Giá điện sắp tăng
(Dân trí) - Trong khi Biểu giá bán lẻ điện mới chưa được áp dụng, liên Bộ Công thương - Tài chính đang xem xét các thông số để kiến nghị mức điều chỉnh. 6 tháng cuối năm, EVN dự kiến phải huy động khoảng 199 triệu kWh nhiệt điện chạy dầu.
Trả lời câu hỏi của PV Dân trí tại phiên họp báo thường kỳ chiều 1/7/2013, ông Đinh Thế Phúc, Phó Cục trưởng Cục điều tiết điện lực (Bộ Công thương) cho biết, hiện tại, việc điều chỉnh giá điện vẫn đang thực hiện theo Quyết định 24 ngày 15/4/2011 của Thủ tướng Chính phủ.
Theo đó, giá điện được điều chỉnh khi các thông số đầu vào cơ bản bao gồm giá nhiên liệu, tỉ giá cũng như các yếu tố khác biến động tăng từ 2-5% và trong khung giá quy định thì Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) được phép điều chỉnh tăng tương ứng sau khi Bộ Công thương chấp thuận.
Nếu biên độ tăng của các thông số đầu vào trên 5% hoặc mức giá bán lẻ điện bình quân tính toán sau điều chỉnh ngoài phạm vi khung giá quy định thì EVN báo cáo Bộ Công thương và gửi Bộ Tài chính thẩm định, sau đó trình Thủ tướng quyết định. Điều này yêu cầu EVN phải có báo cáo tài chính qua kiểm toán.
Họp báo thường kỳ Bộ Công thương ngày 1/7/2013 (ảnh: BD).
Lãnh đạo Cục điều tiết điện lực cho biết, đến nay, EVN đã có báo cáo Kiểm toán 2012. Căn cứ vào các số liệu báo cáo cùng với tác động từ việc tăng giá bán than cho điện hồi tháng 4 vừa qua, Bộ Công thương và Bộ Tài chính đang rà soát, xem xét về khả năng điều chỉnh giá điện. Sau khi rà soát, liên Bộ sẽ có đề xuất lên Chính phủ.
Ông Phúc cũng lưu ý, quyết định điều chỉnh phải căn cứ dựa trên nhiều yếu tố, tuỳ vào từng thời điểm, điều chỉnh ở mức độ bao nhiêu để đảm bảo mục tiêu lạm phát cũng như các mục tiêu phát triển xã hội của cả nước.
Mối lo ngại tăng giá điện dấy lên giữa bối cảnh lạm phát đã điều chỉnh xuống thấp và tạo dư địa nới lỏng chính sách. Theo tính toán của Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế-xã hội Quốc gia thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nếu giá điện tăng 1% sẽ tác động làm tăng CPI thêm 0,07% (trong đó 0,04% tăng do ảnh hưởng trực tiếp và 0,03% do ảnh hưởng gián tiếp).
Và trên cơ sở đó, Uỷ ban Giám sát tài chính quốc gia cho rằng, giá điện có thể điều chỉnh trong phạm vi 10-15% (bao gồm cả điều chỉnh tiếp giá than bán cho điện).
Trong dự kiến của EVN, 6 tháng cuối năm 2013, nhu cầu dùng điện của cả nước tiếp tục tăng cao, trong khi một số thời điểm hệ thống bị thiếu hụt nguồn nhiệt điện do bị ngừng cung cấp khí (một số ngày trong tháng 7 và tháng 9), Tập đoàn sẽ tính toán huy động các nguồn điện giá cao để bù đắp, hệ thống phải huy động khoảng 199 triệu kWh nhiệt điện chạy dầu.
Điều này cũng đồng nghĩa với việc giá thành điện sẽ bị đẩy lên cao, tạo áp lực lớn hơn đến giá bán điện.
Chưa áp dụng Biểu giá bán lẻ điện mới
Về Dự thảo lần 3 cơ cấu Biểu giá điện bán lẻ mới, dự kiến có hiệu lực từ 1/7, ông Phúc cho biết, tới thời điểm hiện tại, dự thảo này vẫn đang trong quá trình lấy ý kiến, sau đó sẽ trình Chính phủ xem xét, phê duyệt.
Dự thảo có một số thay đổi, trong đó tại giá bán lẻ điện sinh hoạt, hai bậc thang thứ 3 (101 - 150 kWh) và thứ 4 (151 - 200 kWh) được gộp thành một bậc duy nhất và rút gọm biểu giá điện sinh hoạt xuống còn 6 bậc thay vì 7 bậc như hiện nay.
Theo cách tính này, chi phí sử dụng điện tại khoảng 101-150 kWh, mỗi gia đình sẽ phải trả thêm 7 - 157 đồng/kWh.
Ngoài ra, dự thảo cũng đưa ra biểu giá bán điện riêng cho hai ngành sắt thép, xi măng. Giá bán cho nhóm khách hàng này sẽ cao hơn so với các ngành sản xuất khác từ 6 - 10% với cùng cấp điện áp 110 kV trở lên.
Lý giải về đề xuất này trong dự thảo, ông Phúc cho biết, do hai ngành này chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu sử dụng điện (trong năm 2012 chiếm 11,5% tổng tiêu thụ điện thương phẩm). Trong số này, nhiều nhà máy còn duy trì sử dụng công nghệ cũ, tiêu tốn điện năng. Do vậy, việc quy định giá bán điện cao hơn là để thúc đẩy các doanh nghiệp cải tiến công nghệ, nâng cao hiệu suất sử dụng năng lượng.
Lãnh đạo Cục Điều tiết điện lực cũng lưu ý, đây mới chỉ là ý tưởng chứ chưa phải quy định là chính thức. Trong quá trình lấy ý kiến, Bộ Công thương sẽ tiếp thu ý kiến để điều chỉnh phù hợp hơn.
Bích Diệp