Formosa tính bán tro bay, đại gia ngõ hẻm bỏ tỷ USD "ôm" cô gái đẹp Sabeco

(Dân trí) - Trong tuần, sự kiện kinh tế được dư luận quan tâm đặc biệt là chuyện Sabeco ,"cô gái đẹp" ngành bia Việt Nam thoái vốn và được săn đón bởi Tập đoàn bia Thái Lan. Ngoài ra, việc Formosa tính bán tro bay ra nước ngoài, hay chuyện bán xăng E5 cũng gây sự chú ý lớn của dư luận.

Sau sữa là bia, "cô gái đẹp" Việt về tay đại gia Thái?

Công ty TNHH Vietnam Beverage (tại Hà Nội) đã lên các kế hoạch mua hơn 53% cổ phần của Sabeco khi ông lớn này bán cổ phần ra. Công ty này nằm trong một ngõ hẻm tại Hà Nội, nhưng ít ai biết rằng quyết định "ăn gan giời" của công ty nhỏ là cả một ekip đứng sau điều hành và lên kế hoạch từ trước đó.

Sau 16 giờ ngày 17/12, sẽ biết cô gái đẹp Sabeco có về tay chủ Thái hay không?
Sau 16 giờ ngày 17/12, sẽ biết cô gái đẹp Sabeco có về tay chủ Thái hay không?

Vietnam Beverage là công ty con của ThaiBev, một công ty hoạt động trong lĩnh vực nước giải khát, bia rượu lớn nhất của Thái Lan do tỷ phú Thái Lan Charoen Sirivadhanabhakdi điều hành qua các công ty con.

Ông Charoen Sirivadhanabhakdi không phải là cái tên xa lạ gì đối với Việt Nam bởi nhiều cuộc mua bán đình đám ở Việt Nam đã được ông này đứng sau như: mua đứt Metro, BigC, tham gia sâu vào sở hữu Công ty sữa Việt Nam Vinamilk, Nguyễn Kim…

Formosa tính bán tro bay nhiệt điện

Thông tin về Formosa luôn được dư luận quan tâm, mới đây công ty này kiến nghị được cấp phép bán tro bay trong quá trình vận hành nhà máy nhiệt điện cung cấp cho tổ hợp luyện gang thép 10 triệu tấn tại Hà Tĩnh.

Formosa muốn bán tro bay nhiệt điện
Formosa muốn bán tro bay nhiệt điện

Theo đơn thư của Formosa, các loại tro bay này được thu hồi từ quá trình phát thải nhiệt điện, sẽ được tái sử dụng vào làm vật liệu xây dựng, gạch ngói... Bộ Xây dựng dù khuyến khích nhưng cũng khuyến cáo Formosa phải tuân thủ các quy định về an toàn, không gây ảnh hưởng đến sức khỏe người dùng bởi đây là loại rác độc hại, phải xử lý bằng công nghệ mới mới có thể biến rác thành vàng như nhiều nước đã làm được.

Bộ khai tử xăng RON 92, dân vẫn ngại dùng xăng E5

Xăng RON 92 đã được khai tử, thay thế nó là loại xăng sinh học E5 (5% Ethanol pha vào xăng) giúp giảm khí thải, giảm ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, hiện khi sử dụng và tiêu dùng nhiều người dân vẫn chưa hiểu rõ về xăng sinh học mà các nước đang sử dụng đại trà, cho rằng xăng E5 có thể gây hỏng hóc động cơ.

Xăng sinh học đã được bán đại trà, nhưng nỗi lo của người dân vẫn còn đó
Xăng sinh học đã được bán đại trà, nhưng nỗi lo của người dân vẫn còn đó

Đây cũng là nguyên nhân khiến nhiều người dân lo ngại về các tiêu chuẩn xăng dầu tại Việt Nam có thực sự đáp ứng được chất lượng, trong khi trước đó đã xảy ra sự cố ô tô được thiết kế sử dụng xăng tiêu chuẩn Euro IV nhưng thị trường Việt Nam chỉ cung cấp được xăng tiêu chuẩn Euro II và Euro III, điều này khiến một loạt ô tô chết máy hoặc hư hỏng nhẹ.

Cũng xung quanh vấn đề của xăng sinh học E5, trong tuần Dân Trí đã đưa nhiều thông tin về nguồn cung xăng dầu có đảm bảo, các diễn biến của giá loại xăng này khi bán đại trà, hoạt động mua bán của loại xăng mới mẻ này trên thị trường Việt Nam.

Thủ tướng muốn dân nói không với "lợn hai chuồng, rau hai luống"

Phát biểu tại diễn đàn "Sản xuất nông nghiệp hữu cơ - Xu thế hội nhập quốc tế" tổ chức ngày 16/12 tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đề nghị các bộ, ngành và người nông dân cần xây dựng ngành nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ trở thành văn hoá; chấm dứt kiểu "lợn hai chuồng, rau hai luống".

Thủ tướng thúc giục phát triển nông nghiệp hữu cơ
Thủ tướng thúc giục phát triển nông nghiệp hữu cơ

Thủ tướng yêu cầu phát triển một nền nông nghiệp sạch, thực phẩm sạch cho gần 100 triệu dân Việt Nam và xuất khẩu cho thế giới.

