GDP Việt Nam năm 2020 vượt Singapore: Đừng vội mừng?
(Dân trí) - Theo chuyên gia, sự tăng đột biến về quy mô GDP trong báo cáo do IMF công bố là do điều chỉnh của phương pháp tính toán và sự ghi nhận lại quy mô của nền kinh tế Việt Nam.
Sau khi IMF công bố báo cáo, một số chuyên gia cũng đã lên tiếng cho rằng việc tổ chức này sử dụng số liệu sau đánh giá lại để tính toán GDP Việt Nam là điều bình thường.
Việt Nam là một trong số ít quốc gia được IMF dự báo tăng trưởng dương với mức 1,6% trong năm nay và 6,7% trong năm 2021.
Còn lại ở khu vực Đông Nam Á, hàng loạt các quốc gia được dự báo tăng trưởng âm như: Thái Lan (-7,1%), Malaysia (-6%), Philippines (-8,3), Indonesia (-1,5%) và Singapore (-6%).
Theo dự báo của IMF, GDP của Việt Nam trong năm 2020 có thể đạt hơn 340 tỷ USD, vượt cả Singapore (337 tỷ USD) và Philippines (367 tỷ USD).
GDP bình quân đầu người của Việt Nam được IMF dự báo sẽ đạt 3.497,51 USD (gần 3.500 USD/người), vượt mức GDP bình quân đầu người của Philippines (3.372 USD).
GDP bình quân đầu người của Việt Nam như vậy sẽ đạt vị trí thứ 6 trên 10 quốc gia (vượt trên một bậc và thay thế vào vị trí của Philippines).
“Điều này cho thấy những nỗ lực không ngừng nghỉ của Việt Nam trong suốt 3 thập niên vừa qua về tăng trưởng kinh tế và trong nỗ lực thu hẹp khoảng cách phát triển với các quốc gia trong khu vực”, chuyên gia kinh tế Lê Duy Bình - Giám đốc Economica nói với Dân trí.
Tuy nhiên, theo vị chuyên gia, những con số này cần phải được đọc cùng với một loạt các thông tin khác để có thể đánh giá đúng hơn về kết quả vượt trội này của năm 2020.
Trong báo cáo công bố năm 2019, IMF cho biết, GDP của Việt Nam năm 2019 đạt 260,5 tỷ USD và dự báo năm 2020 đạt 282,4 tỷ USD.
“Dự báo GDP của Việt Nam tăng đột biến, đạt 340 tỷ USD vừa mới công bố của IMF rõ ràng đã được điều chỉnh theo số liệu về thay đổi quy mô GDP mà Tổng Cục Thống kê đã tính toán lại mới đây”, ông Lê Duy Bình nói.
Như vậy, theo vị chuyên gia, sự tăng đột biến này thuần túy là do điều chỉnh của phương pháp tính toán và sự ghi nhận lại quy mô của nền kinh tế Việt Nam.
“Những thông tin như GDP Việt Nam năm 2020 vượt Singapore hay Malaysia cũng cần được đón nhận một cách bình tĩnh hơn. Cũng cần phải đặt các thông tin này bên cạnh một loạt các chỉ số khác như vào cuối năm 2020, GDP bình quân của Singapore được dự báo sẽ đạt mức 58.483 USD/người hay Malaysia đạt mức 10.192 USD/người”, ông Bình nhấn mạnh.
Với tương quan như vậy, theo ông Bình, GDP bình quân đầu người của Việt Nam chúng ta mới chỉ bằng 1/17 của Singapore và 1/3 của Malaysia.
Bên cạnh đó chưa kể đến việc hai quốc gia này liên tục được xếp hạng trong nhóm dẫn đầu trên bảng xếp hạng về môi trường kinh doanh của WB hay năng lực cạnh tranh quốc gia của WEF.
“Những nỗ lực không mệt mỏi của Việt Nam đã khẳng định vị thế kinh tế ngày một lớn hơn của chúng ta trong khu vực.
Tuy nhiên, cũng cần thẳng thắn nhìn nhận thực trạng để có những chiến lược đúng và các hành động bền bỉ để Việt Nam vượt qua ngưỡng quốc gia có mức thu nhập trung bình thấp trong Kế hoạch Phát triển Kinh tế xã hội giai đoạn tới và thực hiện thành công tầm nhìn đến năm 2045”, ông Lê Duy Bình cho biết.
Sau khi IMF công bố báo cáo, một số chuyên gia cũng đã lên tiếng cho rằng, việc tổ chức này sử dụng số liệu sau đánh giá lại để tính toán GDP Việt Nam là điều bình thường, bởi trước đó IMF cũng chính là đơn vị hỗ trợ Tổng cục Thống kê trong việc đánh giá lại nền kinh tế.
Ngoài ra, các chuyên gia cũng cho rằng, GDP và các chỉ số tính toán dựa trên GDP chỉ là một trong rất nhiều tiêu chuẩn để đánh giá tính hấp dẫn của một quốc gia trên phương diện môi trường đầu tư. Thậm chí, sự đột phá không thể đơn thuần chỉ tính bằng quy mô GDP.