Gần 30 năm nhìn lại nền kinh tế thị trường Việt Nam

Gặp chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành nhân chuyến công tác ra Hà Nội của ông, thấy ngưỡng mộ sức làm việc của vị chuyên gia tuổi đã ngoài 80.

Chuyến công tác lần này của ông nhằm thẩm định và xúc tiến gói hỗ trợ tín dụng ngắn hạn cho các doanh nghiệp xuất khẩu, tạo cơ hội giải quyết công ăn việc làm cho hàng ngàn lao động thuộc lĩnh vực này.
 
Ông bảo rằng, ngày xưa, những tư vấn chính sách của ông thường được lãnh đạo xem xét, đánh giá và triển khai nhanh hơn. Ông luôn nghĩ và làm việc theo đúng nghĩa là người cố vấn khách quan, trung thực, không vụ lợi về bất cứ vấn đề gì, miễn điều đó có thể giúp được đồng bào, đất nước.
 
Chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành

Chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành

Ông Bùi Kiến Thành: - “Đầu những năm 1980, tôi được đại diện Nhà nước Việt Nam do ông Phạm Hùng, lúc đó là Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, kiêm Bộ trưởng Bộ Công an, gửi qua Paris (Pháp) hỏi ý kiến về tình hình kinh tế Việt Nam đang gặp khó khăn: cả nước thiếu ăn; vựa lúa Đồng bằng Sông Cửu Long không sản xuất đủ để tự nuôi mình; các nhà máy từ Bắc chí Nam không có nguyên liệu để hoạt động; hàng tiêu dùng đã khan hiếm lại bị ngăn sông cấm chợ, mọi thứ đều phải được phân phối qua các hợp tác xã; cọng rau, con gà cũng không được mua bán tự do, vì hoạt động trao đổi hàng hóa là phạm luật của Nhà nước Xã hội chủ nghĩa với chính sách kinh tế kế hoạch tập trung.

Sau bao nhiêu lần trao đổi, với nhiều văn bản phải viết ra và ký tên để các anh mang về báo cáo với cấp trên (vì trong những ý kiến đưa ra có nhiều phạm trù “kiêng kị” nên các anh không thể báo cáo miệng với lãnh đạo mà cần có chứ ký của tôi để làm bằng chứng rằng các đề xuất là “nhìn từ kinh nghiệm thế giới”, và nhất là từ nền kinh tế “tư bản” Mỹ), chúng tôi đã đi đến đồng thuận là nền kinh tế Việt Nam phải được xây dựng trên nền tảng “dân giàu”, vì trong lịch sử nhân loại từ Đông sang Tây, từ xưa đến nay, không hề có một đất nước nào hùng mạnh được xây dựng trên nền tảng một đám dân nghèo.
 
“Dân giàu” là mục đích tất nhiên của mọi thể chế, nhưng trong những năm 70-80 của thế kỷ trước, “giàu” là kẻ thù của “vô sản”; vì thế một cán bộ lão thành không thể phát ngôn cho một chính sách cổ vũ cho người dân được “làm giàu”. 
 
Tuy vậy lãnh đạo Thành Phố Hồ Chí Minh đã âm thầm “phá rào” và tiến hành thí điểm các phương án cho phép các doanh nghiệp trên địa bàn TP Hồ Chí Minh được chủ động giải quyết nguồn nguyên liệu thay vì phải chờ đợi Trung ương rót xuống, các nhà máy đã nhanh chóng hoạt động trở lại.

Ngành sắt thép thì đi thu mua sắt phế liệu, ngành nhựa thì đi đào bới các hố bao bì nhựa cũ v.v… giám đốc các nhà máy đã năng động áp dụng những đổi thay trong cơ chế quản lý kinh tế, phát huy trách nhiệm và quyền hạn của lãnh đạo điều hành.

Các lý thuyết kinh tế như là “ưu thế tương đối” đã được áp dụng qua cách bố trí nhân sự “đúng người, đúng việc”, không còn bắt anh thợ may đi đóng giày và anh thợ giày đi may áo. Năng suất được tăng lên, sản phẩm đạt được chất lượng cao hơn.

Hàng hóa trở nên dồi dào. Bước tiếp theo là cho phép các doanh nghiệp được “trao đổi” hàng lấy nguyên liệu hay lấy sản phẩm của các doanh nghiệp khác.

