1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Gia nhập WTO: Việt Nam đã bỏ lỡ một nước cờ

Trong cuộc trò chuyện với báo giới mới đây, Nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã phân tích về những cơ hội bị bỏ lỡ trong tiến trình gia nhập WTO của Việt Nam, và ông khẳng định nếu không có sự chỉ đạo quyết liệt từ cấp cao, chưa chắc chúng ta có thể gia nhập WTO vào năm 2006.

Chấp nhận luật chơi chung

Ông đánh giá thế nào về việc Việt Nam phải hội nhập sâu hơn vào nền kinh tế thế giới, trong đó có việc gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới WTO?

Trên thế giới hiện nay, hội nhập, mà cao và sâu hơn là toàn cầu hóa, là một xu thế tất yếu, không thể khác. Xu thế này rất mới nhưng tích cực cho phát triển. Trong đó gia nhập WTO là một bước đi cần thiết.

Tất nhiên, trong tích cực cũng có khó khăn chứ không phải lúc nào cũng trơn tru. Vào cuộc chơi đó, để vượt qua những khó khăn, thách thức, chúng ta phải phát huy hết nội lực của mình. Nội lực ấy, quan trọng nhất là con người. Phải làm sao phát huy được khả năng của mỗi người để làm nên nội lực chung ấy của đất nước. Mở rộng hơn nữa dân chủ, tự do để khả năng của mỗi người được sử dụng tối đa.

Tôi rất hứng thú với phát biểu của Thủ tướng Singapore gần đây rằng, một thời gian nào đó Chính phủ của nước này sẽ có những thành viên không phải là người Singapore. Hay là ở Hàn quốc, người ta đã đặt ra yêu cầu là các tập đòan đa quốc gia của nước này tiến tới xóa bỏ phương thức quản lý kiểu gia đình trị. Nếu Hàn Quốc không có đủ người có tầm để đứng đầu các tập đoàn này, người ta sẵn sàng thuê những người giỏi nhất của nước ngoài. Đó là những nét mới rất đáng suy nghĩ trong việc phát huy nguồn lực con người.

Ngoài ra, theo tôi nghĩ, muốn bước vào cuộc hội nhập rộng lớn thì phải tập dược cho người Việt Nam mình quen dần và chấp nhận những luật chơi chung của thế giới. Có như vậy chúng ta mới giành được thế chủ động và thành công.

VN đã bỏ lỡ cơ hội ở New Zealand

Trước đây, Việt Nam đặt mục tiêu gia nhập WTO vào tháng 12/2005 nhưng đã lỡ nhịp. Ông nhìn nhận như thế nào về việc này?

Phải thú thật là tôi cảm thấy rất đau. Chúng ta đã lỡ một nước cờ. Chính xác hơn, chúng ta đã từng bỏ mất một nước cờ.

Hồi cuối nhiệm kỳ của Tổng thống Mỹ Bill Clinton, nếu chúng ta sớm ký kết Hiệp định Thương mại song phương với Mỹ tại một hội nghị quốc tế ở New Zealand thì có khả năng chúng ta gia nhập WTO sớm, thậm chí sớm hơn cả một vài nước vào dịp đó.

Lúc ấy, phải nói rằng Chính phủ của Bill Clinton tỏ ra mạnh mẽ trong việc thúc đẩy nhanh việc ký kết và đã chọn New Zealand là nơi diễn ra sự kiện này. Mỹ cũng hàm ý ủng hộ chúng ta gia nhập WTO sau đó. Ở vào thời điểm đó các điều kiện mà Mỹ đặt ra thuận lợi hơn bây giờ và thế của Mỹ có mức khác hơn bây giờ.

Vì sao, thưa ông?

Lúc đó, có ý kiến khác trong đội ngũ lãnh đạo của chúng ta. Có ý kiến nếu Việt Nam đã tính toán kỹ thì việc ký kết không với Tổng thống này thì ký với Tổng thống khác, có gì đâu mà vội, rằng nếu ký thì ký ở Thủ đô hai nước, hoặc là Hà Nội, họăc là Washington, không ký ở một nước thứ 3...

Chúng ta đã do dự rồi bỏ lỡ một cơ hội để đến hôm nay không chỉ đã trễ một, mà là vài nước cờ.

Trung Quốc và một số nước đã vào WTO sau đó.

Và bây giờ, VN đang vấp phải rào cản từ phía Washington?

Tôi thấy việc đám phán hiện nay khó khăn hơn trước. Nếu so với trước đây, cái “giá” họ nêu ra đã cao hơn trước nhiều. Chúng ta gặp khó khăn trong đàm phán với Mỹ so với trước đây, điều này không đáng ngạc nhiên. Cũng không lọai trừ khả năng các nước lớn bắt tay với nhau để “ra giá” cao hơn đối với các nước nhỏ.

Phải quyết liệt trong chỉ đạo ở cấp cao

Đúng là trên báo chí, các thành viên đàm phán có giải thích rằng do đối tác Mỹ đặt ra những đòi hỏi quá cao so với khả năng Việt Nam. Vì thế có những quan điểm cho rằng chúng ta chúng ta sẽ không vào WTO bằng mọi giá. Ý kiến của ông?

Đương nhiên, không có bất cứ cuộc đàm phán song phương hay đa phương nào lại chấp nhận thoả thuận bằng bất cứ giá nào, mặc dù có những khó khăn bên ngoài cũng như bên trong của mình như tôi đã nói trên.

Ngay bây giờ, không phải mọi người đều thấy hết sự cần thiết giống nhau và thấy cần có sự chuẩn bị tốt hơn nữa. Tất nhiên, không phải vào WTO chỉ có mặt thuận. Nhưng vào đó chúng ta sẽ có thêm cơ hội cũng như phải đương đầu với không ít thách thức để phấn đấu vươn lên, đuổi kịp các nước trong khu vực.

Tôi biết các đồng chí lãnh đạo hiện thời đều thuận hơn đưa Việt Nam vào WTO. Đó là xu hướng chính và họ đang tìm một giải pháp khả dĩ sòng phẳng hơn.

Theo ông, có phải vì thiếu thông tin nên đã có sự do dự đó không?

Trong lãnh đạo có những cách tiếp cận khác nhau, đó là chuyện bình thường. Nhưng theo tôi, cái thiếu là mình gần như chưa có một bộ phận tham mưu tổng hợp chuyên đề đủ tin cậy để có thể phân tích tất cả mọi khía cạnh các vấn đề tư vấn cho lãnh đạo. Bộ phận này phải giải đáp thẳng thắn tất cả các vấn đề của lãnh đạo đặt ra.

Mục tiêu thời gian gia nhập WTO giờ đây đã lùi lại. Theo ông chúng ta phải làm gì để đẩy nhanh tiến trình đàm phán?

Cần phải có một sự chỉ đạo tập trung hơn ở cấp cao. Nếu không có sự chỉ đạo như vậy, sẵn sàng tháo gỡ bất kỳ rắc rối nào trong quá trình đàm phán thì chưa chắc chúng ta có thể trở thành thành viên WTO vào năm 2006. Trong khi đó càng để chậm thì càng có nhiều vấn đề phát sinh.

Xin cám ơn ông!

Theo Việt Lâm
VietNamnet

Dòng sự kiện: Gia nhập WTO

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm