thức, duy trì sản xuất và tiếp tục phát triển.

Tổ chức này cũng đánh giá, động thái của Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh tỷ giá liên ngân hàng thêm 1% từ ngày 7/5 là một tín hiệu tích cực cho xuất khẩu thủy sản, nhất là ngành tôm xuất khẩu. Theo đó, doanh nghiệp tôm sẽ được gỡ khó trước áp lực cạnh tranh lớn từ các nước đối thủ như Ấn Độ, Indonesia, Thái Lan vốn có chính sách linh hoạt và thả nổi tỷ giá tùy theo biến động thị trường. Một số doanh nghiệp tôm cho biết, trước tín hiệu vui này, giá tôm nguyên liệu đã tăng, đơn đặt hàng xuất khẩu cũng nhiều hơn.

Bích Diệp
 

Hà Nội: Tận mục bến xe khách ngầm trên “đất vàng”

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm