Giá dịch vụ cảng biển Việt Nam “thua xa” Campuchia
(Dân trí) - Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Công cho biết: Giá dịch vụ tại cảng biển Việt Nam hiện vẫn có khoảng cách khá xa so với giá dịch vụ cảng biển trong khu vực, đặc biệt là Campuchia.
Theo Thông tư 54/2018 của Bộ Giao thông vận tải (GTVT) về biểu khung giá dịch vụ hoa tiêu, dịch vụ sử dụng cầu, bến, phao neo, dịch vụ bốc dỡ container và dịch vụ lai dắt tại cảng biển Việt Nam, hiện giá bốc xếp container xuất nhập khẩu tại cảng nước sâu của Việt Nam rất thấp.
Ông Nguyễn Văn Công - Thứ trưởng Bộ GTVT - đưa ra so sánh với các cảng ở nước ngoài như Hongkong, Singapore hay Malaysia, Trung Quốc, Singapore cho thấy giá bốc xếp ở Việt Nam chỉ bằng 45 - 80%, thậm chí thấp hơn giá dịch vụ cảng Phompenh (Campuchia) - một cảng sông với mức đầu tư không lớn. Hiện Thái Lan đang thu 59 USD/cont20’, 91 USD/cont40’, Campuchia 65 USD/cont20’, 99 USD/cont40’, Singapore 111 USD/cont20’, 159 USD/cont40’.
Ông Phạm Quốc Long - Chi hội Chủ tàu container Việt Nam - cho biết: Việc tăng giá bốc xếp container không làm tăng tổng chi phí logistics và chỉ số tiêu dùng Việt Nam.
“Trên thị trường, gần như 100% hàng hóa xuất nhập khẩu bằng container đi và đến Việt Nam đều do các hãng tàu nước ngoài đảm nhận. Các hãng tàu hoạt động theo tuyến và lịch tàu cố định ký hợp đồng trả phí bốc xếp cho cảng, họ đang thu khách hàng khoản phụ phí xếp dỡ hàng hóa khoảng 120 USD” - ông Long nói.
Cũng theo Chi hội Chủ tàu container, với quy định giá sàn hiện tại, vì cạnh tranh lẫn nhau nên các cảng hầu hết đều đang thu các hãng tàu nước ngoài với giá sàn. Đây là lí do mỗi năm các hãng tàu đã hưởng phần chênh lệch phí xếp dỡ cả tỷ USD, trong khi các doanh nghiệp Việt Nam phải chịu thiệt thòi rất lớn.
Các doanh nghiệp cảng biển Việt Nam đã đề xuất 2 phương án điều chỉnh giá dịch vụ bốc dỡ container đối với cảng biển.
Phương án 1: Điều chỉnh giá dịch vụ lên 10%, từ 33 USD/cont’ 20 feet, 50 USD/cont’ 40 feet lên 36 USD/cont’ 20 feet, 55 USD/cont’ 40 feet, 63 USD/cont40 feet, giá shipside bằng 90% giá CY. Thời gian thực hiện từ 01/01/2021.
Phương án 2: Tiếp tục tăng 10% năm 2022 (40 USD/cont’ 20 feet, 61 USD/cont’ 40 feet, 69 USD/cont trên 40 feet) và 10% năm 2023 (44 USD/cont’ 20 feet, 67 USD/cont’ 40 feet, 76 USD/cont trên 40 feet). Giá shipside bằng 90% giá CY. Phương án tăng 10% giá dịch vụ, DN đề xuất áp dụng cả với khu vực 2 và khu vực 3.
Đối với khung giá dịch vụ bốc dỡ container xuất - nhập khẩu khu vực Lạch Huyện và Cái Mép - Thị Vải, các doanh nghiệp cảng biển cũng đề xuất 2 phương án tăng giá.
Phương án 1: Tăng 10% giá dịch vụ, từ 52 - 60 USD/cont’ 20 feet lên 57 - 66 USD/cont’ 20 feet; container 40 feet tăng từ khung 77 - 88 USD lên 85 - 97 USD. Container trên 40 feet tăng từ 85 - 98 USD lên 94 - 108 USD. Thời gian áp dụng từ 01/01/2021.
Phương án 2: Tăng 10% năm 2022 (63 - 73 USD/cont’ 20 feet; container 40 feet 93 - 107 USD. Container trên 40 feet 103 - 119 USD) và 10% năm 2023 (69 - 80 USD/cont’ 20 feet; container 40 feet 102 - 118 USD, container trên 40 feet 113 - 131 USD).
Đề cập tới việc điều chỉnh giá dịch vụ cảng biển, Thứ trưởng Nguyễn Văn Công cho rằng đây là việc cần thiết để đảm bảo quyền lợi cho doanh nghiệp.
“Mục tiêu đến năm 2025, giá xếp dỡ container xuất-nhập khẩu tại cảng biển Việt Nam cần phải bằng 60 - 70% so với giá xếp dỡ trong khu vực. Sau 2025, phải tiệm cận bằng giá dịch vụ trong khu vực, ít nhất bằng Campuchia” - Thứ trưởng cho hay.
Lãnh đạo Bộ GTVT đề nghị Cục Hàng hải Việt Nam phải tiếp tục nghiên cứu đề xuất của doanh nghiệp để hình thành được một khung giá hợp lý nhất, đảm bảo cho doanh nghiệp tăng được nguồn thu để tái đầu tư, nâng cấp hạ tầng.
Đối với khung giá dịch vụ đối với hành khách thông qua cảng tàu khách chuyên dụng, Thứ trưởng Bộ GTVT nhấn mạn: Nếu các doanh nghiệp muốn đề xuất tăng mức giá tối đa lên hơn 5 USD/hành khách, doanh nghiệp phải đảm bảo chất lượng dịch vụ tương đồng với giá dịch vụ thu về.