1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Giá dầu vọt lên trên 111 USD/thùng khi Mỹ tăng mua dự trữ

Nhật Linh

(Dân trí) - Giá dầu đã vọt lên mức cao nhất kể từ cuối tháng 3 sau khi một báo cáo cho thấy Mỹ có kế hoạch mua vào để bổ sung cho lượng dầu thô dự trữ khẩn cấp.

Giá dầu vọt lên trên 111 USD/thùng khi Mỹ tăng mua dự trữ - 1

Giá dầu tăng lên mức cao nhất trong tháng 3 khi chính quyền Biden có kế hoạch mua thêm 60 triệu thùng dầu dự trữ khẩn cấp (Ảnh: Reuters).

Trên trang oilprice.com lúc 13h30 chiều nay, giá dầu WTI giao ngay đang giao dịch ở mức 108,8 USD/thùng. Dầu Brent giao ngay cũng tăng lên 111,5 USD/thùng, nhích nhẹ so với chốt phiên hôm qua.

Trong phiên hôm qua tại thị trường Mỹ, giá dầu WTI có lúc tăng hơn 3% vượt mức 111 USD/thùng. Dầu Brent cũng tăng 3% lên mức 113,45 USD/thùng.

Giá dầu tăng vọt sau khi CNN dẫn lời một quan chức của Bộ Năng lượng Mỹ cho biết, chính quyền Biden có kế hoạch mua vào 60 triệu thùng dầu, bước đầu tiên trong quá trình bổ sung kho dự trữ khẩn cấp kéo dài nhiều năm của nước này.

Giá dầu cũng được hỗ trợ khi OPEC+ quyết định hạn chế mức tăng sản lượng sau khi Liên minh châu Âu đề xuất cấm vận dầu Nga.

Giá dầu đã tăng hơn 40% trong năm nay khi cuộc chiến tại Ukraine làm gián đoạn dòng chảy của dầu, lạm phát gia tăng và các ngân hàng trung ương bắt đầu chính sách thắt chặt tiền tệ. Tuy nhiên, đồng USD cao hơn là một trở ngại đối với dầu thô sau khi Fed nâng lãi suất lên mức cao nhất kể từ năm 2000.

Trong khi đó, tại châu Âu, giới chức khối này cho biết trong tuần này EU sẽ cấm vận dầu Nga trong vòng 6 tháng tới và cấm các nhiên liệu của Nga vào cuối năm nay nhằm gia tăng sức ép đối với Tổng thống Nga Vladimir Putin về cuộc chiến tại Ukraine.

EU cũng đang nhắm mục tiêu vào các công ty bảo hiểm nhằm làm suy yếu khả năng vận chuyển dầu đi khắp thế giới của Moscow.

Hiện tại, xuất khẩu dầu của Nga vẫn đang xuất đi với tốc độ kỷ lục khi Moscow chuyển hướng sang các thị trường khác, đặc biệt là châu Á.

Theo các nhà ngoại giao, EU đặt mục tiêu quyết định ban hành gói trừng phạt này vào cuối tuần này hoặc muộn nhất là 9/5. Để có được sự đồng thuận của các thành viên trong khối, EU cần phải giải quyết được mối lo ngại của Hungary và Slovakia về thời gian loại bỏ cũng như băn khoăn của Hy Lạp về việc cấm vận chuyển dầu giữa các nước thứ 3.

Đối với OPEC+, trên danh nghĩa nhóm này sẽ tăng sản lượng thêm 432.000 thùng/ngày cho đến tháng 6, nhưng thực tế OPEC chỉ tăng 10.000 thùng/ngày trong tháng 4. Điều này cho thấy nhóm này đang gặp khó khăn trong việc nâng sản lượng như kế hoạch.

Với khả năng nguồn cung sẽ còn bị hạn chế, thị trường dầu vẫn trong tình trạng được hỗ trợ và tăng giá trong ngắn hạn.

Theo Bloomberg