Giá gạo tăng hàng ngày, Bộ Công Thương hỏa tốc đề nghị không mua gom ồ ạt
(Dân trí) - Bộ Công Thương lưu ý các doanh nghiệp tránh mua gom lúa gạo ồ ạt, gây bất ổn thị trường, mất cân đối cung cầu cục bộ, đẩy giá lúa gạo trong nước tăng bất hợp lý.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải vừa ký văn bản hỏa tốc gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đề nghị phối hợp triển khai công tác bình ổn thị trường thóc gạo.
Hiện nay, thị trường lúa gạo trong nước có diễn biến tăng giá, để thực hiện công tác bình ổn thị trường, đảm bảo nguồn cung, kiểm soát mức tăng giá lương thực trong nước, Bộ Công Thương đề nghị UBND các tỉnh, thành phố phối hợp trong công tác bình ổn thị trường.
Cụ thể, Bộ Công Thương đề nghị UBND các tỉnh phối hợp, chỉ đạo Sở Công Thương đôn đốc các doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn thị trường trên địa bàn có phương án về nguồn hàng thóc, gạo. Mục đích nhằm đảm bảo cung ứng cho thị trường từ nay đến cuối năm 2023 và giai đoạn Tết Nguyên đán 2024 với giá bình ổn.
Bộ đề nghị các tỉnh chỉ đạo các doanh nghiệp xuất khẩu gạo trên địa bàn duy trì lượng thóc, gạo dự trữ bình ổn thị trường theo quy định để sẵn sàng cung ứng ra thị trường khi cần thiết. Các doanh nghiệp thực hiện việc thu mua giao hàng theo tiến độ hợp lý, cân đối lượng xuất khẩu nhằm bảo đảm nguồn cung cho thị trường trong nước.
Bộ Công Thương lưu ý các doanh nghiệp tránh mua gom ồ ạt, gây bất ổn thị trường, mất cân đối cung cầu cục bộ, đẩy giá lúa gạo trong nước tăng bất hợp lý.
Cũng trong ngày 4/8, Bộ Công thương tổ chức hội nghị sơ kết tình hình xuất khẩu gạo 6 tháng đầu năm, bàn phương hướng điều hành xuất khẩu những tháng cuối năm tại Cần Thơ.
Báo cáo của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho hay, theo số ước của liên Bộ, ước tính đến hết tháng 7, Việt Nam sẽ xuất khẩu 4,83 triệu tấn gạo, trị giá 2,58 tỷ USD, tăng 18,7% về lượng và tăng 29,6% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022. Giá xuất khẩu bình quân ước đạt 534 USD/tấn, tăng 9,2% so cùng kỳ năm 2022.
Xuất khẩu gạo tiếp tục ghi nhận sự tăng trưởng tại thị trường truyền thống, thị trường có FTA thế hệ mới, trong đó khu vực thị trường châu Á tiếp tục là thị trường khu vực xuất khẩu lớn nhất trong 6 tháng năm 2023, đạt gần 3,3 triệu tấn, chiếm 77,7% tổng lượng xuất khẩu, tăng 35,8% so với cùng kỳ năm 2022.
Trước đó, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân cũng đã có văn bản gửi Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) và các thương nhân xuất khẩu gạo, đề nghị báo cáo tình hình lượng lúa, gạo tồn kho; tình hình ký hợp đồng và thực hiện hợp đồng xuất khẩu gạo theo quy định.
Các thương nhân được yêu cầu chủ động theo dõi sát tình hình thị trường thương mại gạo toàn cầu và trao đổi với VFA, nhằm kịp thời báo cáo Bộ Công Thương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn liên quan hoạt động xuất khẩu gạo, đồng thời đề xuất giải pháp phù hợp.
Thời gian qua, nhiều nước như Ấn Độ, Dubai, Nga ban hành lệnh cấm xuất khẩu gạo. Bối cảnh nguồn cung gạo thế giới bị hạn chế đẩy giá gạo tăng cao. Nhiều chuyên gia đánh giá đây là cơ hội tốt cho xuất khẩu gạo của Việt Nam.
Số liệu từ VFA cho biết giá gạo ngày 4/8 tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long điều chỉnh tăng 100-200 đồng/kg với nhiều chủng loại lúa.
Tại kho An Giang, giá lúa OM 5451 tăng 200 đồng/kg lên mức 6.800-7.200 đồng/kg; OM 18 tăng 100 đồng/kg lên mức 6.900-7.100 đồng/kg; nếp Long An (tươi)tăng 300 đồng/kg, lên 6.500-6.900 đồng/kg; nếp AG (khô) cũng tăng 300 đồng/kg, lên 7.700-7.900 đồng/kg.