(Dân trí) - 10 tháng qua, giá lợn hơi liên tục biến động, "rơi" tự do và chỉ có lần tăng duy nhất vào dịp cận Tết Nguyên đán.
10 tháng qua, giá lợn hơi liên tục biến động, "rơi" tự do và chỉ có lần tăng duy nhất vào dịp cận Tết Nguyên đán. Tuy nhiên, giá thịt lợn đến tay người tiêu dùng vẫn ở mức cao khiến "thượng đế" chỉ có thể "lên ti vi" mua thịt lợn rẻ.
Tháng 1
Vào tháng 1, giá lợn hơi ở miền Bắc được duy trì ở mức 78.000 - 85.000 đồng/kg, miền Trung, miền Nam dao động 75.000 - 82.000 đồng/kg. So với cuối năm 2020, giá lợn hơi đã tăng thêm 10.000 đồng/kg.
Theo lý giải của các hộ chăn nuôi, việc tăng giá này xuất phát từ 2 nguyên nhân: Thứ nhất, giá thức ăn chăn nuôi tăng so với năm trước; Thứ hai, người dân có tâm lý giữ lợn để chờ đến Tết Nguyên đán mới bán cho được giá cao.
Ông Nguyễn Văn Trọng, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi - Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn từng cho rằng, giá lợn có xu hướng tăng vào dịp cận Tết là do nhu cầu chế biến sâu (giò chả, xúc xích) tăng cao. Cũng giống như mọi khi, đây là thời điểm tiêu dùng thịt lợn cao nhất năm.
Tháng 2
Đến tháng 2, giá lợn hơi quay đầu, giảm nhẹ 2.000 - 5.000 đồng/kg trên toàn quốc. Tại 3 miền Bắc - Trung - Nam, giá lợn hơi chỉ loanh quanh ở mốc 75.000 - 80.000 đồng/kg.
Nguyên nhân khiến giá lợn giảm được cho là ảnh hưởng của dịch Covid-19. Các gia đình có xu hướng ăn uống tại nhà, không tập trung ra hàng quán nên lượng cầu bị tác động. Ngoài ra, việc nhập khẩu lợn sống chính ngạch từ Thái Lan và tăng cường nhập thịt đông lạnh từ Nga, Mỹ, Canada đã giúp giá lợn bình ổn.
Cụ thể, giá thịt lợn ở thời điểm Tết Nguyên đán khá dễ dịu khi sườn thăn chỉ còn 120.000 đồng/kg, thịt sấn là 100.000 đồng/kg, các loại xương đầu, cổ từ 50.000-60.000 đồng/kg.
Theo đánh giá, với mức giá trên, người chăn nuôi, tiểu thương đã đều có lãi, chẳng qua là lãi ít hay lãi nhiều. Còn người tiêu dùng thì được dịp "dễ thở" sau thời gian chứng kiến giá thịt lợn biến động, nhảy múa vào những tháng cuối năm 2020.
Tháng 3
Vẫn tiếp đà giảm từ tháng 2, giá lợn hơi tiếp tục rơi xuống mốc 75.000 - 77.000 đồng/kg. Tại miền Bắc, giá lợn hơi từ 75.000 - 77.000 đồng/kg, miền Trung từ 74.000 - 76.000 đồng/kg, còn miền Nam là 75.000 - 78.000 đồng/kg.
Sau kỳ nghỉ Tết dài ngày, ở một số tỉnh, thành phố, các trường học, nhà hàng đã mở cửa trở lại khiến nguồn cung tăng. Ở nhiều địa phương, việc tái đàn lợn diễn ra thuận lợi nên giá lợn hơi trên thị trường được điều chỉnh lại.
Tháng 4
Tháng 4, giá lợn hơi trung bình ở 3 miền tiếp tục giảm. Tại miền Bắc, lợn hơi giao dịch ở giá 73.000 - 75.000 đồng/kg, miền Trung từ 72.000 - 75.000 đồng/kg, miền Nam từ 73.000 - 76.000 đồng/kg.
