Gạo Việt sau Thái Lan 100 năm: Đừng hỏi vì sao...

Hai Tổng Công ty lương thực chuyên đi thu gom lúa gạo về trộn, có gì bán nấy, thử hỏi làm sao gạo Việt Nam không có thương hiệu?!

TS Lê Văn Bảnh, nguyên Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL chia sẻ những suy nghĩ tâm huyết xung quanh thực trạng gạo Việt Nam đang tụt hậu so với Thái Lan và một số nước khác trong khu vực.

Đừng hỏi vì sao gạo Việt chưa có thương hiệu

Khẳng định trong thời kỳ hội nhập, kinh tế thị trường, bất kỳ mặt hàng nào của Việt Nam có thương hiệu đều rất quý và cần thiết, nhất là khi Việt Nam đang đứng thứ ba trên thế giới về xuất khẩu gạo, TS Lê Văn Bảnh cho rằng, dường như đang có sự nhầm lẫn khi người ta cứ nói Nhà nước phải ra được thương hiệu gạo quốc gia.

Thực tế không phải như vậy, có được thương hiệu hay không là do doanh nghiệp và thương hiệu gạo không phải chỉ là chiếc logo gắn trên bao bì sản phẩm.


Bởi khâu tổ chức sản xuất của Việt Nam kém, chưa có vùng nguyên liệu tiêu chuẩn, do đó chớ nên nóng ruột mà đòi gạo thương hiệu

Bởi khâu tổ chức sản xuất của Việt Nam kém, chưa có vùng nguyên liệu tiêu chuẩn, do đó chớ nên nóng ruột mà đòi gạo thương hiệu

"Nhiều người cứ ào ào kêu đòi phải có gạo thương hiệu, nhưng thương hiệu ở đâu mà có? Quan trọng nhất là phải có vùng nguyên liệu với giống lúa có đặc tính chung về chiều dài hạt gạo, độ thơm, độ dẻo, hàm lượng dinh dưỡng..., tuân thủ tiêu chuẩn bắt buộc như VietGAP, GlobalGAP.

Khi đó, sản xuất vụ đông xuân hay hè thu, năm này qua năm khác đều phải đáp ứng được tiêu chuẩn đó. Thương hiệu không phải ngày một ngày hai mà có, nó phải ăn sâu vào tiềm thức của người tiêu dùng và người ta quen dần.

Việt Nam có kiểu làm vụ này gạo ngon nhưng sang vụ sau độ thơm giảm, hạt ngắn hơn, chất lượng gạo không được vụ trước, do đó lại mất thương hiệu bởi thương hiệu đó không bảo đảm.

Ở nước ngoài, một dòng xe bị lỗi, lập tức hãng xe thu hồi để đảm bảo uy tín thương hiệu. Còn Việt Nam cứ nói thương hiệu nhưng không tổ chức sản xuất để xây dựng vùng nguyên liệu đảm bảo, cứ "tay không bắt giặc" thì làm sao có được thương hiệu!

Lại hỏi tại sao gạo Thái Lan có 250 thương hiệu, còn Việt Nam chỉ mấy phần trăm? Là vì Thái Lan tổ chức sản xuất vùng nguyên liệu theo tiêu chuẩn đã cả trăm năm, còn Việt Nam mới "lớ ngớ" làm theo kiểu thủ công, bao cấp.

Tổng Công ty lương thực miền Bắc và miền Nam (Vinafood 1, Vinafood 2) đi thu gom lúa gạo về, có gì bán nấy. Đã là thu gom thì trong dân có gì mua nấy rồi trộn đại với nhau, có khi cả chục giống lúa gạo với nhau khong theo bất cứ một tiêu chuẩn nào.

Trong khi đó, ngày nay máy phân tích có thể phát hiện rất nhanh lô gạo này hạt cứng hay mềm, phần trăm tấm bao nhiêu... Bởi khâu tổ chức sản xuất của Việt Nam kém, chưa có vùng nguyên liệu tiêu chuẩn, do đó chớ nên nóng ruột mà đòi gạo thương hiệu", ông Bảnh chỉ rõ.

