Giá dự kiến niêm yết là mức giá nào?

Quy định giá chào sàn của cổ phiếu (CP) niêm yết không được vượt quá 20% so với giá dự kiến vừa được Trung tâm giao dịch chứng khoán TP.HCM ban hành đang làm cho các nhà đầu tư (NĐT) và các công ty chuẩn bị niêm yết xôn xao. Điểm gây xôn xao nhất không phải là biên độ 20% mà là mức giá dự kiến là mức giá nào?

Theo thông tin mà Thanh Niên nhận được, một số nhà đầu tư (NĐT) hiểu mức giá dự kiến này là giá dự kiến khởi điểm của các doanh nghiệp cổ phần hóa đem ra phát hành lần đầu; một số NĐT thì hiểu mức giá dự kiến này là mức giá đấu thành công bình quân trong đợt phát hành đầu tiên và biên độ 20% sẽ xoay quanh mức giá này. Chính vì cách hiểu này khiến nhiều NĐT trở nên lo lắng vì rất nhiều người đã mua CP trên thị trường OTC với mức giá cao hơn khá nhiều so với mức giá khởi điểm của cuộc đấu giá và cũng cao hơn nhiều so với mức giá đấu bình quân (đều vượt biên độ 20%). Với cách hiểu giá dự kiến như trên, tại phiên giao dịch đầu tiên khi doanh nghiệp niêm yết, NĐT chỉ có khả năng bán với giá tối đa thấp hơn cả mức giá mà họ đã mua trên thị trường OTC.

Tổng giám đốc một công ty chuẩn bị đấu giá CP cho biết: "Việc NĐT hiểu sai về mức giá dự kiến sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới tất cả các đợt đấu giá sắp tới của các công ty cổ phần". Chuyên viên phân tích của một công ty chứng khoán lớn có trụ sở tại TP Hồ Chí Minh nói: "Nếu bị hiểu sai mức giá dự kiến là mức giá khởi điểm đưa ra tại buổi đấu giá thì các NĐT sẽ chỉ bỏ mức giá đấu chênh lệch không đáng kể so với mức giá khởi điểm. Đây là chưa kể đến việc họ lại hiểu sai rằng, giá khi lên sàn cũng không được vượt quá 20% mức giá khởi điểm khi đấu giá thì với tình hình thị trường hiện nay, giá của các CP được đấu giá chỉ có khả năng giảm sau phiên đấu giá".

Vị chuyên viên này cũng nói thêm, hiểu giá dự kiến khi lên sàn là mức giá đấu thành công bình quân trong đợt phát hành lần đầu (IPO) cũng sai. Trong trường hợp hiểu sai này, giá CP của các công ty đấu giá cũng không có triển vọng tốt bởi thời gian từ lúc đấu giá đến lúc lên sàn cách nhau nhiều tháng mà biên độ 20% thì không phải là một biên độ hấp dẫn cho NĐT với rủi ro là khoảng thời gian dài như vậy. Ông này kết luận: "Cần có giải thích từ cả phía các cơ quan quản lý và các công ty tư vấn để các khách hàng hiểu rõ hơn về việc xác định mức giá dự kiến khi lên sàn nhằm giúp NĐT không bị hoang mang và các công ty chuẩn bị phát hành lần đầu không bị ảnh hưởng lớn".

Trao đổi với Thanh Niên, đại diện của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) cho biết về mức giá dự kiến: "Thông thường tại các TTCK khác, các công ty tiến hành IPO và niêm yết luôn nên mức giá IPO cũng là mức giá tham chiếu cho phiên giao dịch đầu tiên. Tuy nhiên, tại Việt Nam, việc phát hành lần đầu và niêm yết trên TTCK có một khoảng thời gian khá dài nên giá dự kiến của phiên giao dịch đầu tiên sẽ khác. Mức giá dự kiến này không phải là mức giá khởi điểm mà các doanh nghiệp cổ phần hóa đưa ra trong đợt đấu giá CP lần đầu, cũng không phải là mức giá đấu thành công trong đợt phát hành lần đầu. Mức giá dự kiến trong phiên giao dịch đầu tiên của doanh nghiệp niêm yết là mức giá do tổ chức tư vấn và tổ chức niêm yết xác định".

Vị đại diện của UBCKNN cũng cho biết, trong bản cáo bạch thì mức giá dự kiến này sẽ không được nêu cụ thể vì thời gian của việc làm, xét duyệt hồ sơ và ngày giao dịch đầu tiên của doanh nghiệp niêm yết cách nhau khá dài. Trong bản cáo bạch, công ty niêm yết và công ty chứng khoán tư vấn chỉ cần nêu ra phương pháp xác định giá dự kiến và những căn cứ cho việc xác định mức giá dự kiến đó.

Theo Hoàng Ly
Thanh niên

Dòng sự kiện: 20percent