1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Gần 30.000 tỷ đồng đổ vào bất động sản nghỉ dưỡng Miền Trung và Tây Nguyên

(Dân trí) - Hội nghị phát triển du lịch miền Trung - Tây Nguyên, ngày 16/2, tại Thừa Thiên - Huế, có sự tham dự của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Bộ ngành TW, các chuyên gia quốc tế, ngoại giao, các tập đoàn và doanh nghiệp đầu tư và lãnh đạo 19 tỉnh thành khu vực Miền Trung - Tây Nguyên đã trao đổi, họp bàn về các cơ chế, chính sách, giải pháp đột phá để phát triển lĩnh vực mũi nhọn này của khu vực.

Du lịch Miền Trung và Tây Nguyên cần phát triển theo cụm vùng

Năm 2018, lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam đạt hơn 15,5 triệu lượt khách, tổng thu từ khách du lịch đạt hơn 620.000 tỷ đồng. Trong đó, khu vực miền Miền Trung - Tây Nguyên đón khoảng 56 triệu lượt khách, tổng thu từ du lịch đạt 120.000 tỷ đồng. Tuy vậy, du lịch vùng này đang đứng trước những thách thức lớn như: môi trường biển bị xâm hại, nhất là ô nhiễm rác thải nhựa, nạn chặt chém, níu kéo du khách, mất an ninh, lừa đảo còn diễn ra... những hình ảnh này đang làm xấu đi hình ảnh ngành du lịch Việt Nam trong mắt bạn bè và du khách quốc tế, ảnh hưởng đến khả năng thu hút đầu tư, đến xúc tiến quảng bá du lịch và cần phải lên án, xử lý nghiêm.

Gần 30.000 tỷ đồng đổ vào bất động sản nghỉ dưỡng Miền Trung và Tây Nguyên  - 1
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự Hội nghị phát triển du lịch miền Trung và Tây Nguyên

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định các tài nguyên du lịch đặc sắc và phong phú của khu vực miền Trung – Tây Nguyên, có hệ thống hạ tầng giao thông (đường bộ, đường thủy, đường sắt, đường hàng không) phát triển khá nhanh và đồng bộ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội mà còn kết nối với hành lang kinh tế Đông -Tây khu vực Đông Nam Á và liên thông với quốc tế. Có thể nói, đây là khu vực hội tụ, đại diện cho tất cả tài nguyên văn hóa, du lịch của cả nước với hệ thống hang động tuyệt đẹp, danh lam thắng cảnh, di sản văn hóa, hệ thống di tích lịch sử chiến tranh cách mạng và với bờ biền dài 1.870 km... Đây là điều kiện để tập trung phát triển các cụm ngành tổng hợp du lịch…, "Không có hệ đếm hay mỹ từ nào đủ để có thể nói hết, tô điểm hết được các tài nguyên du lịch quá đặc sắc và phong phú của miền Trung - Tây Nguyên", nhưng tài nguyên du lịch nơi đây nhìn chung vẫn như "viên ngọc thô chưa được mài dũa hoặc chưa tìm được người thợ dũa xứng đáng." Thủ tướng chỉ rõ.

Thủ tướng cho rằng khu vực này đủ điều kiện thuận lợi cho phát triển các cụm ngành du lịch như: Cụm ngành du lịch nghỉ dưỡng, cụm ngành du lịch văn hóa, lịch sử, cụm ngành du lịch di sản, cụm ngành du lịch biển đảo, cụm ngành du lịch sinh thái, cụm ngành du lịch khám phá đồi núi, đặc biệt là cụm ngành khám phá hang động. Một cụm ngành bao gồm nhiều ngành có liên quan, trong đó, trung tâm là tài nguyên du lịch tự nhiên, nhân tạo, xoay quanh là các dịch vụ ăn uống, ngủ, nghỉ, vui chơi, giải trí … kết hợp với các ngành cung cấp các yếu tố đầu vào, các dịch vụ hỗ trợ có liên quan như đào tạo nhân lực, tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, cung cấp các sản phẩm địa phương, quản lý tài sản, đặc biệt là chăm sóc sức khỏe và an ninh an toàn. “Phát triển du lịch phải đặt vấn đề cụm ngành đồng bộ chứ không phải khai thác tài nguyên du lịch một cách đơn thuần.” Thủ tướng nhấn mạnh.

