Giá gạo có nơi nhảy múa theo giờ, chủ sạp than "cứ vài ngày lại có giá mới"

Huỳnh Anh Nhật Quang

(Dân trí) - Ấn Độ, Dubai, Nga lần lượt cấm xuất khẩu gạo khiến giá gạo tăng mạnh. Nhiều đại lý, cửa hàng gạo tại Hà Nội và TPHCM cũng ghi nhận giá gạo bán lẻ tăng từ 500-2.000 đồng/kg do giá từ nguồn cung tăng.

Giá gạo bắt đầu tăng cao

Theo khảo sát của phóng viên Dân trí, đại diện đại lý gạo An Bình Phát (Tân Phú, TPHCM) cho biết giá gạo đã bắt đầu tăng cao trong vài tháng trở lại đây. Đầu tháng 7, một số loại gạo như Thơm Mỹ, Thơm Thái có giá 14.000-15.000 đồng/kg, thì đến ngày 3/8 đã tăng lên 16.500-17.500 đồng/kg, tăng 10-20% so với trước.

Tương tự, đại lý gạo Khánh Hồng (Huyện Hóc Môn, TPHCM) cho biết giá gạo liên tục biến động, có thể thay đổi theo từng giờ chứ không theo từng ngày như trước.

Các loại gạo phổ biến như Thơm Lài, Nàng Hoa, Thơm Thái… đều tăng 1.000-2.000 đồng/kg. Một số loạt gạo đặc sản như ST24, ST25, Hạt Ngọc Trời… tăng 1.500-3.000 đồng/kg, đơn cử như ST25 lên 37.000-37.500 đồng/kg.

Đại diện Kho gạo Sài Gòn (Quận 12, TPHCM) cho biết các mặt hàng gạo bao gồm cả gạo đặc sản hay gạo thông thường đồng loạt tăng giá từ 1.000 đến 2.500 đồng/kg trong một tuần qua. Nguyên nhân là giá thu mua lúa tăng, nhu cầu xuất khẩu gạo tăng… tác động lớn đến giá thành. Anh cho rằng từ nay đến cuối năm giá lúa sẽ tiếp tục tăng cao, do đó giá gạo sẽ còn tiếp tục lên.

Giá Việt Nam gạo liên tục tăng từ nửa cuối tháng 7 đến nay. Gạo nguyên liệu IR 504 tăng khoảng 1.000 đồng/kg lên 11.150-11.250 đồng/kg. Gạo thành phẩm cũng tăng 1.500 đồng/kg lên 12.800-13.000 đồng/kg.

Giá gạo có nơi nhảy múa theo giờ, chủ sạp than cứ vài ngày lại có giá mới - 1

Các loại gạo được bày bán đa dạng tại các siêu thị (Ảnh: HA).

Vài ngày lại có giá mới

Tại Hà Nội, nhiều loại gạo tăng 500-2.000 đồng/kg. Chị Ngọc Anh, chủ đại lý gạo tại phố Quan Nhân (quận Thanh Xuân, Hà Nội), cho biết giá một số loại gạo tăng từ khoảng 3 ngày nay. Cụ thể, gạo Nàng Hương tăng từ 20.000 đồng/kg lên 22.000 đồng/kg, gạo tám Thái Lan tăng thêm 500 đồng/kg lên mức 27.000 đồng/kg. Một số loại gạo đặc sản như ST25 cũng tăng ít nhất 1.000 đồng/kg.

"Giá lúa tại các vựa tăng trong gần một tháng qua, riêng tuần vừa rồi tăng 200-500 đồng/kg, giá gạo nhập về cửa hàng cũng tăng cao nên tôi phải tăng giá bán ra" - chị Ngọc Anh chia sẻ.

Không ít cửa hàng bán gạo cho biết, thời gian gần đây, giá tăng liên tục, cứ khoảng vài ngày lại có giá mới.

Anh Quốc Khánh cho biết vừa đặt cửa hàng gạo quen gần nhà đặt mua gạo Nàng Hương thì được báo giá 22.000 đồng/kg, cao hơn 2.000 đồng/kg so với lần mua trước. Anh cho biết hầu như các loại gạo đều tăng giá, trừ một số loại đóng túi vẫn giữ nguyên khoảng 35.000-40.000 đồng/kg.

Anh Huy, chủ cửa hàng gạo tại phố Phương Mai, cũng cho biết giá các mặt hàng gạo đã tăng 1.000-2.000 đồng/kg so với trước thời điểm Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo. "Nhưng khác với đợt dịch Covid-19, thị trường chỉ có giá gạo tăng còn sức mua bình thường, người dân không mua nhiều để tích trữ", anh Huy nhận xét.

Theo anh Huy, hiện giá gạo bán lẻ loại thấp nhất là đã lên mức 14.000-15.000 đồng/kg, không còn mức 12.000-13.000 đồng/kg như trước.

Tuy nhiên, đợt tăng này chưa diễn ra đồng loạt. Nhiều cửa hàng cho biết vẫn giữ nguyên giá bán do lượng gạo cũ còn, có thể cũng sẽ tăng trong thời gian tới nếu các giá nhập hàng mới cao hơn.

Tại các hệ thống siêu thị tại Hà Nội, giá gạo vẫn được giữ ổn định. Cụ thể, gạo 5% tấm có chung mức giá 14.500 đồng/kg, gạo Japonica giá dao động 27.000-30.000 đồng/kg tùy nhà cung cấp và hình thức đóng gói. Các loại gạo thơm ST25 giữ ở mức 33.000 đồng/kg.

Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho biết, tính đến chiều ngày 1/8, giá gạo xuất khẩu 5% tấm của Việt Nam và Thái Lan đã lần lượt đạt 588 USD và 623 USD/tấn. Đây là mức giá cao nhất được ghi nhận kể từ năm 2008 đến nay.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải mới đây ký văn bản hỏa tốc gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đề nghị phối hợp triển khai công tác bình ổn thị trường thóc gạo.

Bộ Công Thương đề nghị UBND các tỉnh phối hợp, chỉ đạo Sở Công Thương đôn đốc các doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn thị trường trên địa bàn có phương án về nguồn hàng thóc, gạo. Mục đích nhằm đảm bảo cung ứng cho thị trường từ nay đến cuối năm 2023 và giai đoạn Tết Nguyên đán 2024 với giá bình ổn.

Các doanh nghiệp tránh mua gom ồ ạt, gây bất ổn thị trường, mất cân đối cung cầu cục bộ, đẩy giá lúa gạo trong nước tăng bất hợp lý.