Thị trường bắt đầu hình thành. Nền kinh tế thị trường Việt Nam bắt đầu từ đó. Từng bước, lãnh đạo TP. Hồ Chí Minh đã triển khai các phương pháp kinh doanh mới và xoá bỏ các rào cản của nền kinh tế kế hoạch tập trung, giải tỏa ngăn sông cấm chợ.
 
Rút kinh nghiệm thành quả ban đầu của TP. Hồ Chí Minh, năm 1983 lãnh đạo Đảng và Nhà nước họp bàn tại Đà Lạt về khả năng áp dụng cho cả nước (Hội nghị Đà Lạt, ngày 12-19 tháng 7, 1983). Đây là những bước đột phá đầu tiên nhằm xóa bỏ cơ chế quản lý tập trung quan liêu bao cấp. Cuối cùng thì chính sách “Đổi Mới” đã được Đại hội VI thông qua với những từ ngữ khiến cho nhiều người bỡ ngỡ.  Kinh tế Việt Nam là “nền kinh tế nhiều thành phần, vận hành theo cơ chế thị trường, có sự quản lý của Nhà nước, theo định hướng Xã hội chủ nghĩa, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh".
 
PV:- Thưa ông, từ 1985 – 2013, hai mươi tám năm đã trôi qua, xây dựng kinh tế thị trường ở Việt Nam đã đi đến đâu?
 
Ông Bùi Kiến Thành: -Trong tinh thần phấn khởi của một cuộc “Đổi mới” đầy triển vọng, người dân cũng như mọi người thương yêu Việt Nam đặt rất nhiều hy vọng vào một thời đại mới của một dân tộc thông minh, kiên cường, sáng tạo.

Nhiều người nghĩ rằng đây là một cuộc “cách mạng” giải phóng sức sáng tạo của tất cả các thành phần xã hội, trả lại quyền tự do kinh doanh cho toàn dân, tạo điều kiện để mọi lực lượng tham gia hoạt động kinh tế, xóa bỏ quan liêu bao cấp, chuyển đổi cơ chế kế hoạch tập trung qua cơ chế thị trường, xóa bỏ chế độ “chuyên chính vô sản”, đặt nền tảng phát triển xã hội dựa trên tích lũy tài sản tư nhân, lấy phương án thị trường cạnh tranh để hội nhập quốc tế, kèm theo là những mục đích kinh tế, chính trị, xã hội cốt lõi mà nền kinh tế phải đạt được, nhằm phục vụ con người thay vì nô lệ hóa con người.
 
Sau một thời gian dò dẫm, các tiệm mua bán đã mở cửa trở lại. Luật Doanh nghiệp ra đời, các công ty tư nhân xuất hiện, hoạt động nội thương, ngoại thương không còn phải thông qua “ủy thác” với các doanh nghiệp nhà nước.
 
Với Luật Đầu tư Nước ngoài, Việt Nam mở cửa thu hút vốn đầu tư, công nghệ, khoa học quản lý từ các “chế độ cừu địch” nay trở thành “đối tác hợp tác”.
 
Rồi các ngân hàng thương mại cổ phần, thị trường chứng khoán, chi nhánh ngân hàng nước ngoài lần lượt  xuất hiện, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn phát triển.
 
Tuy vậy việc thực thi chính sách “Đổi mới” và tốc độ phát triển nền kinh tế thị trường của Việt Nam suốt gần 30 năm qua chưa đạt được kết quả như mong đợi. Kinh tế Việt Nam vẩn chưa thật sự thoát khỏi khu vực các nước “thu nhập trung bình thấp”. Doanh nghiệp tư nhân còn phải đối mặt với muôn vàn khó khăn.
 
Các tập đoàn, tổng công ty nhà nước vẩn là thành phần “chủ đạo”, chiếm gần 50% tín dụng ngân hàng, hiệu suất thấp, lãng phí cao, nợ xấu, nợ khó đòi chồng chất. Nhiều dự án tái cấu trúc đã được Chính phủ đề xuất, nhưng vẩn chưa qua khỏi giai đoạn văn bản trình Quốc hội.
 

Chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành

Xây dựng kinh tế thị trường đòi hỏi một sự cam kết với các giá trị cốt lõi của tự do kinh doanh, và những quy luật của thị trường. Không riêng gì ở Việt Nam, mà trên toàn thế giới, nơi nào tự do kinh doanh được tôn trọng và bảo vệ, lợi ích nhóm, độc quyền, đặc lợi được đẩy lùi, hệ thống quản lý Nhà nước thông thoáng thì nền kinh tế thị trường mới phát triển.

PV: -Vậy những gì đã ngăn chặn bước tiến của Việt Nam?