Tháng 5
So với tháng 4, giá lợn hơi xuất chuồng ở các địa phương giảm mạnh, từ 5.000 - 7.000 đồng/kg. Ở miền Bắc, giá lợn chỉ còn 64.000 - 71.000 đồng/kg, miền Trung từ 67.000 - 72.000 đồng/kg, miền Nam từ 67.000 - 69.000 đồng/kg. Tuy nhiên, giá thịt lợn tại các chợ và siêu thị vẫn ở mức cao.
Cụ thể, ở một số chợ dân sinh, giá sườn ngon là 150.000 đồng/kg, nạc vai từ 140.000 - 150.000 đồng/kg, thịt lợn mông từ 130.000 đồng/kg, thịt chân giò 140.000 đồng/kg. Còn ở siêu thị, sườn non vẫn ở mức 200.000 đồng/kg, nạc vai từ 160.000 đồng/kg, mông sấn là 120.000 đồng/kg, nạc đùi từ 150.000 đồng/kg.
Bên cạnh tác động, ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến việc tiêu thụ lợn giảm, còn có một nguyên nhân khác là việc nhập khẩu lượng lớn thịt lợn khiến hàng trong nước phải ra sức cạnh tranh.
Theo thống kê, trong quý I/2021, Việt Nam nhập khẩu khoảng 34.650 tấn thịt lợn, tăng hơn 101% về lượng so với cùng kỳ năm 2020.
Tháng 6
Không còn ở giá 70.000 đồng/kg, giá thịt lợn hơi trung bình ở 3 miền dao động ở mốc 63.000 - 68.000 đồng/kg.
Theo nhiều hộ chăn nuôi, giá lợn hơi giảm mạnh trong bối cảnh giá thức ăn chăn nuôi tiếp tục phi mã. Từ cuối năm 2020 đến tháng 6/2021, giá thức ăn đã tăng 5 - 6 lần với mức tăng 200.000 - 300.000 đồng/lần điều chỉnh.
Trước sức ép nguồn thức ăn đầu vào tăng cao, nhiều hộ chăn nuôi đã cho lợn xuất chuồng sớm khiến thị trường dư thừa nguồn cung. Trong khi, tình hình dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, các bếp ăn của các xí nghiệp, trường học vẫn "đóng băng", làm cho giá thu mua giảm.
Tháng 7
Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, giá lợn hơi trên cả nước có xu hướng giảm. Ở miền Bắc, giá lợn hơi giao dịch chỉ còn 56.000 - 59.000 đồng/kg, miền Trung từ 55.000 - 61.000 đồng/kg, miền Nam là 52.000 - 62.000 đồng/kg.
Nguyên nhân chính khiến giá lợn hơi giảm sâu vẫn đến từ câu chuyện cắt giảm chi tiêu của người dân trong mùa dịch Covid-19. Đồng thời, các trường học đóng cửa nên việc học sinh ăn bán trú tại trường cũng tạm dừng. Các trường không nhập thịt dẫn đến tình trạng ế ẩm ngày càng tăng mạnh.
Ngoài ra, nhiều thương lái cho rằng khâu vận chuyển lợn đi các tỉnh, thành phố đợt tháng 7 gặp nhiều khó khăn khi đều phải test Covid-19 khiến lượng giao dịch không cao, kéo giá lợn đi xuống.
Tháng 8
Giá hơi bán tại chuồng đã giảm rất mạnh vào tháng 8, chỉ còn 50.000 đồng/kg nhưng giá thịt bán lẻ vẫn cao ngất ngưởng.
Tại một số siêu thị, cửa hàng tiện lợi ở Hà Nội và TPHCM vẫn có giá cao ngất ngưởng. Ví dụ, thịt đùi heo được bán với giá từ 140.000 -150.000 đồng/kg, nạc dăm 160.000 đồng/kg, thịt cốt lết 150.000 đồng/kg, sườn non 240.000 đồng/kg.
