Gần 2.000 tiếp viên Vietnam Airlines phải cách ly, nghỉ làm vì Covid-19
(Dân trí) - Ngoài 2 tiếp viên hàng không bị nhiễm Covid-19, có 564 tiếp viên đang phải cách ly tập trung, hơn 1.800 tiếp viên nghỉ làm không lương trong 3 tháng tới. Tình trạng tiếp viên bị kỳ thị đang diễn ra.
Ông Phan Ngọc Linh - Đoàn trưởng Đoàn tiếp viên Vietnam Airlines - đã cho PV Dân trí biết thông tin trên.
Nhiễm Covid, cách ly, nghỉ làm
Theo ông Linh, tổng số 566 tiếp viên đang bị cách ly được xác định là từ F0-F2. Ngoài 2 tiếp viên bị xác định dương tính với Covid-19, hàng trăm tiếp viên còn lại đang được theo dõi sức khỏe nghiêm ngặt tại các cơ sở y tế và điểm tập trung cách ly.
“Hai tiếp viên D và Q bị dương tính với Covid-19 được điều trị hiện sức khỏe đều ổn định, trong đó tiếp viên D đã xét nghiệm lần 1 âm tính” - Đoàn trưởng Đoàn tiếp viên Phan Ngọc Linh cho hay.
Cũng theo ông Linh, đối với các tiếp viên buộc phải cách ly theo quy định, có 111 tiếp viên xếp loại mức độ F1, 453 tiếp viên là F2.
Đoàn trưởng Đoàn tiếp viên Vietnam Airlines thông tin, tổng số tiếp viên của Đoàn là gần 3.200 người, nhưng tính tới chiều 17/3, có tổng cộng hơn 1.000 tiếp viên đang cách ly và phải nghỉ làm, giảm khoảng 50% tỷ lệ tiếp viên đi bay của hãng.
Việc nghỉ làm của tiếp viên được ông Linh cũng cho biết thêm: “Trong chiến dịch phòng, chống Covid-19 và nghỉ giảm lương, tiếp viên nghỉ theo 2 hình thức: Nghỉ hoãn hợp đồng, nghỉ không lương tự nguyện và nghỉ luân phiên”.
Số lượng tiếp viên “đã có lịch nghỉ” từ tháng 3 đến tháng 5/2020 là hơn 1.800 người. Trong đó, tháng 3 có 589 tiếp viên nghỉ làm, tháng 4 nghỉ 703 người và 521 tiếp viên nghỉ trong tháng 5.
Tiếp viên bị kỳ thị
Đoàn trưởng Đoàn tiếp viên cho biết, khoảng 1.500 tiếp viên cơ hữu ký hợp đồng lao động trực tiếp với Vietnam Airlines có lương bình quân 25 triệu đồng/tháng (thâm niên công tác từ 10 - 15 năm). Hơn 1.600 tiếp viên nhận lương từ 15-18 triệu đồng/tháng, đây là những lao động ký hợp đồng qua công ty agency. Tuy nhiên, hiện do phải nghỉ nghỉ bắt buộc nên thu nhập giảm sút, đời sống bị ảnh hưởng.
“Hoạt động sản xuất kinh doanh của Vietnam Airline đang rơi vào tình cảnh khó khăn nhất từ trước đến nay, nhưng quan điểm của hãng là không sa thải người lao động, trường hợp xấu hãng đã có phương án trả lương cho người lao động theo quy định về mức tối thiểu vùng.
Việc nghỉ làm hoãn hợp đồng và nghỉ luân phiên chỉ là chính sách buộc phải thực hiện để giảm gánh nặng chung trong giai đoạn hiện nay. Chúng tôi cũng rất mừng vì các tiếp viên sẵn sàng chia sẻ với khó khăn chung của hãng, trong đó nhiều tiếp viên tự nguyện không nhận lương chức danh, người tiếp viên không ngại dịch bệnh lây lan vẫn xin được đi bay” - ông Linh bày tỏ.
Chia sẻ thêm về các tiếp viên hàng không, Đoàn trưởng Phan Ngọc Linh cho biết lương và thu nhập giảm sút, công việc gián đoạn là khó khăn lớn, nhưng sự kỳ thị của xã hội đối với các tiếp viên bị nhiêm Covid-19, các tiếp viên phải cách ly khiến cho đời sống của họ và gia đình bị ảnh hưởng rất nhiều.
“Tiếp viên Q mới bị xác định nhiễm Covid-19 bị cộng đồng mạng xuyên tạc, thêu dệt về tình trạng bệnh rất xấu gây tâm lý hoang mang. Một việc khác diễn ra sáng 17/3, chúng tôi đưa tiếp viên đã hết thời gian cách ly và âm tính với Covid-19 về nhà nhưng xung quanh hàng xóm, người dân trên địa bàn phương nhìn tiếp viên và gia đình họ như vật thể lạ, tất cả bảo nhau phải tránh xa. Đến mức, chúng tôi phải đưa ra giấy chứng nhận của đơn vị y tế khẳng định tiếp viên đã hoàn thành cách ly và sức khỏe tốt thì mọi người xung quanh mới đỡ sợ hơn...” - ông Linh kể.
Hiện nay, việc kỳ thị tiếp viên hàng không đang xảy ra trong bối cảnh dịch bệnh lây lan và đã có tiếp viên bị nhiễm Covid-19. Mới đây, hai tiếp viên của một hãng hàng không Nhật Bản sau khi thực hiện chuyến bay tới Việt Nam đã bị Ban quản lý khu chung cư yêu cầu rời đi và không cho lưu trú tại căn hộ đã thuê.
Châu Như Quỳnh