Giá gạo tăng từng ngày, có thời điểm đứng đầu thế giới

Bảo Trân

(Dân trí) - Lượng lúa có khả năng phục vụ cho xuất khẩu trong năm nay đạt khoảng 15,1 triệu tấn, tương đương đạt khoảng 7,5 triệu tấn gạo. Như vậy, Việt Nam không lo thiếu gạo cho xuất khẩu trong năm nay.

Hội nghị triển khai công tác điều hành xuất khẩu gạo diễn ra ngày 4/8 tại Cần Thơ. Bộ Công Thương phối hợp Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND TP Cần Thơ tổ chức. 

Giá gạo tăng từng ngày, có thời điểm đứng đầu thế giới - 1

Ông Nguyễn Hồng Diên, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương phát biểu khai mạc hội nghị (Ảnh: Bảo Trân).

Đánh giá chung về kết quả xuất khẩu gạo 7 tháng, Bộ Công Thương cho biết khác với giá xuất khẩu, ngay khi có thông tin về lệnh cấm xuất khẩu gạo của Ấn Độ, giá thóc và gạo nội địa tăng nhanh theo từng ngày. Trung bình mỗi ngày, giá tăng 50-100 đồng/kg. Nhiều thời điểm, giá gạo xuất khẩu 5% tấm đứng đầu thế giới, cao hơn giá gạo cùng chủng loại của Thái Lan và Ấn Độ.

Cụ thể, từ ngày lệnh cấm của Ấn Độ có hiệu lực (20/7), giá gạo nguyên liệu nội địa tăng 400500 đồng/kg. Giá gạo IR50404 đạt 10.750 đồng/kg, tăng 5%; gạo OM5451 đạt 11.000 đồng/kg, tăng 5%; giá gạo Đài Thơm đạt 11.300 đồng/kg, tăng 6%;…

Về tình hình sản xuất lúa gạo trong nước, Bộ Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn dự kiến năm nay, cả nước gieo trồng được 7,1 triệu ha, năng suất đạt 6,07 tấn/ha, sản lượng đạt trên 43,1 triệu tấn, tăng 452.000 tấn so với năm 2022.

Theo lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, với sản lượng lúa dự kiến cả năm đạt trên 43 triệu tấn, ngoài đảm bảo an ninh lương thực trong nước, chế biến, làm giống, chăn nuôi, Việt Nam có thể xuất khẩu trên 7,5 triệu tấn gạo trong năm 2023.

Giá gạo tăng từng ngày, có thời điểm đứng đầu thế giới - 2

Nông dân miền Tây đang thu hoạch lúa (Ảnh: Bảo Trân).

Theo ước tính của các cơ quan liên Bộ, đến hết tháng 7 năm nay, Việt Nam ước xuất khẩu 4,83 triệu tấn gạo, trị giá 2,58 tỷ USD, tăng 18,7% về lượng và tăng 29.6% về trị giá so với cùng kỳ. Cơ cấu chủng loại gạo xuất khẩu đi đúng định hướng, gia tăng giá trị cho hạt gạo với các chủng loại gạo như: gạo thơm, gạo nếp, gạo trắng cao cấp,…

Như vậy, lượng gạo hàng hóa sản xuất phục vụ cho 5 tháng cuối năm còn khoảng 2,66 - 2,67 triệu tấn (chưa kể lượng thóc, gạo nhập khẩu từ Campuchia về để phục vụ chế biến).

Cũng tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã nhấn mạnh các nhiệm vụ chính cần các Bộ, ngành, địa phương, hiệp hội và thương nhân tích cực phối hợp với Bộ Công Thương cùng triển khai.

Điều này để đảm bảo tiêu thụ thóc, gạo, hàng hóa với giá có lợi cho người nông dân; duy trì mức dự trữ lưu thông tối thiểu theo quy định; cân đối xuất khẩu và tiêu dùng nội địa, góp phần bình ổn giá thóc, gạo trong nước và tạo thuận lợi giao thương, đảm bảo xuất khẩu có hiệu quả.

Các đại biểu là đại diện các Bộ, ngành, địa phương và hiệp hội, thương nhân cũng sẽ thông qua báo cáo, trao đổi, rà soát, đánh giá yếu tố bất lợi từ El Nino tác động đến tình hình sản xuất, sản lượng thóc, gạo hàng hóa phục vụ nhu cầu nội địa đến cuối năm cũng như nhận định nhu cầu thị trường...