Ông Bùi Kiến Thành: - Việc thực thi chính sách “Đổi mới” và tốc độ phát triển nền kinh tế thị trường của Việt Nam chưa đạt được kết quả như mong muốn, cốt lõi là do thiếu sự nhất quán trong tư duy và một hệ thống quản lý Nhà nước phù hợp.
 
Sau khi ký Hiệp định Thương mại song phương với Việt Nam, nhà nước Mỹ đã gửi một phái bộ chuyên gia (Star Program) để giúp Việt Nam soạn thảo các văn bản pháp luật cần thiết cho phát triển kinh tế thị trường và quan hệ thương mại với Mỹ. 
 
Sau khi ký Hiệp định WTO với Việt Nam, cộng đồng quốc tế cũng đã hỗ trợ Việt Nam sửa đổi gần 100 bộ luật để phát huy hội nhập.
 
Hệ thống văn bản pháp luật đã được hiện đại hóa, nhưng guồng máy thực hiện vẫn là của thế kỷ trước, chẳng những chưa được nâng cao về năng lực và ý thức, mà còn nặng nợ với các giáo điều lạc hậu, lại thêm tha hóa, quan liêu, tiêu cực mà Nghị quyết Trung ương IV cũng chưa làm lay chuyển được.
 
Xuyên suốt gần 30 năm “Đổi mới” Ngân hàng Thế giới đã viện trợ cho Việt Nam nhiều tỷ USD để đào tạo, nâng cao năng lực điều hành (Capacity Building) trong nhiều lĩnh vực từ quản lý công (Public Administration) đến điều hành ngân hàng trung ương, ngân hàng thương mại, nhưng nền kinh tế Việt Nam đang lao vào tình trạng bất ổn, nợ xấu tràn lan, hàng loạt doanh nghiệp phá sản, mà điểm xuất phát lại là từ hoạt động của hệ thống ngân hàng, phạm luật, phạm quy, mà các cơ quan quản lý Nhà nước không đủ kiến thức, năng lực để điều chỉnh.
 
Xây dựng kinh tế thị trường đòi hỏi một sự cam kết với các giá trị cốt lõi của tự do kinh doanh, và những quy luật của thị trường. Không riêng gì ở Việt Nam, mà trên toàn thế giới, nơi nào tự do kinh doanh được tôn trọng và bảo vệ, lợi ích nhóm, độc quyền, đặc lợi được đẩy lùi, hệ thống quản lý Nhà nước thông thoáng thì nền kinh tế thị trường mới phát triển. 
 
PV:- Đại Hàn, Singapore, Đài Loan cũng trong khoảng thời gian như Việt Nam, từ một nền kinh tế “mới nổi” đã bắt kịp các nước phát triển về công nghệ, và thu nhập cá nhân. Vậy các nơi đó đã làm được những gì mà Việt Nam nên nghiên cứu để rút kinh nghiệm, thưa ông?
 
Ông Bùi Kiến Thành:- Từ một chế độ độc tài quân phiệt, Đại Hàn đã nhanh chóng xây dựng một chế độ Nhà nước pháp quyền, kèm theo một chính sách phát triển kinh tế tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát huy mọi nguồn lực để tăng năng lực cạnh tranh và xâm nhập quốc tế.
 
Qua phương thức nhà nước cho vay 100% vốn phát triển cho những doanh nghiệp có dự án khả thi; và tài trợ gần như toàn bộ các chi phí nghiên cứu khoa học, công nghệ, các doanh nghiệp Đại Hàn đã tiến lên và chiếm vị trí hàng đầu trong nhiều lĩnh vực khoa hoc, sản xuất kinh doanh, vượt qua cả các nước phát triển. Sản phẩm của LG, SAMSUNG đã chiếm ngôi đầu bảng trong ngành điện máy, điện tử, và  tin học.
 
Singapore đã thoát ra khỏi tình trạng một quốc gia nghèo nàn lạc hậu, bằng một quyết sách bài trừ tiêu cực, xây dựng một Nhà nước thông thoáng, đáp ứng được sự mong đợi của các tập đoàn kinh doanh trên toàn thế giới.
 
Đài Loan đã vươn lên để trở thành một trung tâm kinh tế hàng đầu trong khu vực Đông Á, qua những cải cách triệt để về thể chế cũng như về phương thức kinh doanh, chấp nhận và phát huy quy luật của kinh tế thị trường.
 