Theo ông Nguyễn Trí Công - Chủ tịch Hiệp hội chăn nuôi Đồng Nai, nguyên nhân giá thịt lợn vẫn ở "trên trời" là khâu phân phối bị ảnh hưởng nặng nề, hàng trăm khu chợ truyền thống phải tạm đóng cửa, trong khi các siêu thị chỉ đáp ứng được 35 - 40% nhu cầu thịt lợn của người dân.
Việc lưu thông, vận chuyển thịt lợn cũng gặp nhiều khó khăn, các thương lái phải qua nhiều bước trung gian hơn và tốn nhiều chi phí hơn so với trước. Với chi phí phát sinh, thương lái buộc phải cộng thêm những khoản tiền này vào giá bán cho người tiêu dùng. Điều này khiến giá thịt lợn vẫn "neo" ở mức cao dù giá lợn hơi đã giảm sâu.
Tháng 9
Giá lợn hơi xuất chuồng đã tuột khỏi mốc 50.000 đồng, có thời điểm trong tháng 9, giá lợn hơi còn giảm xuống 43.000 đồng/kg.
Cụ thể, tại miền Bắc giá lợn hơi ở các hộ chăn nuôi dao động 43.000 - 46.000 đồng/kg, miền Trung từ 46.000 - 48.000 đồng/kg, miền Nam là 44.000 - 46.000 đồng/kg. Còn giá lợn hơi ở các công ty ở 3 miền Bắc - Trung - Nam lần lượt là 44.000 - 51.000 đồng/kg, 41.000 - 52.000 đồng/kg, 45.500 - 51.500 đồng/kg.
So sánh với giá thành sản xuất thì mỗi hộ chăn nuôi sẽ lỗ từ 7.7000 - 8.700 đồng/kg, chăn nuôi trang trại vừa và nhỏ đang lỗ từ 8.900 - 9.700 đồng/kg, nuôi trang trại, tập đoàn lớn lỗ từ 1.900 - 2.700 đồng/kg.
Việc khó khăn trong khâu vận chuyển cũng như nhu cầu tiêu thụ thực phẩm giảm do dịch Covid-19 ở 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP HCM đã đẩy giá lợn hơi lao dốc. Theo thống kế, tại các tỉnh Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ các doanh nghiệp chăn nuôi lợn chỉ tiêu thụ được khoảng 70%.
Tháng 10
Giá lợn hơi trên cả nước đã xuống thấp, chỉ còn 30.000 - 35.000 đồng/kg khiến giá thịt lợn ở các chợ dân sinh cũng hạ nhiệt, giảm từ 20.000 đến 30.000 đồng/kg.
Trong đó, thịt ba chỉ ngon là 120.000 đồng/kg, trước đây là 140.000 - 150.000 đồng/kg, thịt mông, chân giò đồng giá 100.000 đồng/kg, trước đây là 110.000 - 130.000 đồng/kg, xương đuôi là 25.000 - 30.000 đồng/kg, xương cổ chỉ còn 40.000 - 45.000 đồng/kg.
=Còn ở các siêu thị, giá thịt có giảm nhưng không đáng kể. Cụ thể, thịt nạc vai có giá 130.000 đồng/kg, thịt đùi là 125.000 đồng/kg, sườn non là 180.000 - 190.000 đồng/kg.
Nhiều hộ chăn nuôi cho biết, với mức giá trên, họ đang lỗ từ 1,5 - 2 triệu đồng/con lợn. Do bởi, giá lợn hơi xuống thấp nhưng giá thức ăn chăn nuôi vẫn neo ở mức cao. Hiện tại, giá thức ăn đã tăng 35% so với cuối năm ngoái khiến người nuôi ngán ngẩm, chán không muốn tăng đàn, mở rộng quy mô.
