1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

Franchise nỗi nhớ

Trước đây để phát huy thế mạnh của ẩm thực Việt Nam, phải tính tới xuất khẩu nhà hàng. Bây giờ thực tế thị trường cho một giải pháp hấp dẫn hơn: franchise (nhượng quyền thương mại) cả trong nước lẫn nước ngoài.

Nhưng cả hai giải pháp này đến nay vẫn đều còn mới quá với các nhà hoạch định chính sách? Liệu thị trường có “nương tình” chờ ta khệnh khang, dềnh dàng chuẩn bị?

Để lỡ cơ hội khai thác thế mạnh từ ẩm thực Việt Nam, nỗi nhớ không nguôi của những người xa xứ, trong bối cảnh cạnh tranh hội nhập, đang trở thành một nỗi đau...

Một năm viết blog tôi đọc được khá nhiều nhật ký trên mạng của các bạn trẻ Việt khi xa nhà, nhiều đoạn nhật ký rất cảm động đến nổi khiến tôi không thể không lưu giữ lại để dành, và sau một thời gian lưu giữ nhật ký một số bạn bè, cả những bạn chỉ quen trên mạng chưa từng gặp, tôi nhận ra hình như đa phần các đoạn nhật ký viết rất tự nhiên về nỗi nhớ quê hương âm ỉ, day dứt cháy bỏng đề cùng nhắc đến: những con đường - góc phố và... những món ăn Việt.

Nỗi nhớ và biên giới hội nhập cuối cùng

Hãy nghe Thanh Trúc kể: “Hiz dạo này nhiều người về Việt Nam quá làm cho cảm xúc của mình lại lung tung nữa rồi, hizhiz. Nhớ những chiều tan học cùng anh Hai dạo phố, hai anh em chạy giữa con đường Lê Thánh Tôn rợp bóng me, đang đi trời chợt đổ mưa ướt như chuột lột mà khi về đến nhà thì khô queo. Nhớ bún bò O Rớt, chả cua Nam Giao, phở Anh Kỳ Đồng, hiz, nhớ quy phục linh Hà Ký, nhớ bạch quả ở Bùi Viện, chè hột gà Đồng Khánh, nghêu hấp sả Kỳ Đồng, ốc nhảy nướng quận 10, chem chép quận 1, ốc bươu hấp tiêu Hoàng Hoa Thám. Nhớ luôn món phá lấu quen thuộc quận 4, gỏi khô bò công viên Lê Văn Tám, bò bía đậu hũ đá Lý Tự Trọng, hiz, hủ tiếu chay Bến Chương Dương...”

Anh Tú viết về chuyện mình đi du học: “Tớ cầm dao xắt hành và ôm đũa chiên bánh tôm, nặn bột làm bánh bao và há cảo, rồi nấu sữa đậu nành. Nhớ hôm về nhà được ăn bún thịt nướng. Ngon ngon, tớ ăn hết một tô, lại ăn thêm tô nữa (hehe). Ăn bún mà thấy thương ơi là thương. Bên ấy làm gì có bún tươi như thế này. Bún bên ấy là bún khô, muốn ăn thì đem luộc lên, luộc lên rồi vẫn cứ khô và cứ thế mà ăn thôi. Bún ơi là bún, món bún khô làm tớ nhớ nhà đến chết mất...”

Còn Cam Ly, cô nhà báo quen tên của Tuổi Trẻ hiện đang sống ở Hoa Kỳ, kể chuyện đêm Giáng sinh 2006, nhớ lại khung cảnh Giáng sinh ở nhà, nghĩ suy về tôn giáo xong kết thúc bằng một dòng ghi chú: đêm Giáng sinh năm nay, bọn tôi ăn rau muống, đậu hủ chiên và thịt luộc chấm nước mắm. Cũng thấy gần nhau hơn một chút.

Chả thế mà Thuận Thiên trong “Phở du ký” kể rằng sách hướng dẫn du lịch chính thức của thành phố New York có nguyên một trang viết về nhà hàng Saigon 48 (do nhà báo R.J.Sholem chuyên viết về ẩm thực của New York Times). Sholem hướng dẫn là khi vào đó, hãy gọi ngay món ngon nhất là món... phở. Thuận Thiên tìm đến và có một loạt nhận xét khác: nhà hàng Việt, món phở Việt không chỉ là tiệm ăn mà nơi chính là những người xa xứ tìm gặp đồng hương, là một trung tâm của kỷ niệm, là nơi giải tỏa nỗi thèm đồ ăn Việt đến phát điên, nơi thỏa con nghiện phở, nơi mà cái ngon của thức ăn chính là cái vị của tình quê.

Bài viết của bà Vũ Kim Hạnh, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư Tp.HCM (IPTC).

Theo SGTT