Genco 1, Genco 2, Genco 3 chỉ cổ phần hóa được khoảng 1%

Mỹ Tâm

(Dân trí) - Cổ phần hóa chậm một phần do bối cảnh thị trường tài chính trong nước. Bên cạnh đó, đặc thù doanh nghiệp cổ phần hóa là hầu hết khó khăn hoặc là đơn vị lớn...

Phát biểu trước Quốc hội chiều 6/11, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nói những ý kiến của các bộ trưởng, đại biểu gợi mở cho Chính phủ nhiều giải pháp có ý nghĩa trong điều hành thời gian tới.

Về vấn đề tái cơ cấu nền kinh tế, Phó Thủ tướng nói nước ta có nền kinh tế đang phát triển, chuyển đổi, xuất phát điểm thấp, độ mở lớn, sức chống chịu có hạn đối với những tác động từ bên ngoài và sức cạnh tranh còn hạn chế.

Quốc hội cũng đã có Nghị quyết số 31 về kế hoạch cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2021-2025 và căn cứ Nghị quyết này, Chính phủ đã có Nghị quyết số 54. Tháng 4/2022, Chính phủ cũng đã ban hành chương trình hành động thực hiện Nghị quyết này và báo cáo với Quốc hội 14 mục tiêu và 102 nhiệm vụ.

Lãnh đạo Chính phủ nói đây là chương trình 5 năm, trong đó mới thực hiện 2 năm nên cũng chưa hoàn thành toàn bộ. Nhiều mục tiêu và chính sách đã được phát huy tác dụng như tạo dư địa cho chính sách tài khóa, tiền tệ sử dụng linh hoạt góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng trong thời gian qua.

Các thị trường tiếp tục được phát triển như thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp. Thời gian qua, Bộ Tài chính cũng đã khai trương sàn giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ. Với thị trường chứng khoán, chúng ta cũng phấn đấu tiến lên thị trường mới nổi… Nhiều mục tiêu khác như hạ tầng, xây dựng, nhiều dự án cao tốc đưa vào vận hành và có hiệu quả.

Tuy nhiên, còn một số chỉ tiêu chưa đạt và cần phấn đấu trong thời gian tới như tăng năng suất lao động, tỷ trọng chi cho khoa học công nghệ…

"Trong thời gian tới, Chính phủ sẽ tiếp tục hoàn thiện pháp luật, đẩy mạnh cơ cấu nền kinh tế, thực hiện giải pháp thúc đẩy phát triển doanh nghiệp đổi mới mô hình tăng trưởng các đô thị lớn, cực tăng trưởng, phát triển đồng bộ các loại thị trường", ông nói.

Genco 1, Genco 2, Genco 3 chỉ cổ phần hóa được khoảng 1% - 1

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái trả lời chất vấn nội dung về tái cơ cấu kinh tế, cổ phần hóa, phân bổ ngân sách (Ảnh: Như Ý).

Về phân bổ ngân sách cho văn hóa, giáo dục, Phó Thủ tướng cho biết, kế hoạch ngân sách dành 20% chi cho giáo dục, và thực tế mỗi năm đã dành khoảng 14%.

Chính phủ cũng bố trí 2.000 tỷ đồng tu bổ di tích văn hóa, nhưng nguồn lực chưa đáp ứng nhu cầu, vẫn có tình trạng dàn trải, không dùng hết dự toán. "Chính phủ coi đầu tư những lĩnh vực này là đầu tư cho con người; nên sẽ huy động tối đa nguồn lực xã hội cho giáo dục, văn hóa", ông nói.

Liên quan tới cổ phần hóa, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cũng thừa nhận đang chậm, khi giai đoạn trước thực hiện được 30% kế hoạch, và 10 tháng đầu năm nay kết quả cũng khiêm tốn. Bối cảnh thị trường tài chính trong nước bất ổn đã ảnh hưởng tới cổ phần hóa của các nhà đầu tư.

"Đặc thù doanh nghiệp cổ phần hóa hầu hết khó khăn, hoặc là đơn vị lớn", lãnh đạo Chính phủ nói. Đơn cử, Tổng Công ty Phát điện 1 (Genco 1), Tổng Công ty Phát điện 2 (Genco 2), Tổng Công ty Phát điện 3 (Genco 3) của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) chỉ cổ phần hóa được khoảng 1%. Trình tự thủ tục rất phức tạp nên xảy ra tình trạng chậm trễ.

Về việc kiểm điểm xử lý trách nhiệm cá nhân liên quan đến tiết kiệm, chống lãng phí, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nói Quốc hội cũng đã có giám sát và có Nghị quyết số 74. Sau khi nghị quyết ban hành, Chính phủ đã có chương trình hành động và giao nhiệm vụ cụ thể cho các ngành, cấp. "Đây là việc kiểm điểm tồn tại, hạn chế, việc triển khai đã làm nhưng kết quả chưa như mong muốn", ông  nói.

"Thời gian tới, Chính phủ, thủ tướng chỉ đạo bộ ngành và địa phương có liên quan tiếp tục xử lý nghiêm và xử lý những vi phạm liên quan đến trách nhiệm để tiếp tục nâng cao vai trò thực hiện tiết kiệm chống lãng phí có hiệu quả", Phó Thủ tướng nhấn mạnh.