Logistics Việt Nam phát triển nhưng chỉ "nuôi béo" các hãng nước ngoài
(Dân trí) - Theo thống kê của Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) tổng chi phí ngành dịch vụ xuất nhập khẩu của Việt Nam năm 2016 có doanh thu khoảng 41,26 tỷ USD, nhưng doanh thu 100 doanh nghiệp (DN) logistics lớn nhất của Việt Nam chỉ đạt 8,74 tỷ USD, chỉ chiếm 21%, hơn 32,5 tỷ USD nằm trong tay các hãng logistics của nước ngoài.
Đáng nói hơn theo ông Lê Duy Hiệp, Chủ tịch VLA: Ngành dịch vụ Logistics Việt Nam đang phát triển mạnh với tốc độ từ 15 -16%/năm, xếp hạng 53 năm 2014 và xếp hạng 64/160 nước, năm đứng thứ 4 trong các nước ASEAN, sau Singapore, Malaysia và Thái Lan theo chỉ số hoạt động LPI của Ngân hàng thế giới.
Tuy nhiên, các DN logistics Việt Nam chỉ đáp ứng và cung cấp được các dịch vụ giản đơn, làm trung gian giá trị thấp, thị phần nhường lại cho các hãng nước ngoài trong đó đặc biệt thuê tài, dịch vụ bốc dỡ, khai thác, vận chuyển.
Cụ thể, ông Hiệp thông tin: Các DN logistics Việt chủ yếu chỉ cung cấp chủ yếu các dịch vụ logistics nội địa, như dịch vụ vận tải nội địa, vận tải đa phương thức, dịch vụ cảng biển, cảng hàng không, dịch vụ kho bãi, khai báo Hải quan, giám định, hun trùng hàng hóa, kiểm nghiệm hàng hóa, bốc dỡ hàng hóa…
Ở các dịch vụ logistics trong thương mại quốc tế, phần lớn các DN, hãng tàu Việt Nam chỉ làm trung gian, không tham gia vào chuỗi thuê tàu chính, không được đánh giá cao năng lực. Cụ thể: Các DN Việt chủ yếu chỉ đảm nhận một phần dịch vụ logistics quốc tế thông qua qua làm đại lý cho các DN nước ngoài là các chủ hàng, chủ tàu, các nhà cung cấp dịch vụ logistics quốc tế thuê lại.
Điểm yếu của các DN Việt Nam là chi phí dịch vụ còn chưa cạnh tranh tốt, chất lượng cung cấp một số dịch vụ chưa cao, trong điều kiện thị trường cung cấp dịch vụ của Việt Nam hiện nay có sự cạnh tranh gay gắt.
Nguyên nhân chính của DN Việt so với các DN cung cấp dịch vụ logistics xuyên quốc gia đang hoạt động tại Việt Nam cho dù trong cùng 1 hạ tầng là hạn chế về quy mô, vốn, kinh nghiệm và trình độ quản lý, khả năng áp dụng công nghệ thông tin cũng như trình độ nguồn nhân lực.
Nguyên nhân quan trọng nữa là không có đầu mối nguồn hàng do Việt Nam chủ yếu (khoảng 91%) xuất FOB và nhập CIF, ngoài ra có hạn chế về kết cấu hạ tầng logistics và chi phí vận tải trên đường bộ, phụ phí cảng biển do các chủ tàu nước ngoài áp đặt.
Do đó, việc giảm chi phí logistics, nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển ngành dịch vụ logistics của Việt Nam hiện nay là một yêu cầu cấp bách.
Những tồn tại trên khiến chi phí logistics còn ở mức cao, tương đương 20,8 % GDP (các nước phát triển từ 9-14%). Tỷ lệ thuê ngoài khoảng 35-40%, nguyên nhân chủ yếu là chưa có sự phối hợp, hợp tác giữa các nhà cung cấp dịch vụ logistics với các nhà sản xuất và các nhà xuất nhập khẩu.
An Linh