Logistics Việt Nam chỉ “nuôi béo” nước ngoài

Tại diễn đàn thường niên về Logistics Việt Nam, thống kê của Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) tổng chi phí ngành dịch vụ xuất nhập khẩu của Việt Nam năm 2016 có doanh thu khoảng 41,26 tỷ USD, nhưng doanh thu 100 doanh nghiệp (DN) logistics lớn nhất của Việt Nam chỉ đạt 8,74 tỷ USD, chỉ chiếm 21%, hơn 32,5 tỷ USD nằm trong tay các hãng logistics của nước ngoài.

Logistics Việt Nam phát triển nhưng bị nắm trong tay nước ngoài
Logistics Việt Nam phát triển nhưng bị nắm trong tay nước ngoài

Trước đó, ông Ousmane Dione, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới (WB) khẳng định: "Tính theo tỉ trọng GDP, chi phí logistics của Việt Nam là 18%, cao gần gấp đôi so với các nền kinh tế phát triển và cao hơn mức bình quân toàn cầu 14%".

Sớm có thông tin 1.000 chiếc BMW "mông má lại" nhập về, bán mới ở Việt Nam

Trả lời nhiều thắc mắc về các quy định khắt khe về xe nhập tại Nghị định 116 của phía DN Nhật Bản, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết là thời gian vừa qua có hơn 1.000 chiếc xe BMW cũ được nhập về Việt Nam được "mông má" lại, bán như xe mới.

Sẽ làm rõ thông tin 1.000 chiếc BMW cũ được hoán cải, mông má lại
Sẽ làm rõ thông tin 1.000 chiếc BMW cũ được hoán cải, mông má lại

Đây là thách thức trong quản lý và kiểm soát xe, thị trường và quyền lợi người tiêu dùng. Ngay sau thông tin trên, đại diện Tổng cục Hải quan cho biết sẽ sớm vào cuộc, điều tra thông tin, làm rõ số 1.000 chiếc xe BMW cũ được nhập về Việt Nam sau đó "mông má" lại bán như xe mới.

Năng suất lao động thấp và nỗi trăn trở của Thủ tướng

Trong tuần, vấn đề kinh tế vĩ mô có hai sự kiện quan trọng là: Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) và Diễn đàn Phát triển Việt Nam (VDF) diễn ra trong hai ngày 12 - 13/12. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao các sáng kiến của các DN hoạt động tại Việt Nam, các nhà đầu tư, phát triển cho sự phát triển vươn lên của Việt Nam.

Cảnh báo với mức tăng năng suất chậm, Việt Nam khó tăng trưởng nhanh và bền vững
Cảnh báo với mức tăng năng suất chậm, Việt Nam khó tăng trưởng nhanh và bền vững

Tại VBF, Thủ tướng cho rằng: Mỗi đồng vốn của các DN đầu tư, làm ăn tại Việt Nam là một lá phiếu ủng hộ, chung tay phát triển Việt Nam. Mặc dù vậy, người đứng đầu Chính phủ cũng trăn trở đối với năng suất lao động Việt Nam còn thấp, năng suất tổng hợp của nền kinh tế chậm lại, kém xa so với các nước trong khu vực. Nền kinh tế đã, đang và gặp nhiều thách thức do mô hình tăng trưởng vẫn dựa vào tài nguyên, lao động giá rẻ, vốn... chưa ứng dụng công nghệ, sáng tạo và tư duy nhân tạo, Cách mạng 4.0 vào phát triển đất nước.

Chê tơi tả ngành xe hơi Việt, DN nói mất 10.000 USD vì thử nghiệm vô lý

Cũng tại Diễn đàn VBF tổ chức tại Hà Nội vừa qua, nhóm công tác về ô tô, xe máy thuộc VBF cũng dẫn chứng nhiều điểm, nhiều quy định chưa hợp lý tại Nghị định 116 vừa được Chính phủ thông qua, có hiệu lực ngay trong ngày 17/10/2017.

Ngành xe hơi Việt bị chê tơi tả vì kém chuyên nghiệp, quy định vô lý
Ngành xe hơi Việt bị chê tơi tả vì kém chuyên nghiệp, quy định vô lý

Nhóm công tác và các DN Nhật Bản đã chê nhiều về ngành công nghiệp hỗ trợ ô tô Việt Nam, trong đó, nhấn mạnh: Năng lực đảm bảo các yêu cầu về chất lượng/chi phí/giao hàng (QCD) là vấn đề rất lớn đối với các nhà cung cấp của Việt Nam. Chính vì thế, rất ít nhà cung cấp Việt Nam đáp ứng được tiêu chuẩn QCD để tham gia chuỗi cung cấp toàn cầu.

Cũng phàn nàn Nghị định 116 khi quy định bắt buộc thử nghiệm đối với từng lô xe nhập khẩu dù cho lô xe cùng chung dòng xe, đơn hàng, nhóm công tác ô tô, xe máy cho rằng DN ô tô không thể tuân thủ được quy định này. Nhóm công tác cho rằng: Quy định này không hề có ý nghĩa về mặt quản lý chất lượng, và chỉ làm lãng phí thêm thời gian (lên tới 2 tháng) và làm tăng chi phí (lên tới 10 nghìn USD) cho việc thử nghiệm theo từng lô hàng.

Nguyễn Tuyền
(Tổng hợp)