GDP bình quân đầu người gấp đôi thu nhập bình quân đầu người!
(Dân trí) - Tổng sản phẩm trong nước (GDP) bình quân đầu người và thu nhập bình quân đầu người vốn dĩ là hai chỉ tiêu hoàn toàn khác biệt nhau. Tuy nhiên, hiện vẫn có nhiều người còn nhầm lẫn khi sử dụng 2 chỉ số này.
Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA: |
Tổng sản phẩm trong nước (GDP) bình quân đầu người và thu nhập bình quân đầu người là 2 trong số 350 chỉ tiêu thống kê quốc gia do Tổng cục Thống kê công bố.
Tuy nhiên, theo cơ quan thống kê, do một số người chưa nắm bắt được đầy đủ mục đích, ý nghĩa, khái niệm và phương pháp tính…nên trong khi sử dụng đã bị nhầm lẫn giữa 2 chỉ tiêu này.
Để phân biệt, Tổng cục Thống kê chỉ rõ, GDP bình quân đầu người là một trong những chỉ tiêu thống kê kinh tế tổng hợp quan trọng phản ánh kết quả sản xuất tính bình quân đầu người trong 1 năm.
GDP bình quân đầu người còn là chỉ tiêu được dùng để đánh giá sự phát triển kinh tế theo thời gian và so sánh quốc tế.
Chỉ số này được tính bằng cách chia GDP trong năm cho dân số trung bình trong năm tương ứng. GDP bình quân đầu người có thể tính theo giá thực tế, tình theo nội tệ hoặc ngoại tệ (USD theo tỷ giá hối đoái thực tế hoặc tỷ giá sức mua tương đương); cũng có thể tính theo giá so sánh để tính tốc độ tăng.
Trong khi đó, thu nhập bình quân đầu người là chỉ tiêu kinh tế - xã hội quan trọng phản ánh “mức thu nhập và cơ cấu thu nhập của các tầng lớp dân cư”. Chỉ tiêu này dùng để đánh giá mức sống, phân hóa giàu nghèo, tính tỷ lệ nghèo làm cơ sở cho hoạch định chính sách nhằm nâng cao mức sống của nhân dân, xóa đói, giảm nghèo.
Để tính được chỉ tiêu này, trước hết phải tính được thu nhập của hộ dân cư- là toàn bộ số tiền và giá trị hiện vật sau khi trừ chi phí sản xuất mà hộ và các thành viên của hộ nhận được trong một thời kỳ nhất định (thường là 1 năm).
Thu nhập của hộ dân cư bao gồm thu từ tiền công, tiền lương; từ sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản; từ sản xuất ngành nghề phi nông, lầm nghiệp và thủy sản (sau khi đã trừ chi phí sản xuất và thuế sản xuất); thu khác được tính vào thu nhập như biếu, mừng, lãi tiết kiệm…
Thu nhập bình quân đầu người 1 tháng được tính bằng các chia tổng số thu nhập của hộ dân cư cho số nhân khẩu của hộ và chia cho 12 tháng.
Hai chỉ tiêu này có một yếu tố trùng nhau là thu của người lao động (thu từ sản xuất). Song lại khác nhau: thu nhập bình quân đầu người không bao gồm thuế sản xuất (thu của Nhà nước) và khấu hao tài sản cố định, thặng dư sản xuất (thu của doanh nghiệp) nhưng lại bao gồm phần thu nhập sở hữu và chuyển nhượng hiện hành và ngược lại.
Theo đó, tại thời điểm năm 2012, GDP bình quân đầu người của Việt Nam đạt 36,9 triệu đồng (1.771 USD), còn thu nhập bình quân đầu người đạt gần 24 triệu đồng (1.150 USD) và chỉ bằng 52,72% GDP bình quân đầu người.
GDP và thu nhập bình quân đầu người ở Việt Nam có xu hướng tăng nhanh trong những năm gần đây. Tuy nhiên, tốc độ lại khác nhau: so với năm 2006 (lấy đơn vị là VND), thì năm 2012, GDP bình quân đầu người tăng gần 2,9 lần còn thu nhập bình quân đầu người tăng 3,14 lần.