Để khai thác tối đa những lợi thế và nguồn lực phát triển, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn cho vùng và địa phương; các tỉnh, thành phố trong khu vực miền Trung và Tây Nguyên đã cam kết không ngừng nỗ lực cải thiện môi trường du lịch, xây dựng dịch vụ du lịch thông minh, đẩy mạnh liên kết trong việc phát triển quy hoạch, kết nối hạ tầng; phát huy giá trị văn hóa di sản, thích ứng biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường, đào tạo nguồn nhân lực, xúc tiến và quảng bá du lịch; chú trọng xây dựng chuỗi sản phẩm du lịch đặc thù, tạo ra sự gắn kết giữa các địa phương với mục tiêu phát triển du lịch bền vững nhưng tránh chồng chéo, khắc phục dàn trải đầu tư kém hiệu quả…

Hàng loạt dự án nghìn tỷ đổ vào Miền Trung

Tại hội nghị, dưới sự chứng kiến của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng nhiều Bộ ngành TW, lãnh đạo các địa phương trong vùng đã trao 18 quyết định chủ trương đầu tư dự án nghỉ dưỡng, 4 biên bản hợp tác chiến lược và hàng trăm cuộc tiếp xúc giữa các địa phương và doanh nghiệp, doanh nghiệp và doanh nghiệp nhằm tìm kiếm các cơ hội liên kết kinh doanh và đầu tư trong vùng. Đáng chú ý có các đại gia bất động sản như Tập đoàn Sovico Holding (VietJet, HDBank, Furama...), BRG, Văn Phú Invest, Sun Frontier, Tập đoàn T&T, Tập đoàn AE, Cty CP Toàn cầu TMS, Tập đoàn FLC, Green Hill Village, MAIA Quy Nhơn, Công ty quốc tế Dubai, Vietravel … với tổng số vốn đăng ký lên đến gần 30.000 tỷ.

Gần 30.000 tỷ đồng đổ vào bất động sản nghỉ dưỡng Miền Trung và Tây Nguyên  - 2

Trong số các dự án nghỉ dưỡng quy mô lớn được chấp thuận đầu tư lần này, đáng chú ý ở Tỉnh Quảng Trị, Lãnh đạo tỉnh này đã trao Quyết định đầu tư cho Cty CP Tập đoàn AE cho Khu đô thị sinh thái biển Ae Resort - Cửa Tùng, Quảng Trị với tổng vốn đăng ký đầu tư gần 500 tỷ đồng. Đây như được coi là cú hích đầu tiên của bất động sản nghỉ dưỡng ven biển Quảng Trị.

Qua tìm hiểu Dự án Khu đô thị sinh thái biển AE Resort – Cửa Tùng là phức hợp giải trí và nghỉ dưỡng tọa lạc tại vịnh biển đẹp nhất của biển Cửa Tùng, sở hữu chiều dài mặt biển hơn 1.2km, có quy mô hơn 36ha bao gồm các sản phẩm Biệt thự nghỉ dưỡng cao cấp, Shophouse và Condotel kết hợp trung tâm hội nghị, khu vui chơi giải trí, các dịch vụ tiện ích phục vụ nhu cầu tắm biển của du khách… Dự án nằm trong khu vực ven biển phía Đông Bắc, “Tam giác vàng” du lịch biển Cửa Tùng – Cửa Việt – Cồn Cỏ đang được tỉnh Quảng Trị trình Thủ tướng chính phủ chấp thuận đưa vào một trong những khu vực du lịch trọng điểm quốc gia. Theo đại diện Chủ đầu tư Công ty CP tập đoàn AE thì dự án này sẽ được khởi công vào tháng 03/2019 và sẽ thực hiện triển khai rất nhanh các hạng mục công trình và hoàn thành theo từng giai đoạn dự kiến năm 2020 đi vào khai thác.

Gần 30.000 tỷ đồng đổ vào bất động sản nghỉ dưỡng Miền Trung và Tây Nguyên  - 3

Để chuẩn bị cho sự bứt phá về tiềm năng du lịch nghỉ dưỡng biển đảo, kết hợp với văn hóa và lịch sử cách mạng đặc trưng, tỉnh Quảng Trị đã thu hút rất nhiều nhiều dự án lớn gần 3 tỷ đô như Dự án Sân Bay Quảng Trị đã được phê duyệt theo quyết định số 236/ QĐ- TTg của thủ tướng chính phủ có quy mô 311.7ha với tổng vốn đầu tư gần 6.000 tỷ đồng, dự án cao tốc Đà Nẵng – Quảng Trị dài 182 km (đoạn qua Quảng Trị dài 35 km) được khởi công trong năm 2019, Dự án Đường trung tâm Khu kinh tế ven biển Đông Nam dài 23,5km có mức đầu tư 700 tỷ đồng từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ. Hiện nay, nhiều nhà đầu tư quốc tế đã và đang khảo sát, tìm hiểu đầu tư vào ven biển Quảng Trị ở các ngành công nghiệp, khu đô thị, cảng biển, điện gió, nhiệt điện, nông nghiệp công nghệ cao … như Tập đoàn Điện lực miền Tây Hàn Quốc, Công ty Gazprom của Nga, Công ty TNHH Daewon của Hàn Quốc; Liên doanh các nhà đầu tư quốc tế: VSIP của Singapore, Amata của Thái Lan, Sumitomo của Nhật Bản, Korea Land & Housing Corporation của Hàn Quốc…

Có thể nói, Quảng Trị đang là nhân tố bí ẩn về Bất động sản năm 2019 và các năm về sau. Các nhà đầu tư cũng như nền công nghiệp du lịch không khói đang đón chờ cú bứt phá, hứa hẹn tạo nên sự tăng trưởng đột biến cho vùng đất giàu tiềm năng này.

H. Việt