ĐBSCL:

Giá dứa tăng cao, nông dân thu lãi lớn

(Dân trí) - Thời gian gần đây, khóm (dứa) ở các tỉnh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long được thương lái thu mua với giá cao, ổn định nên nông dân có lãi lớn. Bình quân sau khi trừ chi phí, nông dân trồng khóm có lãi trên 80 triệu đồng/ha.

Hiện tại, ở vùng Tân Phước (Tiền Giang) thương lái thu mua xô ngay tại ruộng (không phân biệt lớn nhỏ) với giá khoảng 8.500 đồng/kg (cao gần bằng đỉnh điểm cuối năm 2015).

Ông Nguyễn Văn Vạn, nông dân trồng khóm ở xã Mỹ Phước, huyện Tân Phước cho biết: “Gần đây, giá khóm thu mua tại ruộng khóm được các thương lái đẩy lên mức 8.000 - 9.000 đồng/ka (tùy theo loại), còn khóm dạng xô cũng được thương lái thu mua với giá 8.500 đồng/kg. Đây là giá khóm cao nhất trong vòng 10 năm qua và bằng với mức giá đỉnh điểm vào tháng 10 năm ngoái.

Nông dân Tân Phước (Tiền Giang) thu hoạch khóm bán cho thương lái
Nông dân Tân Phước (Tiền Giang) thu hoạch khóm bán cho thương lái

Theo ông Vạn, nguyên nhân khiến giá khóm tăng cao như hiện nay là do đợt hạn mặn vừa qua làm cho năng suất khóm giảm, nhiều diện tích khóm già cõi phải trồng lại nên sản lượng khóm cung cấp cho thị trường chưa nhiều. Trong khi đó sức tiêu thụ khóm trên thị trường đang tăng do nhu cầu tiêu dùng trong nước và khóm nguyên liệu phục vụ chế biến xuất khẩu tăng.

Tại vùng nguyên liệu khóm Cầu Đúc (TP Vị Thanh, Hậu Giang), giá khóm được thương lái thu mua cũng khá cao. Hiện tại khóm loại 1 (trên 1 kg/quả) được thương lái thu mua với giá từ 11 đến 12 ngàn đồng/quả. Tính trung bình giá khóm loại 1 cũng có giá hơn 9.000 đồng/kg. Nông dân Nguyễn Thị Lệ Hằng, trồng 6 công khóm ở xã Hỏa Tiến (TP Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang) cho biết: “Khóm tăng cao nhưng sản lượng không nhiều do ảnh hưởng của đợt hạn mặn vừa rồi. Tuy nhiên, với giá như hiện nay nông dân cũng sống khỏe với nghề trồng khóm ở vùng đất phèn này”.

Nông dân Hậu Giang phấn khởi vì khóm được giá cao
Nông dân Hậu Giang phấn khởi vì khóm được giá cao

Theo tính toán của một số nông dân trồng khóm, với giá khóm thời điểm này và năng suất khóm bình quân khoảng 15-20 tấn/ha, sau khi trừ chi phí chăm sóc, phân bón…, nông dân có khóm thu hoạch có thể lãi không dưới 80 triệu đồng/ha.

Tuy nhiên, không phải tất cả nông dân trồng khóm đều được hưởng lợi từ giá khóm cao hiện nay do một số ruộng khóm cho lưa thưa trái, sản lượng khóm thấp. Dự báo trong thời gian tới giá khóm còn có thể tiếp tục tăng do nguồn cung khóm chưa có dấu hiệu tăng trở lại.

Ông Nguyễn Văn Dũng, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Mỹ Phước, huyện Tân Phước cho biết: “Hiện nay, diện tích trồng khóm của xã đạt gần 2.700 ha, chủ yếu trồng khóm Queen và nông dân trồng khóm đang hướng tới VietGAP. Những năm gần đây, giá khóm tăng cao, nông dân trồng phấn khởi và tỷ lệ hộ nghèo trong hội viên nông dân ngày càng giảm”.

Do hiệu quả kinh tế khá cao, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, từ lâu cây khóm Tân Phước đã được tỉnh xác định là cây ăn trái chính để phát triển kinh tế và đã được tỉnh đăng ký bảo hộ độc quyền chỉ dẫn địa lý, nhờ vậy diện tích trồng khóm ở địa phương này gia tăng theo từng năm.

Theo Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Tân Phước, hiện nay tổng diện tích trồng khóm của huyện đạt khoảng 16.350 ha, tập trung nhiều nhất ở các xã Mỹ Phước, Thạnh Mỹ, Hưng Thạnh, Thạnh Tân, Thạnh Hòa, Tân Hòa Đông, Tân Lập 1, Tân Lập 2 và Phước Lập.


Khóm không chỉ tiêu thụ ở thị trường nội địa mà còn được chế biến xuất khẩu

Khóm không chỉ tiêu thụ ở thị trường nội địa mà còn được chế biến xuất khẩu

Hiện nay, huyện Tân Phước đã xây dựng được 1 mô hình nhóm nông dân sản xuất khóm của HTX Quyết Thắng đạt chứng nhận VietGAP lần 1 vào năm 2009 với quy mô 30 ha và đạt chứng nhận VietGAP lần 2 vào năm 2013 với quy mô 37 ha (sản lượng 50 tấn/tháng). Đây là điều kiện để xây dựng thương hiệu khóm Tân Phước, giúp xây khóm ở địa phương này phát triển hiệu quả và bền vững.

Trong khi đó, khóm Cầu Đúc cũng là một trong 10 cây trồng chủ lực được tỉnh Hậu Giang xây dựng thương hiệu. Ông Nguyễn Văn Đồng, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Hậu Giang, cho biết: “Hiện toàn tỉnh có khoảng 1.500 ha khóm (chủ yếu là khóm Cầu Đúc), tập trung ở các xã vùng ven của thành phố Vị Thanh và huyện Long Mỹ. Địa phương đang hỗ trợ kỹ thuật, xây dựng thương hiệu, tìm thị trường tiêu thụ để giúp người trồng khóm thu nhập ngày càng ổn định”.

Dự kiến trong thời gian tới, diện tích khóm của tỉnh Hậu Giang sẽ được nông dân mở rộng lên từ 2.000 - 3.000 ha chủ yếu ở những khu vực trồng cây ăn trái, lúa kém hiệu quả; đất phèn, mặn.

Minh Giang – Thành Công