"Ghế nóng" Chủ tịch EVN đã có chủ

(Dân trí) - Theo quyết định bổ nhiệm của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, ông Hoàng Quốc Vượng thôi giữ chức Thứ trưởng Bộ Công thương để nhận chức vụ mới là Chủ tịch HĐTV EVN kể từ ngày 14/9.

Thứ truởng Bộ Công thương giữa chức Chủ tịch EVN
Tại Bộ Công thương, ông Hoàng Quốc Vượng là người tham gia cùng Bộ trưởng chỉ đạo thực hiện quản lý nhà nước đối với EVN.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng ngày 14/9 đã ký quyết định bổ nhiệm ông Hoàng Quốc Vượng giữ chức Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).

Theo đó, ông Hoàng Quốc Vượng thôi giữ chức Thứ trưởng Bộ Công Thương, để giữ chức Chủ tịch Hội đồng thành viên EVN. Với cương vị mới, ông Hoàng Quốc Vượng vẫn được giữ nguyên chế độ phụ cấp chức vụ lãnh đạo hệ số 1,3.

Thông tin ông Hoàng Quốc Vượng sẽ nắm giữ chức vụ Chủ tịch EVN từng được đưa ra thảo luận tại phiên họp báo Chính phủ thường kỳ diễn ra chiều 31/7. Trả lời báo giới, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam khẳng định, việc lựa chọn người đứng đầu Tập đoàn nhà nước là rất quan trọng với cả ngành và người đang giữ chức vụ trong cơ quan quản lý Nhà nước được chọn sang giữ chức Chủ tịch EVN là điều hết sức bình thường.

Trước đó, tại Bộ Công thương, nguyên Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng có nhiệm vụ giúp Bộ trưởng, thay mặt Bộ trực tiếp chỉ đạo ngành điện, trực tiếp chỉ đạo Cục Điều tiết điện lực, Cục Công nghiệp địa phương, Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp.

Ông cũng chính là người tham gia cùng Bộ trưởng chỉ đạo thực hiện quản lý nhà nước đối với Tập đoàn Điện lực Việt Nam.

Như vậy chiếc "ghế trống" của nguyên Chủ tịch Hội đồng Thành viên EVN, ông Đào Văn Hưng để lại sau khi bị miễn nhiệm đã có người thay thế. Nguyên nhân bị thôi chức của ông Hưng được cho biết do công tác điều hành kém.

Dưới thời ông Đào Văn Hưng, EVN hoạt động trong nhiều lĩnh vực chưa thật hiệu quả, mà đơn cử là những yếu kém trong kinh doanh, sản xuất của EVN Telecom.

Theo thông tin từ EVN, tính đến 31/12/2011, tổng số chênh lệch tỷ giá đã qua kiểm toán của Tập đoàn này là 26.000 tỷ và khoản chênh lệch nà phải phân bổ dần vào giai đoạn 2012-2015. Bình quân mỗi năm, riêng lỗ chênh lệch tỷ giá phân bổ vào giá điện là 6.600 tỷ đồng. Ngoài ra, riêng kinh doanh điện năm 2010, EVN lỗ hơn 11.000 tỷ đồng (nhờ các hoạt động kinh doanh ngoài ngành nên giảm lỗ còn 8.000 tỷ đồng).

Hồi cuối năm ngoái, Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng cho biết, các khoản lỗ này của EVN sẽ được hạch toán vào giá điện trong những lần điều chỉnh.

Bích Diệp