Nhìn xa hơn một chút nữa, các nước phát triển như Anh, Pháp, Đức đã xử lý việc tái cấu trúc doanh nghiệp Nhà nước như thế nào để thực hiện cuộc đột phá kinh tế trong những thập kỷ qua? Dưới sự lãnh đạo của Thủ Tướng Thatcher, tất cả các doanh nghiệp nhà nước Anh đã được nhanh chóng tư nhân hóa (Privatize), từ điện lực, dầu khí, vận tải, viễn thông, không chừa một lĩnh vực nào. Chính phủ không giữ lại một tỷ lệ chi phối nào, mà đã giải phóng cho các doanh nghiệp được tự do tìm đường phát triển.
 
Và nước Mỹ đã làm thế nào để đối mặt với những thách thức từ ngày lập quốc và đang tiếp tục diễn ra liên tục qua nhiều giai đoạn lịch sử?  Bắt đầu bằng một Hiến pháp xây dựng trên quyền tự do của người dân, Nhà nước và nhân đân Mỹ đã linh hoạt giải quyết các biến động qua sự đồng thuận, các bên đồng có lợi.
 
Rất nhiều lần trong lịch sử nước Mỹ tình hình kinh tế đòi hỏi phải có một ban lãnh đạo quản lý nhà nước mới,  nhưng việc chuyển giao quyền lực đã được thực hiện trong trật tự và yên bình. 
 
Từ năm 1919 đến năm 1945, tình hình đã được cải thiện, với sự tăng trưởng kinh tế trung bình kéo dài 35 tháng và sự trì trệ kinh tế trung bình kéo dài 18 tháng. Và từ năm 1945 đến năm 1991, mọi việc còn tốt hơn, với sự tăng trưởng kinh tế trung bình kéo dài 50 tháng và sự trì trệ kinh tế trung bình chỉ kéo dài 11 tháng.
 
Ngoài việc tin rằng thị trường tự do làm gia tăng hiệu quả kinh tế, việc tự do kinh doanh còn được coi  là cách thức nâng cao các giá trị chính trị của người dân. 
 
Trong những năm đầu thế kỷ XX, khi các tập đoàn kinh tế, ví dụ như công ty dầu khí ESSO của nhà tỷ phú Rockefeller, trở thành những tổ chức độc quyền, Chính phủ Theodore Roosevelt đã ra quyết định giải tán và chia ra thành nhiều công ty độc lập và cấm không được liên kết để lũng đoạn thị trường.

Trong những năm gần đây, khi các tập đoàn viển thông tập trung quá nhiều quyền kiểm soát thị trường, Nhà nước Mỹ đã áp dụng Luật cấm độc quyền để chẻ nhỏ công ty BELL TELEPHONE thành ra  nhiều đơn vị. Hiến Pháp Mỹ, cũng như hệ thống luật pháp Mỹ rất kiên quyết bảo vệ quyền bình đẳng của toàn dân. 
 
Tất cả người Mỹ, từ Tổng Thống đền thường dân đều phải nghiêm túc tuân thủ pháp luật và đều bình đẳng như nhau trước pháp luật.
 
Trong tất cả các hợp đồng kinh tế giữa các doanh nghiệp Mỹ, cũng như giữa doanh nghiệp Mỹ và các đối tác nước ngoài, đều có tham chiếu và trích dẩn điều khoản của Luật Phòng chống tham nhũng về cấm đưa hay nhận hối lộ. Nếu vi phạm, bên đưa cũng như bên nhận đều bi truy tố hình sự.
 
Năm 1983 một sự kiện tiêu biểu đã xảy ra là lãnh đạo công ty công nghiệp hàng không Lockeed và nguyên Thủ tướng Nhật Kakuei Tanaka đã bị xử lý và lĩnh án tù vì đã đưa và nhận hối lộ trong một thương vụ mua bán máy bay.
 
PV: - Nhìn rõ vấn đề của Việt Nam, tư vấn khách quan, trung thực nhưng thực tiễn lại chậm thực hiện, ông nghĩ sao ?
 
Ông Bùi Kiến Thành: (Cười) Tôi luôn tư vấn hoàn toàn khách quan và trung thực, không vụ lợi về bất cứ vấn đề gì khi được hỏi ý kiến. Còn việc nghe thế nào, làm theo đến đâu, đó là ý chí và trách nhiệm của những người lãnh đạo.
 
Họ mới là người chịu trách nhiệm về những quyết định của mình với nhân dân, và với lịch sử. Phần tôi, tôi đã cố gắng làm tốt nhất những gì có thể.
 
Theo Nguyễn Nguyễn
Báo Đất Việt