“Gà đẻ trứng” Sabeco gặp khó vì Nghị định 100 và Covid-19

(Dân trí) - Vừa bước qua quý IV/2019 với doanh thu không như kỳ vọng, Sabeco tiếp tục gặp khó trong năm 2020 do dịch Covid-19 và quy định mới tại Nghị định 100 khiến tiêu thụ rượu bia giảm mạnh.

Một báo cáo phân tích của Công ty chứng khoán Bản Việt (VCSC) về kết quả kinh doanh của Tổng công ty cổ phần Bia Rượu Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco - mã SAB) mới đây cho thấy, trong quý cuối cùng của năm 2019, doanh thu “ông lớn” ngành bia bị sụt giảm 7% so với cùng kỳ trong khi lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số lại tăng 17%.

“Gà đẻ trứng” Sabeco gặp khó vì Nghị định 100 và Covid-19 - 1

Hoạt động tiêu thụ rượu bia giảm mạnh do COVID-19 và Nghị định 100 dự kiến sẽ thể hiện rõ nét trong kết quả quý I/2020 của Sabeco

Tính chung cả năm 2019, doanh thu tăng 5% còn lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số tăng 21%. Các chỉ tiêu kinh doanh này của Sabeco không đạt như kỳ vọng chủ yếu do doanh thu bia thấp hơn dự kiến.

Theo ban lãnh đạo của Sabeco, doanh thu bia báo cáo giảm so với cùng kỳ trong quý IV/2019 đến từ hai nguyên nhân.

Thứ nhất là do ảnh hưởng tiêu cực từ các tin đồn không đúng sự thật liên quan đến chủ sở hữu của công ty, dù tình hình đã ổn định trở lại trong những tháng qua.

Nguyên nhân thứ hai là việc điều chỉnh kế toán liên quan đến nhà máy bia Sài Gòn – Lâm Đồng vừa được hợp nhất bởi Sabeco. Theo lưu ý của VCSC, doanh thu báo cáo liên quan đến sản lượng bia sản xuất bởi các công ty con Sabeco không bao gồm thuế tiêu thụ đặc biệt còn doanh thu báo cáo liên quan đến sản lượng bia mua từ các nhà máy bia không kiểm soát thì lại bao gồm thuế tiêu thụ đặc biệt.

VCSC cũng đưa ra nhận định rằng, doanh số thấp hơn kỳ vọng trong quý IV/2019 của Sabeco cùng với tác động của luật quy định phòng chống tác hại của rượu bia khi tham gia giao thông cho thấy khả năng điều chỉnh giảm dự báo doanh thu hiện tại dù cần thêm đánh giá chi tiết.

Hiện, Sabeco đang lên ý tưởng nhằm giảm thiểu tác động liên quan đến quy định mới về phòng chống tác hại của rượu bia khi tham gia giao thông. Trước đó, Luật về phòng chống tác hại của rượu bia khi tham gia giao thông và Nghị định 100/2019 về các biện pháp xử phạt hành chính khi vi phạm tham gia giao thông đường bộ và đường sắt bắt đầu có hiệu lực kể từ 1/1/2020.

So với quy được trước đây, quy định mới áp dụng mức phạt cao hơn cho việc sử dụng rượu bia khi tham gia giao thông, bao gồm không cho phép người tham gia giao thông có nồng độ cồn (trong máu hoặc hơi thở) trên mức 0 (trước đây, mức giới hạn 0 chỉ áp dụng cho xe bốn bánh) và nâng mức xử phạt.

Kể từ khi có hiệu lực, các thay đổi này đã ảnh hưởng đến sức tiêu thụ bia do xe máy vẫn là phương tiện giao thông chính tại Việt Nam khi người tiêu dùng chưa kịp thích nghi với các quy định mới.

Trong một báo cáo mới phát hành của Công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC), các chuyên gia phân tích ở đây cũng đưa ra nhận định: Năm 2020 được dự báo sẽ là một năm đầy thử thách của Sabeco. Hai yếu tố bất lợi chính trong năm nay là Nghị định 100/2019/NĐ-CP và dịch Covid-19 sẽ có những ảnh hưởng tiêu cực đến tiêu thụ bia – rượu tại Việt Nam.

Nghị định 100/2019/NĐ-CP phạt nặng hành vi uống rượu – bia lái xe là yếu tố BVSC đánh giá có những tác động lớn nhất: Thứ nhất, lưu lượng khách đến các quán ăn giảm rõ rệt và có xu hướng chuyển sang các loại nước uống khác như nước suối, nước có ga. Thứ hai, tiêu thụ rượu – bia vào dịp trước Tết ở các siêu thị, tạp hoá có vẻ chậm hơn những năm trước.

Khi trao đổi về vấn đề này, lãnh đạo Sabeco cũng nhìn nhận, thị trường bia sẽ bị ảnh hưởng trong ngắn hạn (gần nhất là quý I/2020) và sẽ cần thời gian để thói quen tiêu dùng thích nghi với chính sách mới. Tuy nhiên, Sabeco tạm thời chưa lượng hoá hay đưa ra kế hoạch sản lượng tiêu thụ cho cả năm 2020.

Còn về tác động của Covid-19, theo BVSC, dịch này nếu lan rộng hơn có thể làm cho người tiêu dùng tránh xa những nơi đông đúc như hàng quán qua đó ảnh hưởng tiêu cực đến tiêu thụ rượu – bia.

Nên nhớ rằng đặc thù của ngành bia Việt Nam là kênh tiêu thụ on-trade (tức kênh tiêu dùng tại chỗ) chiếm đến 70% tổng tiêu thụ (đánh giá của Euromonitor). Tuy nhiên, hiện tại có vẻ như dịch đang được kiểm soát khá tốt tại Việt Nam nên yếu tố này cần phải theo dõi thêm.

Mai Chi