Hơn nữa, nguồn cung thịt lợn giảm mạnh còn đến từ câu chuyện chung khi dịch Covid-19 bùng phát là cơ quan, doanh nghiệp, trường học ở một số tỉnh vẫn chưa hoạt động trở lại. Đồng thời, lượng lớn thịt lợn đông lạnh nhập khẩu ồ ạt tràn về mà giá lại rẻ hơn khiến thịt lợn trong nước đuối sức.
Những tháng cuối năm, giá lợn hơi sẽ ra sao?
Mới đây, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã chủ trì cuộc họp nhằm đánh giá thực trạng chăn nuôi, tiêu thụ thịt lợn và giải pháp tăng cường quản lý, bình ổn thị trường nhằm bảo đảm quyền lợi của người chăn nuôi, người tiêu dùng, ổn định sản xuất.
Phó Thủ tướng Lê Văn Thành cho rằng, mức chênh lệch giữa giá xuất chuồng và giá thành phẩm đến tay người tiêu dùng là bất hợp lý. Việc tìm ra nguyên nhân và tập trung chỉ đạo để giải quyết vấn đề này là rất cần thiết, bởi nó ảnh hưởng đến hàng chục triệu người dân. Vận hành theo cơ chế thị trường, nhưng trong bối cảnh hiện nay, cần có giải pháp điều hành từ các cơ quan Nhà nước.
Từ thực trạng và nguyên nhân trên, Phó Thủ tướng cho biết, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương sẽ khẩn trương có các giải pháp hỗ trợ tiêu thụ, dần bình ổn giá, đảm bảo lợi ích hài hòa của các bên.
"Cần có giải pháp hỗ trợ cho bà con đang có lượng tồn lớn về đàn lợn, chưa xuất chuồng được", Phó Thủ tướng giao Bộ Tài chính nghiên cứu, đề xuất các giải pháp hỗ trợ về lĩnh vực tài chính.
Theo yêu cầu của Phó Thủ tướng, các bộ, ngành, địa phương, các trung tâm kinh tế lớn phải đẩy nhanh tiến độ phục hồi kinh tế. Bộ Công Thương khẩn trương tổ chức các cuộc họp, làm việc với các địa phương để khôi phục hoạt động các chợ đầu mối, chợ truyền thống theo tinh thần Nghị quyết 128; mở các cửa hàng bình ổn giá để thúc đẩy tiêu dùng. Phó Thủ tướng cũng yêu cầu phải tổ chức thanh, kiểm tra, làm rõ chi phí của từng khâu trong chuỗi giá trị, thanh kiểm tra sự chênh lệch giá bán (giữa giá thịt lợn hơi và giá bán tại chợ, siêu thị); rà soát lại việc xuất - nhập khẩu thịt heo; kịp thời xử lý những vi phạm nếu có.
Bộ Nông nghiệp chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan, các địa phương tuyên truyền, làm việc cụ thể với các doanh nghiệp chế biến, các hộ tiêu thụ lớn, các doanh nghiệp có năng lực dự trữ, chế biến để đẩy mạnh tiêu thụ, sử dụng sản phẩm thịt trong nước nhằm chia sẻ bớt khó khăn với người chăn nuôi. Đồng thời, tăng cường quản lý giá bán các sản phẩm đầu vào của ngành, nhất là thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y; xây dựng kế hoạch tái đàn, chăn nuôi theo tín hiệu thị trường đặc biệt cho dịp cuối năm và tết Nguyên đán.
Cũng theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng, Bộ Giao thông vận tải rà soát, nắm rõ thêm tình hình hệ thống lưu thông, vận tải, tránh tình trạng một số nơi "cát cứ", gây khó khăn cho bà con trong tiếp cận thị trường (phương tiện chuyên chở khó đến với bà con); Phải bảo đảm lưu thông hàng hóa thông suốt, thống nhất trên toàn quốc.