Nguyên Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL dẫn trường hợp một số doanh nghiệp như Công ty CP Bảo vệ thực vật An Giang, Công ty TNHH Trung An, Công ty CP TM&SX Viễn Phú... đã làm được nhiều loại gạo có thương hiệu và xuất khẩu sang các thị trường khó tính với giá cao.

Cách làm của các doanh nghiệp này là tìm hiểu xem nhu cầu của thị trường thích loại gạo gì, tiêu chuẩn ra sao rồi về tổ chức vùng nguyên liệu tuân thủ theo đúng tiêu chuẩn đó. Khách hàng sang tận nơi kiểm tra tại ruộng, thấy đáp ứng đủ các chỉ tiêu thì đồng ý nhập.

"Như Công ty Viễn Phú để trồng lúa hữu cơ họ chọn vùng đất U Minh (Cà Mau), quy trình canh tác cực kỳ nghiêm ngặt, phải tuân thủ yêu cầu không được sử dụng các loại phân bón hóa học, thuốc trừ sâu, diệt cỏ hay chất kích thích tăng trưởng.

Lúa hữu cơ chỉ được dùng các chế phẩm sinh học để chăm sóc. Bởi thế, gạo của họ bán được cho Mỹ với giá 3.500 USD/tấn.

Nếu làm gạo theo chuỗi khép kín từ khâu quy hoạch giống, tổ chức sản xuất, kiểm soát quá trình sản xuất, đảm bảo việc thu mua chế biến và tìm khách hàng để tiêu thụ thì bất kể thị trường có khó tính đến đâu, Việt Nam vẫn chinh phục được. Thế nhưng, số doanh nghiệp làm được như trên vẫn còn rất ít", TS Lê Văn Bảnh tiếc nuối.

Không thay đổi 20 năm nữa vẫn vậy

Điều khiến ông Lê Văn Bảnh trăn trở là đã rất nhiều năm, kể từ khi đổi mới đến nay, đã có 20 năm xuất khẩu gạo nhưng Việt Nam vẫn không hề đổi mới phương thức sản xuất, cách tổ chức để có sản phẩm chủ lực xuất khẩu.

"Không phải Việt Nam không có ai làm được. Đã có những doanh nghiệp xuất khẩu gạo qua Nhật, Mỹ, Âu châu..., khách hàng dù khó tính nhưng họ vẫn làm được. Tuy nhiên, như tôi nói ở trên, những doanh nghiệp như thế không nhiều.

Mặc dù đã có Quyết định 62 của Thủ tướng về Chính sách khuyến khích hợp tác, liên kết sản xuất gắn với chế biến và tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng lớn, trong đó ghi rõ Chính phủ khuyến khích các doanh nghiệp xây dựng vùng nguyên liệu để đáp ứng nhu cầu thương mại, chế biến hoặc xuất khẩu của doanh nghiệp. Thế nhưng sơ kết 2 năm thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp vùng ĐBSCL cho thấy, diện tích lúa tham gia cánh đồng lớn chỉ đạt 3,3% diện tích sản xuất.

Việt Nam phải có chiến lược sản xuất và tiêu thụ nông sản. Chúng ta có đất đai, nông dân giỏi..., bây giờ phải làm sao bán được gạo. Chúng ta phải sản xuất theo yêu cầu của thị trường, khách hàng cần gì, đặt hàng như thế nào thì doanh nghiệp về tổ chức sản xuất sao cho phù hợp với yêu cầu. Còn nông dân cũng không thể mạnh ai nấy làm mà phải tuân thủ theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp.

Với cây trái, cá tôm... cũng vậy. Bây giờ đã hội nhập nên Việt Nam buộc phải thay đổi, nếu không 20 năm nữa chắc Việt Nam vẫn cứ như vậy, thậm chí bị tụt hậu so với các nước khác", ông Bảnh nhận xét.

Theo Thành Luân
Đất Việt

Gạo Việt sau Thái Lan 100 năm: Đừng hỏi vì sao... - 2

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm