1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Giá dầu tăng vọt khi EU đề xuất loại bỏ dầu Nga trong 6 tháng

Nhật Linh

(Dân trí) - Giá dầu thế giới chiều nay đồng loạt tăng vọt sau khi Liên minh châu Âu công bố đề xuất cấm vận dầu Nga.

Giá dầu tăng vọt khi EU đề xuất loại bỏ dầu Nga trong 6 tháng - 1

Giá dầu thế giới chiều nay đồng loạt tăng vọt sau khi Liên minh châu Âu công bố đề xuất cấm vận dầu Nga (Ảnh: Getty).

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen vừa đề xuất lệnh cấm vận đối với dầu thô nhập khẩu từ Nga, bao gồm nhập khẩu qua đường biển lẫn qua đường ống, trong vòng 6 tháng, với việc loại bỏ dần các sản phẩm dầu vào cuối năm nay. Kế hoạch này nằm trong gói trừng phạt thứ 6 của EU đối với hoạt động quân sự của Moscow tại Ukraine.

Cùng với lệnh cấm dầu mỏ, bà Von der Leyen cũng đề xuất loại bỏ ngân hàng lớn nhất Nga - Sberbank - và 2 ngân hàng lớn khác của nước này khỏi hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT.

Ngay sau khi thông tin này được đưa ra, giá dầu WTI giao tháng 6 tăng vọt 3,82 USD, tương đương 3,9%, lên mức 106,31 USD/thùng. Dầu Brent cũng tăng 3,64 USD, tương đương 3%, lên mức 108,65 USD/thùng.

Trước đó, đóng cửa phiên giao dịch ngày 3/5 tại thị trường Mỹ, dầu WTI giao dịch ở mức 102,41 USD/thùng, giảm 2,6%. Trong khi dầu Brent cũng giảm 2,4%, chốt phiên ở mức 104,97 USD/thùng.

Tuy nhiên, giá khí đốt giao tháng 6 giảm nhẹ 0,3% xuống còn 7,93 USD/triệu BTU (đơn vị nhiệt Anh), sau khi tăng lên mức 8,14 USD/triệu BTU, cao nhất trong hơn 13 năm qua.

Giá xăng giao tháng 6 tại Mỹ cũng tăng 2,5% lên mức 3,589 USD/gallon.

Các nhà giao dịch đang có những quan điểm trái chiều rằng liệu lệnh cấm vận dầu mỏ của EU có thể thực hiện được không, mặc dù tuần trước nền kinh tế lớn nhất châu Âu là Đức đã tuyên bố từ bỏ phản đối lệnh cấm này.

"Nga đang cung cấp khoảng 1/4 lượng dầu nhập khẩu của EU. Trong đó, Đức là khách hàng lớn nhất. Năm ngoái nền kinh tế lớn nhất châu Âu này nhập khoảng 1/3 lượng dầu từ Nga. Do đó, động thái này có thể tạo ra một số khó khăn đối với nền kinh tế châu Âu, đặc biệt là Đức, làm giá tăng cao hơn và làm trầm trọng hơn vấn đề lạm phát", bà Victoria Scholar, trưởng bộ phận đầu tư tại Interactive investor - một nền tảng đầu tư tại Anh - nêu trong lưu ý với khách hàng.

"Do đó, Ngân hàng Trung ương châu Âu sẽ theo dõi chặt chẽ các kỳ vọng thị trường đối với việc nâng lãi suất có khả năng xảy ra trong tương lai", bà nói.

Các nhà đầu tư cũng sẽ dõi theo quyết định của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) trong cuộc họp hôm nay, với kỳ vọng Fed sẽ tăng lãi suất khoảng 50 điểm cơ bản, mức tăng lớn nhất trong hơn 20 năm. Các thị trường cũng đang hy vọng Fed sẽ có được sự cân bằng phù hợp và không gây suy thoái cho nền kinh tế, điều sẽ làm sụt giảm nhu cầu đối với dầu thô.

Ngoài ra, giới đầu tư năng lượng cũng đang lo ngại về số ca lây nhiễm Covid-19 gia tăng ở Trung Quốc dẫn đến tình trạng phong tỏa kéo dài. Bởi Trung Quốc là nhà nhập khẩu năng lượng lớn nhất thế giới.

Theo Market Watch