GDP sẽ tăng tốt hơn, nhưng lạm phát chưa hết lo
(Dân trí) - Mặc dù lạm phát tâm lý đang ổn định song Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia lo ngại, nếu giá lương thực thực phẩm và giá điện đều tăng đến 10% thì lạm phát tăng thêm khoảng 1,2 điểm % so với 2013.
“Sức khỏe” doanh nghiệp xuống dốc
Trong năm 2013, kinh tế vĩ mô tiếp tục được duy trì ổn định với tỷ lệ lạm phát ở mức thấp, tài khoản vãng lai tiếp tục thặng dư, dự trữ ngoại hối tăng khá, tỷ giá hối đoái ổn định.
Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA: |
Nhờ đó, lòng tin của các nhà đầu tư được củng cố với thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng mạnh, chỉ số CDS ( tín hiệu rủi ro tín nhiệm của một quốc gia) giảm đáng kể, thị trường chứng khoán diễn biến khả quan, xếp hạng năng lực cạnh tranh quốc gia được cải thiện.
Cùng với kết quả ổn định kinh tế vĩ mô, tăng trưởng kinh tế đã chuyển biến theo chiều hướng tích cực, sản xuất công nghiệp có dấu hiệu phục hồi (nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo), số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới gia tăng, kinh doanh bất động sản có sự cải thiện về hiệu quả hoạt động.
Tuy nhiên, theo đánh giá của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia (NFSC), doanh nghiệp vẫn còn khó khăn. Theo đó, năm 2013 là năm đầu tiên kể từ 2009 ghi nhận sự suy giảm rõ nét về quy mô của khu vực doanh nghiệp trên cả 3 phương diện là tổng tài sản, vốn chủ sở hữu và doanh thu.
Tính toán dựa trên báo cáo tài chính của hơn 1.400 doanh nghiệp phi tài chính niêm yết trên hai sàn chứng khoán HNX và HSX và doanh nghiệp đại chúng khác cho thấy, so với cùng kì 2012, trong 9 tháng đầu năm 2013, tổng tài sản bình quân của doanh nghiệp giảm 5,2%, vốn chủ sở hữu bình quân giảm 3,97%, doanh thu bình quân chỉ tăng 3,11% so với cùng kỳ 2012.
Việc tăng phát hành trái phiếu ảnh hưởng gián tiếp đến lạm phát 2014.
Nhiều rủi ro cho mục tiêu kiềm chế lạm phát
Cũng theo NFSC, mục tiêu kiểm soát lạm phát trong năm 2014 được thuận lợi nhờ yếu tố lạm phát tâm lý đang ổn định, xu hướng giảm giá hàng hóa thế giới và điều hành chính sách vẫn tiếp tục quan điểm ổn định kinh tế vĩ mô. Tuy nhiên, so với năm 2013, sức ép lạm phát có thể cao hơn do tăng tổng cầu cũng như việc tăng phát hành trái phiếu có thể gián tiếp ảnh hưởng đến lạm phát.
Theo ước tính của NFSC, yếu tố cầu kéo làm lạm phát tăng thêm khoảng 0,5 điểm % so với 2013.
Trong khi đó, nhu cầu điều chỉnh giá nhóm hàng hóa cơ bản và dịch vụ công do nhà nước quản lý vẫn còn khá lớn và giá lương thực, thực phẩm được dự báo sẽ tăng cao hơn năm 2013 do nguồn cung hạn chế (nhất là đối với mặt hàng gạo và thịt lợn).
Cơ quan này ước tính, nếu giá lương thực thực phẩm và giá điện đều tăng đến 10% thì sẽ khiến lạm phát tăng thêm khoảng 1,2 điểm % so với 2013.
Dự báo tăng trưởng GDP tích cực hơn 2013
NFSC cho rằng, tăng trưởng trong năm 2014 sẽ tích cực hơn so với 2013 nhờ cải thiện về tổng cầu. Tiêu dùng tư nhân dự kiến sẽ cải thiện hơn so với năm 2013.
Thực tế trong tháng 1/2014, doanh số bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng (loại trừ yếu tố giá) đã tăng 5,8% so với cùng kỳ 2013, cao hơn mức tăng của cả năm 2013 (5,6%).
Bên cạnh đó, tổng vốn đầu tư toàn xã hội có điều kiện thuận lợi hơn so với năm 2013 để đạt mức 30% GDP: Đầu tư tư nhân trong nước cải thiện hơn nhờ những biện pháp hỗ trợ sản xuất kinh doanh sẽ phát huy tác dụng trong năm 2014, và những biện pháp tái cơ cấu hệ thống ngân hàng và xử lý nợ xấu đã giúp hệ thống tài chính nâng cao khả năng cấp tín dụng.
Trong khi đó, đầu tư nước ngoài gia tăng do triển vọng kinh tế thế giới tốt hơn cũng như việc TPP dự kiến được kí kết trong năm 2015.
Như vậy, tăng trưởng kinh tế trong năm 2014 dự kiến sẽ tích cực hơn so với năm 2013 nhờ cải thiện về tổng cầu cũng như các điều kiện thuận lợi của môi trường kinh tế thế giới.
Tuy nhiên, cơ quan này cũng lưu ý, với mục tiêu tổng quát trong năm 2014 là ổn định kinh tế vĩ mô, các chính sách tiền tệ - tài khóa sẽ tiếp tục được điều hành thận trọng, thêm vào đó, doanh nghiệp vẫn chưa hết khó khăn, nợ xấu vẫn còn ở mức cao nên để đạt mục tiêu tăng trưởng 5,8% sẽ cần cố gắng, nỗ lực lớn.
Bích Diệp