Gas “rởm“ lộng hành, xử lý như “gãi ngứa”

Chưa bao giờ tình trạng vi phạm trong hoạt động kinh doanh mặt hàng gas lại diễn ra phức tạp như hiện nay, thậm chí đe dọa cả tính mạng của người tiêu dùng, nhưng cách xử lý của cơ quan chức năng lại quá nhẹ nhàng.

Gas “rởm“ lộng hành, xử lý như “gãi ngứa”
 
Trước Tết Nguyên đán, Công an tỉnh Đồng Nai kiểm tra Doanh nghiệp tư nhân Văn Bồng, ấp Suối Quýt, xã Cẩm Đường, huyện Long Thành, bắt quả tang doanh nghiệp này đang san chiết gas trái phép. Tại hiện trường, công an phát hiện 17 trụ bơm gas, 5 bồn chứa gas loại 20 tấn, một xưởng sửa chữa vỏ bình gas và thu giữ hơn 300 bình gas niêm màng co của nhiều hãng gas khác, gần 10.000 vỏ bình gas của 28 hãng gas, bốn bao tải niêm màng co, 130 tem chống giả các hãng gas.

 

Theo công an, mặc dù chỉ được cấp giấy phép san chiết 2 sản phẩm gas VT – Gas và VB – Gas  nhưng Doanh nghiệp tư nhân Văn Bồng đã san chiết loại bình 12 kg và dán nhãn, màng co của nhiều hãng gas khác để bán tại Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu, Lâm Đồng.

 

Khi kiểm tra, chủ doanh nghiệp này là ông Vũ Văn Bồng chỉ cung cấp được cho công an một giấy phép kinh doanh nhưng đã hết hạn từ năm 2010. Ông Bồng khai nhận, mỗi ngày doanh nghiệp sản xuất khoảng 200 bình gas dỏm để bán ra thị trường. Ngày 31/1, Công an tỉnh Đồng Nai khởi tố vụ án và khởi tố 9 bị can liên quan đến hoạt động làm gas dỏm này.

 

Tại khu vực miền Nam, trong năm 2012, cơ quan chức năng đã phát hiện 38 vụ gian lận trong kinh doanh gas, trong đó TP.HCM chiếm cao nhất với 16 vụ (Đồng Nai 6 vụ, Bình Dương 6 vụ, Long An 4 vụ , Bà Rịa - Vũng Tàu 4 vụ và Bình Phước 2 vụ). Cơ quan chức năng đã lập biên bản xử lý  15 cửa hàng kinh doanh gas, 14 xe vận chuyển và 9 trạm chiết nạp với tổng số 5.621 chai gas.

 

Như PLVN đã đưa, ngay tại TP.HCM, Chi Hội Gas miền Nam đã phát hiện nhiều container vỏ bình V-gas có dấu hiệu hoán cải từ vỏ chai của các thương hiệu khác tại các cửa hàng gas. Cùng với hiệp hội gas, các cơ quan chức năng của TP.HCM đã vào cuộc và phát hiện nhiều vụ kinh doanh gas trái phép với số lượng lớn, trong đó đáng chú ý là tình trạng chiếm dụng bình gas của các doanh nghiệp khác hoán cải thành bình gas của mình với quy mô công nghiệp.

 

Gas dỏm lộng hành, gây nhức nhối cho xã hội, Phó Chủ tịch Hiệp Hội Gas Việt nam Lê Thị Anh Mẫn cho rằng nguyên nhân là do xử lý của các cơ quan thực thi pháp luật không đến nơi đến chốn, xử nhẹ tay, thậm chí trái ngược nhau về quan điểm và kết quả xử lý cùng một vụ việc.

 

Chẳng hạn, vụ ông Nguyễn Anh Tuấn- Giám đốc Công ty Miền Đông Đà Lạt  đã có tiền án tiền sự về san chiết nạp lậu và hoán cải vỏ chai gas bị kết án 18 tháng tù treo tại Lâm Đồng nhưng vẫn mở xưởng sản xuất gas trái phép ở Hóc Môn, TP.HCM với quy mô công nghiệp. Công ty Miền Đông Đà Lạt có hành vi kinh doanh trái phép; xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp, sản xuất, buôn bán hàng giả và đã bị Công an Hóc Môn khởi tố hình sự vụ án.

 

Tuy nhiên, VKND huyện Hóc Môn sau đó lại ra quyết định hủy bỏ quyết định khởi tố vụ án hình sự số 01/QĐ/KSĐT ngày 17/01/2012 đối với Nguyễn Anh Tuấn về hành vi “kinh doanh trái phép”. Các doanh nghiệp bị ông Tuấn chiếm vỏ bình gas đã khiếu nại lên VKSNDTC, Công an Hóc Môn hiện đang phục hồi điều tra, nhưng chỉ với tội danh “kinh doanh trái phép” mà chưa thấy đề cập gì đến tội danh “xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp”, tức san chiết nạp trái phép vào vỏ chai là sở hữu của các công ty gas khác.

 

Cũng liên quan đến Công ty Miền Đông Đà Lạt, năm 2009 TAND TP. Đà Lạt đã tuyên buộc Công ty Miền Đông Đà Lạt thanh toán cho Công ty CP Thương mại-Dịch vụ Dầu khí Vũng Tàu 751.092.862 đồng tiền bán gas từ năm 2004 đến 2008 nhưng hơn 3 năm nay vẫn chưa trả nợ

 

Tại TP.HCM cũng vừa xảy ra vụ  Công ty Đông Phương hoán cải hàng nghìn  bình gas của nhiều doanh nghiệp, hành vi bị bắt qủa tang, song chỉ bị phạt hành chính… 2 triệu đồng. Chính vì cách xử lý vi phạm kinh doanh gas như “gãi ngứa” như vậy khiến gas dỏm lộng hành.

 

Theo Trần Thế

Pháp Luật VN

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm